YouMed

Thủy đậu bội nhiễm: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

ThS-BS-Đặng-Văn-Trị
Tác giả: ThS.BS Đặng Văn Trị
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Thủy đậu đơn thuần là một bệnh tương đối lành tính, nhưng thủy đậu bội nhiễm được xem là một vấn đề đáng lo ngại bởi có thể gây ra rất nhiều biến chứng sức khoẻ nguy hiểm. Hiện nay, vắc-xin thủy đậu đang là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vậy để hiểu rõ hơn về thủy đậu bội nhiễm cũng như cách phòng ngừa, điều trị cơ bản của căn bệnh này hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Văn Trị tìm hiểu qua bài viết sau.

Tổng quan về thủy đậu bội nhiễm

Thủy đậu như chúng ta biết là một bệnh lành tính, gây ra bởi varicella zoster virus (VZV). Bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian khoảng 5 – 10 ngày và thường không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên nếu không theo dõi và điều trị kịp thời, một số trường hợp có thể để lại những biến chứng phức tạp và có thể dẫn đến tử vong. Nhờ chương trình chủng ngừa, số ca tử vong do thủy đậu đã giảm rất nhiều trong những năm gần đây.

Bội nhiễm là một biến chứng của thủy đậu. Chính vì vậy, nhiều người thường gọi là thủy đậu bội nhiễm.

Đối với người lớn khỏe mạnh, biến chứng thủy đậu ít khi xảy ra, trừ bội nhiễm da. Những đối tượng có nguy cơ cao xuất hiện biến chứng bao gồm: trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh nền có sẵn hoặc do sử dụng thuốc như người mắc HIV/AIDS, ung thư, bệnh nhân ghép tế bào gốc, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài,…1

Đối với nhóm đối tượng này, khả năng xuất hiện biến chứng của bệnh nhiều hơn (30 – 50%), thời gian hồi phục kéo dài hơn (gấp 3 lần so với cơ địa bình thường) và có một tỷ lệ tử vong do biến chứng đáng kể (khoảng 15%) nếu không điều trị tích cực.2

Biến chứng thủy đậu theo từng đối tượng

Cụ thể tình trạng mắc biến chứng thủy đậu ở từng đối tượng:3

1. Người bị suy giảm miễn dịch

Những người bị suy giảm miễn dịch mắc thủy đậu có nguy cơ tổn thương nội tạng lan tỏa (nhiễm VZV các cơ quan nội tạng) dẫn đến viêm phổi, viêm gan, viêm não và rối loạn đông máu nội mạch lan tỏa.

Bệnh nhân có thể bị phát ban thủy đậu không điển hình với nhiều tổn thương và bệnh kéo dài hơn. Các mụn nước mới có thể tiếp tục phát triển trong hơn 7 ngày, có thể xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, đôi khi kèm theo xuất huyết.

2. Người nhiễm HIV/AIDS

Trẻ em nhiễm HIV có xu hướng phát ban không điển hình với các vết thương mới xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng. Các tổn thương ban đầu có thể là mụn nước, dát sẩn điển hình nhưng sau đó có thể phát triển thành các vết loét không lành, hoại tử, đóng vảy và dày sừng. Thường gặp ở trẻ em nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 thấp.

Tỷ lệ biến chứng thấp hơn ở trẻ em nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc những người nhiễm HIV có số lượng CD4 cao tại thời điểm nhiễm VZV. Viêm võng mạc có thể xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên nhiễm HIV.

Hầu hết người lớn đã từng bị thủy đậu lúc nhỏ và có kháng thể với VZV, kể cả những người nhiễm HIV. Do đó, khả năng mắc bệnh thủy đậu tương đối thấp ở người lớn nhiễm HIV.

3. Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng, chủ yếu là viêm phổi. Một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

Nếu phụ nữ mang thai bị thủy đậu trong tam cá nguyệt đầu tiên hoặc đầu tam cá nguyệt thứ hai, con của họ có nguy cơ sinh ra mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh (0,4% – 2%). Em bé sinh ra có thể bất thường ở đa cơ quan như hệ thần kinh (trẻ chậm phát triển trí tuệ, tật đầu nhỏ), ảnh hưởng mắt (teo dây thần kinh thị giác, đục thủy tinh thể, viêm màng võng mạc, tật nhãn cầu nhỏ, rung giật nhãn cầu),  gây dị tật, yếu liệt tứ chi…

Nếu một phụ nữ bị phát ban thủy đậu trong vòng 5 ngày trước khi chuyển dạ cho đến 2 ngày sau khi sinh, trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc thủy đậu hơn 50%. Trước đây, tỷ lệ tử vong do thủy đậu ở trẻ sơ sinh được báo cáo là khoảng 30%, nhưng sau khi globulin miễn dịch được ra đời và sự chăm sóc hỗ trợ tích cực từ các nhân viên y tế đã giảm tỷ lệ tử vong xuống khoảng 7%.3

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng, chủ yếu là viêm phổi
Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng, chủ yếu là viêm phổi

Tùy theo độ tuổi mà biến chứng thủy đậu có thể khác nhau:1

  • Đối với trẻ em là biến chứng nhiễm trùng da và mô mềm.
  • Đối với người lớn là biến chứng viêm phổi.

Biến chứng theo ngày bệnh

Biến chứng của bệnh thủy đậu cũng có thể được chia thành 2 nhóm theo ngày bệnh, biến chứng sớm và biến chứng muộn.2

1. Biến chứng sớm

Biến chứng sớm bao gồm nhiễm trùng da và mô mềm, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, múa vờn, viêm não – màng não, viêm gan, hội chứng Reye. Cụ thể:4

  • Viêm phổi diễn ra khoảng 1/400 người lớn mắc thủy đậu. Nó hiếm diễn ra trên trẻ em có hệ thống miễn dịch bình thường. Các triệu chứng bao gồm ho ra máu, sốt cao và khó thở.
  • Viêm màng não – viêm não chỉ chiếm 1-2 trường hợp trên 1000 bệnh nhân mắc thủy đậu, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đây là nguyên nhân gây tình trạng đi không vững, đau đầu, hôn mê, co giật, mất tỉnh táo, và biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Hội chứng Reye rất hiếm nhưng đây là biến chứng rất nặng, thường xuất hiện ở những người nhỏ hơn 18 tuổi mà trước đó có sử dụng thuốc aspirin. Hội chứng Reye diễn ra thường 3 – 8 ngày sau khi ban da xuất hiện, ảnh hưởng đến gan, não và có thể dẫn đến tử vong. Bởi vì nguyên nhân này mà aspirin không được sử dụng trong thủy đậu.

2. Biến chứng muộn

Biến chứng muộn gồm hội chứng Guillain – Barré, bệnh Zona với biến chứng đau, viêm não – màng não, viêm da, viêm võng mạc, viêm phổi.

Nguyên nhân thủy đậu bội nhiễm

Bội nhiễm hay nhiễm trùng da và mô mềm là biến chứng hay gặp nhất, thường xảy ra sau khi bệnh nhân gãi làm bóng nước bị vỡ. Tỷ lệ nhiễm trùng thứ phát ở trẻ em suy giảm miễn dịch nhập viện vì bệnh thủy đậu là 20%.5

Sau khi bệnh nhân gãi làm bóng nước bị vỡ, lúc này những vi khuẩn như: liên cầu khuẩn nhóm A (GAS), tụ cầu sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua những sang thương này.1

Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra nhiều nhiễm trùng khác nhau. Một số biến chứng thường gặp, triệu chứng thường nhẹ như đau họng. Một số biến chứng khác ít gặp hơn, nhưng thường nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong như viêm mô tế bào, hội chứng sốc nhiễm độc (TSS) do liên cầu.6

Cách để bảo vệ cơ thể khỏi liên cầu khuẩn nhóm A là giữ sạch cơ thể bằng cách rửa tay thường xuyên.

Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra nhiều nhiễm trùng khác nhau
Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra nhiều nhiễm trùng khác nhau

Nhiều tác giả đã đưa ra lời giải thích về xu hướng gia tăng nhiễm liên cầu và tụ cầu sau khi nhiễm VZV, có lẽ do môi trường mụn nước đã tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đồng thời, các tổn thương này gặp nhiều hơn ở trẻ em vì kháng thể bảo vệ cơ thể ở trẻ chưa phát triển đủ.7

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác ghi nhận là không có sự khác biệt nào giữa những người mắc thủy đậu có bội nhiễm so với nhóm người mắc thủy đậu không bội nhiễm về tuổi, thời gian khởi bệnh cũng như số ngày nằm viện.5

Triệu chứng thủy đậu bội nhiễm

Thủy đậu nếu đến giai đoạn bội nhiễm thì sẽ có các triệu chứng sau:

  • Sốt cao đột ngột có thể kèm lạnh run.
  • Vùng tổn thương ửng đỏ, tăng kích thước từ từ, đau, sờ nóng.
  • Vùng da bội nhiễm có thể tiết dịch màu vàng, có mủ,…
  • Vết thương vỡ có thể lở loét, dẫn đến hoại tử nếu không vệ sinh sạch.
  • Nếu để lâu, vi khuẩn vào trong máu, có thể để lại các biến chứng nặng nề như viêm não, viêm màng não…, biến chứng nguy hiểm này có thể gây tử vong nếu không được thăm khám và chữa trị kịp thời.
  • Ngoài ra, có thể gặp viêm mô tế bào, viêm hạch ngoại biên, mụn nhọt.

Thủy đậu bội nhiễm có thời gian hồi phục lâu hơn, do hệ miễn dịch của cơ thể kém và do không chăm sóc da cẩn thận. Chính vì vậy, các vùng tổn thương của thủy đậu bội nhiễm có thể sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nốt thủy đậu bội nhiễm
Nốt thủy đậu bội nhiễm

Điều trị, xử lý tại nhà nốt đậu bị bội nhiễm

Theo Bộ Y tế (2019), thủy đậu không có biến chứng nặng thì người bệnh có thể điều trị ngoại trú nếu người bệnh là cơ địa bình thường và họ có thể đảm bảo cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, khi các biến chứng phát triển, bác sĩ sẽ cần xác định phương pháp điều trị thích hợp và bạn có thể phải nhập viện. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng da và viêm phổi, thuốc kháng virus với viêm não.

Đối với các nốt thủy đậu, bạn cần đảm bảo làm sạch da bằng xà phòng hoặc bôi thuốc xanh methylene với những nốt chưa vỡ, cắt ngắn, vệ sinh móng tay và tránh gãi vào những bóng nước chưa vỡ.

Nếu bạn vô tình làm xước vết phồng rộp, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.8 Còn đối với những nốt thủy đậu bội nhiễm, bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị, sử dụng kháng sinh khi cần.2

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Gọi cho bác sĩ của bạn ngay nếu:8

1. Nguy cơ xuất hiện biến chứng nặng do thủy đậu

  • Nhỏ hơn 1 tuổi.
  • Lớn hơn 12 tuổi.
  • Suy giảm miễn dịch.
  • Có thai.

2. Xuất hiện các triệu chứng

  • Sốt kéo dài > 4 ngày.
  • Sốt > 38,9 °C.
  • Bất kì khu vực ban hay phần nào của cơ thể trở nên đỏ, nóng hoặc sờ mềm, dịch tiết đổi màu hay chảy mủ. Những triệu chứng này có thể cho thấy nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Khó đánh thức hoặc thay đổi hành vi.
  • Khó đi lại.
  • Cứng cổ.
  • Nôn thường xuyên.
  • Nặng ngực, khó thở.
  • Ho nhiều.
  • Đau bụng nhiều.
  • Ban chảy máu hoặc bầm tím.

Hiện nay, bệnh thủy đậu vẫn chưa có thuốc đặc trị, các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu có tác dụng hỗ trợ và phòng ngừa các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.

Chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm

Việc chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm sẽ dựa trên các triệu chứng và tình trạng sức khỏe, nguy cơ mắc biến chứng của bệnh nhân.

Điều trị thủy đậu bội nhiễm

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng.

Khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn, người bệnh thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh bôi trực tiếp lên da hoặc bằng thuốc kháng sinh uống. Nếu chủng vi khuẩn có khả năng kháng thuốc, việc điều trị nhiễm trùng có thể cần dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện. Thuốc kháng sinh cần có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, vì nguyên nhân chính dẫn đến thủy đậu bội nhiễm là do vi khuẩn xâm nhập vào các mụn nước. Vì vậy, người bị thủy đậu chăm sóc mụn nước là rất quan trọng. Đồng thời, vẫn tiếp tục các phương pháp hỗ trợ trị bệnh như những bệnh nhân thủy đậu thông thường.

Chăm sóc mụn nước8

  • Sát khuẩn da để tiêu diệt vi khuẩn, giảm tình trạng bội nhiễm ở những vùng da chưa bị vỡ, loét.
  • Kem dưỡng da calamine và tắm nước mát có pha thêm baking soda, bột làm từ yến mạch chưa nấu chín hoặc bột yến mạch dạng keo có thể giúp giảm ngứa.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm để giảm ngứa da và đẩy nhanh quá trình tái tạo da, thường được dùng khi mụn nước đã khô lại.
  • Giữ vệ sinh da những vùng chưa bị bội nhiễm bằng cách dùng thuốc tím, dung dịch xanh methylen để chấm lên vết loét.
  • Mặc quần áo sạch, thoáng mát.
  • Cắt ngắn móng tay để tránh gãi, gây vỡ các nốt “đậu”, ngăn virus lây lan sang người khác và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da.
  • Nếu bạn vô tình làm xước vết phồng rộp, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

Dùng thuốc điều trị8

  • Paracetamol để giảm đau, hạ sốt, giảm khó chịu.
  • Thuốc kháng histamin để giảm ngứa.
  • Không dùng aspirin hoặc các sản phẩm chứa aspirin để giảm sốt do thủy đậu. Vì dùng aspirin có liên quan đến hội chứng Reye.
  • Hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo tránh điều trị ibuprofen nếu có thể bởi vì nó liên quan đến nhiễm trùng da đe dọa tính mạng.

Đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng do thủy đậu, bác sĩ đôi khi kê đơn thuốc để rút ngắn thời gian nhiễm trùng và giúp giảm nguy cơ biến chứng.9

Hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng đối với nhóm có nguy cơ mắc thủy đậu từ trung bình đến nặng nên được xem xét điều trị thuốc acyclovir hoặc valacyclovir đường uống. Nhóm nguy cơ cao này gồm:9

  • Người khỏe mạnh trên 12 tuổi.
  • Những người bị rối loạn da hoặc phổi mãn tính.
  • Những người được điều trị bằng salicylate dài hạn.
  • Những người điều trị các liệu trình corticoids ngắn, ngắt quãng hoặc khí dung.

Liệu pháp acyclovir

Để có lợi ích tối đa, liệu pháp acyclovir đường uống hoặc valacyclovir nên được dùng trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu phát ban thủy đậu. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ em khỏe mạnh mắc thủy đậu điển hình mà không biến chứng thì không khuyến cáo sử dụng acyclovir hoặc valacyclovir.

Acyclovir là một loại thuốc được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phân nhóm B, có thể sử dụng trong thai kỳ. Một số chuyên gia khuyên dùng acyclovir đường uống hoặc valacyclovir cho phụ nữ mang thai bị thủy đậu, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

Thuốc acyclovir truyền tĩnh mạch được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai với các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến bệnh thủy đậu, chẳng hạn như viêm phổi. Liệu pháp acyclovir tiêm tĩnh mạch được khuyến cáo cho người mắc thủy đậu có biến chứng nặng (viêm phổi, viêm não, giảm tiểu cầu, viêm gan nặng), kể cả phụ nữ đang mang thai.9

Thuốc cũng được sử dụng ở bệnh nhân mắc thủy đậu có tình trạng suy giảm miễn dịch trước đó. Phụ nữ tiếp xúc với virus thủy đậu trong thời kỳ mang thai có khả năng sinh ra những đứa trẻ dị tật như sinh trưởng chậm, đầu nhỏ, có vấn đề về mắt,…9

Cách phòng ngừa thủy đậu bội nhiễm

Tiêm vắc-xin là cách phòng thủy đậu hiệu quả nhất cũng như giảm thiểu biến chứng nặng của bệnh.

Theo Bộ Y tế (2016), vắc-xin được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi cho tới 12 tuổi chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster.

Vắc-xin thủy đậu rất an toàn và ngăn ngừa hầu hết trường hợp thủy đậu mức độ nặng. Kể từ khi vắc-xin ra đời tại Mỹ, đã giảm đến 90% trường hợp nhiễm thủy đậu, nhập viện và tử vong.8 Điều này cho thấy hầu hết những người đã chủng ngừa vắc-xin thường không mắc thủy đậu và nếu mắc thủy đậu, triệu chứng cũng thường nhẹ hơn.

Biến chứng của bội nhiễm thủy đậu rất khó để tiên lượng trước. Do đó, cách tốt nhất để phòng các biến chứng thủy đậu là tránh để nhiễm bệnh, tiêm chủng đầy đủ. Nếu nhiễm bệnh, người bệnh không nên chủ quan, cần tuân thủ các biện pháp điều trị được Bộ Y Tế khuyến cáo, giữ vệ sinh để tránh gặp phải các biến chứng do bội nhiễm thủy đậu.

Thủy đậu đơn thuần mang bản chất là bệnh lành tính, nhưng những biến chứng của mà căn bệnh này gây ra rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Cần biết những dấu hiệu sớm của thủy đậu bội nhiễm, tuân thủ biện pháp điều trị, gặp ngay bác sĩ điều trị nếu nghi ngờ có thuỷ đậu bội nhiễm đặc biệt với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hay đang mang thai.

Câu hỏi thường gặp

Thủy đậu bội nhiễm bao lâu khỏi?

Như đã nói ở trên, với một trường hợp nhiễm thủy đậu đơn thuần thì bệnh có thể tự khỏi sau thời gian khoảng 5 – 10 ngày. Đối với những đối tượng nguy cơ cao xuất hiện biến chứng thì khả năng biến chứng của bệnh nhiều hơn (30 – 50%), thời gian hồi phục kéo dài hơn ( gấp 3 lần những cơ địa bình thường) do hệ miễn dịch của cơ thể kém và do không chăm sóc da cẩn thận, tỷ lệ tử vong đáng kể (khoảng 15%) nếu không được điều trị tích cực.2

Nốt thủy đậu bội nhiễm có để lại sẹo không?

Phát ban do thủy đậu đơn thuần nói chung hay thủy đậu bội nhiễm nói riêng thì có thể dẫn đến sẹo lõm vĩnh viễn, được ghi nhận tới 18% bệnh nhân sau mắc thủy đậu, đặc biệt là các trường hợp thủy đậu có bội nhiễm da. Điều này để lại vấn đề tâm lý liên quan đến thẩm mỹ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đánh giá toàn diện và đặc biệt nào về điều trị sẹo sau mắc thủy đậu.10

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Chickenpox Complicationshttps://www.cdc.gov/chickenpox/about/complications.html

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  2. TS.BS. Nguyễn Văn Hảo (2020). "Bệnh truyền nhiễm". Bộ môn nhiễm Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  3. Chickenpox: People at High Risk for Severe Varicellahttps://www.cdc.gov/chickenpox/hcp/index.html#high-risk-people

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  4. Chickenpox (Varicella)https://www.merckmanuals.com/home/infections/herpesvirus-infections/cytomegalovirus-cmv-infection

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  5. Milo-Manson G., Portwine C., Wang E. (1993). "Bacterial infection complicating varicella infection: A 10-year review of hospitalized children". Can J Infect Dis, 4 (2), pp. 108-10.

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  6. Group A Streptococcal (GAS) Diseasehttps://www.cdc.gov/groupastrep/index.html

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  7. Bovill B. A., Bannister B. A. (1996). "Bacterial superinfection in chickenpox. Children are probably more susceptible". BMJ, 313 (7065), pp. 1145.

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  8. Chickenpox: Prevention and Treatmenthttps://www.cdc.gov/chickenpox/about/prevention-treatment.html

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  9. Chickenpoxhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/diagnosis-treatment/drc-20351287

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

  10. Varicella-Zoster Scar Treatments: A Tertiary Reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8840850

    Ngày tham khảo: 27/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người