Nhiễm trùng đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Nhiễm trùng đường ruột là một tình trạng phổ biến, mà hầu như ai cũng đã phải trải qua ít nhất một lần trong đời. Vậy những triệu chứng của bệnh là gì? Cách điều trị như thế nào? Khi nào cần đến gặp bác sĩ? Mời bạn đọc cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Mạnh Tiến tìm hiểu những thông tin về tình trạng nhiễm trùng đường ruột qua bài viết sau đây nhé!
Tổng quan về nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm khuẩn tiêu hoá, đôi khi được gọi là tiêu chảy nhiễm trùng là một bệnh rất phổ biến. Người bệnh mắc phải khi tiếp xúc với tác nhân vi sinh và độc tố của chúng.
Nhiễm trùng đường ruột biểu bởi các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu phân lỏng nhầy nhớt, đôi khi đi mót rặn lẫn máu (triệu chứng lỵ). Bệnh thường điều trị tập trung vào việc duy trì bù đủ nước, thay đổi chế độ ăn, đến khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu nặng để kịp thời dùng kháng sinh đặc trị.
Nhiễm trùng tiêu hoá do những tác nhân nào gây ra
Có 3 loại tác nhân chính gây nhiễm trùng đường ruột, bao gồm: vi khuẩn, virus và ki sinh trùng.1 2 3
1. Vi khuẩn
Các vi khuẩn này vốn tiềm ẩn trong thực phẩm bẩn, đồ hộp quá hạn, gây nhiễm cho chúng ta khi ăn phải. Các vi khuẩn phổ biến của nhiễm khuẩn bao gồm:
Salmonella
Salmonella là vi khuẩn khá phổ biến, một số chủng đặc biệt gây bệnh thương hàn (do chủng Salmonella typhi gây ra) có thể khiến người bệnh nhiễm khuẩn huyết, sốt kéo dài.
E. coli
E. coli là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất, có nhiều chủng gây bệnh nhưng đặc biệt là chủng E157:H7 có thể gây tiêu phân toàn máu, tiết ra độc tố làm suy thận, tán huyết, thậm chí tử vong.
Clostridium perfringens
Đây là vi khuẩn gram dương tồn tại ở dạng yếm khí (mọi trường không có oxy hoặc rất ít oxy), thường trong đồ hộp, thịt, gia cầm sống bảo quản không đúng cách. Khi nhiễm khuẩn có gây hoại tử sinh hơi là tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Clostridium botulinium
Vi khuẩn này tương tự C. perfringens, chúng cũng sống trong môi trường yếm khí, thực phẩm đồ hộp. Vi khuẩn tiết ra độc tố botulinum gây yếu liệt khắp cơ thể (bệnh uốn ván). Bệnh cảnh có diễn tiến xấu nhanh, tử vong nếu bệnh nhân không được nhập viện.
Vibrio cholerae
Còn được gọi là phẩy khuẩn tả. Vi khuẩn có khả năng gây bệnh tả. Đây là một dạng nhiễm trùng đường ruột đặc biệt, có khả năng lây lan thành dịch. Lịch sử thế giới đã ghi nhận hơn 7 đại dịch do vi khuẩn tả gây ra. Bệnh tả biểu hiện bởi tình trạng đi tiêu phân toàn nước, trong như nước vo gạo, 10-15 lần/ngày. Người bệnh nhân chóng rơi vào trạng thái mất nước trầm trọng, truỵ mạch, suy kiệt và thậm chí tử vong.
Staphylococcus
Vi khuẩn này tồn tại trong thực phẩm bẩn, tiết ra độc tố gây ra triệu chứng ngay sau khi tiếp xúc nguồn thực phẩm bẩn.
Shigella
Đây là trực khuẩn Gram âm, gây bệnh cảnh nhiễm khuẩn đường ruột với biểu hiện đăng trực là đi cầu ra máu (bệnh lỵ trực trùng). Người ăn phải thức ăn bẩn chứa vi khuẩn có thể rối loạn nhẹ trong dạ dày trong 1-2 ngày với biểu hiện như tiêu chảy, nôn. Nếu tiêu chảy kèm thêm máu và chất nhầy thì được gọi là bệnh lý trực trùng. Bệnh nhân sẽ đi phân máu, nhiều lần, lượng phân càng về sau càng ít, ngày có thể đi đến 20-30 lần/ngày, đau thốn vùng hậu môn trực tràng kèm sốt cao 39-40 độ. Đối với một số trẻ em có thể bị co giật hoặc nhiễm độc thần kinh. Người mắc bệnh suy sụp nhanh sau vài ngày, mệt mỏi, mô khô, lưỡi dơ.
Có thể thấy, các vi khuẩn tồn tại trong thực phẩm cùng độc tố. Đặc biệt, một số thực phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro cao như thịt, trứng hoặc thịt gia cầm nấu chưa chín hoặc được ăn sống, sữa và nước trái cây chưa được tiệt trùng, nước uống nhiễm khuẩn, thịt nguội, trái cây và rau quả chưa rửa kĩ.
Ngoài ra, người bệnh có thể lây cho gia đình, người thân nếu đồ đạc có nhiễm khuẩn được sử dụng chung. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình có thói quen dùng phân của người để bón cho rau. Nếu trong quá trình sơ chế không kĩ thì rất nhiễm phải vi khuẩn có hại, có thể gây nhiễm trùng đường ruột nặng.
2. Virus
Nhiễm trùng đường ruột do virus là bệnh rất phổ biến, hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt virus rota. Vaccine có thể giúp ngăn ngừa được bệnh cảnh do rota gây ra.
3. Kí sinh trùng
Giun sán đường ruột hoặc giun, sán đơn bào sau khi người bệnh nuốt phải, sẽ phát triển kí sinh trong ruột gây triệu chứng kéo dài, hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
Một số tác nhân thường gặp đối tượng suy giảm miễn dịch như Giardia, Cryptosporidium.
Người tiếp xúc với phân người trong đất có thể lây lan các kí sinh trùng này. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc các bệnh nhiễm khuẩn này, do uống hoặc bơi trong nước nhiễm khuẩn. Một số chủng lây nhiễm từ vật nuôi sang như bệnh Toxoplasmosis.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt tiêu chảy, nôn ói do một số nguyên nhân khác. Việc sử dụng kháng sinh kéo dài cũng có thể gây tiêu chảy do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến mật độ các lợi khuẩn giảm mạnh, các vi khuẩn có hại sinh sôi.
Tiêu chảy cũng có thể là tác dụng phụ của một số thuốc bệnh nhân đang sử dụng. Ví dụ như lạm dụng thuốc nhuận trường, thuốc kích thích đi tiêu.
Triệu chứng của nhiễm khuẩn đường ruột
Hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột đều có triệu chứng không đặc hiệu và khá tương đồng nhau như:1 2 3 4 5
- Đau quặn bụng: Người bệnh thường đau bụng quanh rốn, một số cảm thấy đau bụng dưới. Đau diễn ra liên tục, cứ sau 3 – 5 phút, người bệnh lại cảm nhận được cơn đau bụng. Tình trạng này kéo dài gây mệt mỏi, khó chịu, không thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Nguyên nhân là do vi sinh vật tấn công và gây tổn thương ruột và đại tràng. Một số trường hợp, đau rát vùng hậu môn nếu tiêu chảy liên tục.
- Tiêu lỏng nhiều lần: Tiêu phân lỏng nhiều lần, có thể toàn nước, có thể trắng đục nước vo gạo (khi nhiễm vi khuẩn tả) hoặc đi phân nhầy nhớt, lẫn máu, đôi khi đi phân toàn máu.
- Buồn nôn, nôn: Độc tố gây kích ứng đường tiêu hoá cũng gây nôn. Nôn ói giúp cơ thể tống xuất bỏ độc chất đã nuốt phải. Tuy nhiên, việc nôn ói quá nhiều có thể đến mất nước, rách thực quản (nôn ra máu).
- Đầy bụng, chướng bụng, ăn không tiêu.
- Đau mỏi cơ: thường gặp trong trường hợp nhiễm siêu vi.
- Sốt: có thể sốt nhẹ. Một số trường hợp nhiễm tác nhân độc hại gây ra sốt cao, lạnh run hoặc sốt kéo dài liên tục nhiều ngày, khiến người bệnh đừ mệt, mất nước.
- Chán ăn, ăn không ngon: Khi đường tiêu hóa có vấn đề, đau bụng và tiêu chảy, chúng ta sẽ cảm thấy ăn uống không được ngon miệng. Càng ăn vào lại càng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi hơn. Cùng với đó là cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Sau vài ngày mắc bệnh, cân nặng có thể giảm đi rõ rệt.
- Trong một số trường hợp, khi nhiễm một số tác nhân rất độc có thể gây ra bệnh cảnh nặng nề:
- Suy thận cấp: tiêu chảy, buôn nôn liên tục có thể dẫn đến mất nước dẫn đến giảm máu tới thận gây ra suy thận. Ngoài ra, các độc tố do vi khuẩn tiết ra cũng có thể tổn thương trực tiếp thận.
- Rối loạn điện giải: Đây là hậu quả của tiêu chảy, nôn ói.
- Sốc giảm thể tích, sốc nhiễm trùng: Khi mất rất nhiều nước do tiêu chảy và nôn ói, người bệnh không ăn uống được. Vi khuẩn lan tràn từ niêm mạc ruột vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sản xuất độc tố gây tụt huyết áp, dãn mạch và sốc nhiễm trùng.
- Suy dinh dưỡng: Có thể gặp phải khi người bệnh tiêu chảy, nôn ói liên tục.
- Yếu liệt: đặc biệt khi nhiễm độc tố của vi khuẩn gây bệnh uốn ván.
- Co giật: Thường gặp trong nhiễm lỵ trực trùng, hoặc co giật do sốt cao ở trẻ em mắc bệnh.
Khi nhiễm khuẩn tiêu hoá, cần xét nghiệm những gì?
Khi tiến hành thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, kiểm tra dấu hiệu nhiễm khuẩn đang xảy ra và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Điển hình nhất là xét nghiệm phân để tìm sự có mặt của tác nhân gây bệnh.
Một số trường hợp đặc biệt, cần chẩn đoán các tác nhân có độc lực cao, người bệnh sẽ được xét nghiệm máu, nội soi đại trực tràng để quan sát trực tiếp niêm mạc ruột. Tuy nhiên, việc dựa vào triệu chứng đã có thể giúp bác sĩ nhận diện phần lớn trường hợp.1 5
Điều trị nhiễm khuẩn đường ruột
Điều trị tại nhà1 2 5
Đa phần các trường hợp nhiễm trùng do ăn phải thực phẩm bẩn, có thể tự giới hạn. Người bị nhiễm trùng đường ruột có thể giúp điều trị bệnh tại nhà bằng cách:
- Nghỉ ngơi;
- Thường xuyên uống nước và uống từng ngụm;
- Sử dụng thuốc không kê đơn một cách thận trọng;
- Ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu khi cảm thấy khỏe hơn.
Điều quan trọng là uống đủ nước, tránh xa thực phẩm bẩn, bổ sung các khoáng chất vitamin (nước điện giải, trái cây).
Sau khi đào thảo toàn bộ độc tố (nôn ói, tiêu lỏng), cơ thể có thể tự tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, virus đưa người bệnh trở lại trạng thái bình thường.
Một số trường hợp có thể vẫn tiêu phân lỏng thỉnh thoảng, sau 1 đợt nhiễm khuẩn; hoặc có thể bị rối loạn khuẩn hệ đường ruột (hội chứng ruột kích thích sau nhiễm trùng tiêu hoá).
Nếu người bệnh đang sử dụng nhiều loại thuốc, đặc biệt các thuốc làm mềm phân, thuốc gây tiểu nhiều (lợi tiểu) có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Vì vậy, khi mắc bệnh nhiễm trùng tiêu hoá, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị về việc tiếp tục sử dụng.
Một số thuốc giúp triệu chứng giảm nhẹ như: thuốc hấp phụ, bảo phủ niêm mạc ruột (smecta, pepto-bistmuth,..), dung dịch oresol,…
Nếu bệnh do ngộ độc thực phẩm thì không nên dùng thuốc chống tiêu chảy (cầm tiêu chảy), mà cần cho đường ruột thải bớt chất độc, vi khuẩn… ra ngoài, nhằm giảm mức độ bệnh. Nếu uống ngay thuốc cầm tiêu chảy, có thể sẽ khiến cho bệnh càng trầm trọng hơn. Dung dịch oresol nên cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên bao bì để được dung dịch đạt tiêu chuẩn. Tránh pha loãng quá hoặc đặc quá sẽ gây hại cho cơ thể.
Việc sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy, ví dụ như loperamid, làm giảm sự vận chuyển của cơ thành ruột, giảm nhu động ruột, giảm khả năng tống đẩy phân ra ngoài, nên làm giảm đi tiêu. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc sẽ gây khó đi tiêu, ứ dộng chất độc, vi khuẩn trong ruột làm người bệnh đầy bụng, đau bụng, chướng hơi. Việc sử dụng thuốc kéo dài không có ý kiến của bác sĩ có thể dẫn đến ảnh hưởng đến thần kinh trung ương gây mất ngủ.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi nào?1 2 3 6
Người bệnh nên đến khám bác sĩ ngay lập tức nếu:
- Người bệnh là người cao tuổi, trẻ em, người có nhiều bệnh nền: suy tim, suy thận, xơ gan, đái tháo đường… Đây là các đối tượng dễ mắc bệnh, khi mắc bệnh dễ chuyển biến nhanh.
- Đau bụng dữ dội.
- Sốt cao liên tục.
- Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày.
- Phân đen, đi phân toàn máu.
- Đi phân lỏng từ 6 lần trở lên/ngày.
- Nôn ói liên tục.
- Không tỉnh táo, lừ đừ.
Hoặc người bệnh cũng nên đến khám bác sĩ, nếu bị nhiễm trùng đường ruột mà cơ thể có dấu hiệu mất nước nặng nề như:
- Cực kì khát nước.
- Nước tiểu sẫm màu, đi tiểu rất ít.
- Má, mắt trũng sâu.
- Miệng khô.
- Da không phẳng trở lại sau khi véo.
- Người lâng lâng.
Đặc biệt ở trẻ em: nếu bé quấy khói liên tục, khóc không thấy nước mắt; tả thay khô liên tục sau 4-5 giờ; bé mệt đừ, sốt cao, nôn ói liên tục cũng nên đến khám ngay.
Trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện để dùng kháng sinh, truyền dịch tĩnh mạch hoặc áp dụng phương pháp điều trị khác phù hợp. Đa phần những bệnh nhân này sẽ trở nên tốt hơn trong khoảng vài ngày đến một tuần, khi dạ dày và hệ thống đường ruột được hồi phục hoàn toàn.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn tiêu hoá thế nào?
Những triệu chứng nhiễm trùng đường ruột có thể kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và hệ tiêu hóa của người bệnh. Do đó, xác định được nguồn lây bệnh là cách tốt nhất để chủ động ngăn ngừa, không tạo cơ hội cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Có nhiều biện pháp có thể thực hiện giúp ngăn chặn sự lây lan, cũng như phòng ngừa lây nhiễm virus gây nhiễm trùng đường ruột như:1 2 3 6
- Thường xuyên rửa tay kĩ càng bằng xà phòng và nước. Không nên lạm dụng nước rửa tay chứa cồn để rửa tay.
- Thực hiện an toàn thực phẩm, bao gồm rửa trái cây, rau quả và nấu chín thịt.
- Tránh nấu ăn hoặc chuẩn bị thức ăn cho người khác khi bản thân đang bị ốm.
- Khử trùng bề mặt cứng bằng thuốc tẩy.
- Giặt quần áo hoặc khăn trải giường cẩn thận.
Bên cạnh đó, để tránh bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, mọi người nên:1 2 3 6
- Rửa tay và các bề mặt sạch sẽ trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm.
- Tách thịt sống, hải sản, thịt gia cầm và trứng xa thức ăn chế biến sẵn.
- Nấu thức ăn đến nhiệt độ bên trong an toàn phù hợp, và tránh thức ăn chưa nấu chín.
- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ 4°C trong vòng 2 giờ sau khi nấu.
- Những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường ruột và các biến chứng cũng nên tránh tiêu thụ thực phẩm nấu chưa chín, hoặc sống từ động vật, các sản phẩm sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng và rau mầm sống.
- Bổ sung men vi sinh đường ruột, hoặc lợi khuẩn để giúp tăng cường sức khoẻ của hệ tiêu hoá.
- Thận trọng khi đi du lịch đến những nơi có nhiễm ký sinh trùng phổ biến hơn.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa bệnh toxoplasmosis. Tránh tiếp xúc hộp vệ sinh cho mèo nếu đang mang thai.
- Thực hiện chủng ngừa virus rota và phẩy khuẩn tả cho trẻ nhỏ.
Chế độ ăn khi nhiễm trùng đường ruột như thế nào?2 3
Khi đang bị nhiễm trùng tiêu hoá, nên chọn lựa thực phẩm sạch tránh xa nguồn lây nhiễm. Người bệnh không nên quá khắt khe, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.
Người bệnh nên lựa chọn thực phẩm dễ tiêu, tránh các món gây khó tiêu, đầy bụng. Đa dạng khẩu phần ăn để bổ sung dưỡng chất khi bị bệnh, tạo sự ngon miệng cho người bệnh. Tránh các loại nước uống dưới dạng cốm hoàn toàn, sủi bọt vì dễ gây tiêu lỏng.
Đối với tinh bột
Nên chọn loại dễ tiêu như bánh mì trắng, bánh quy không nhân, ngũ cốc, bột yến mạch, mì gạo, mì ống.
Đối với rau củ quả
Nên chú ý các loại hoa quả chứa nhiều vitamin, đặc biệt vitamin C giúp các vết loét trên niêm mạc mau lành. Nên hạn chế thực phẩm quá giàu chất xơ dễ dẫn đến tiêu chảy nhiều hơn.
Đối với thịt và các chất béo
Thịt động vật không chứa chất xơ, nên bệnh nhân có thể ăn các loại thịt nạc như: thịt bò, gà, lợn, thịt cừu, cá… hoặc có thể ăn thêm trứng để bổ sung protein. Lưu ý, nên ưu tiên ăn thịt trắng và hạn chế ăn thịt đỏ.
Mặc dù các chuyên gia thường khuyên là nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu. Nhưng người bệnh hoàn toàn có thể ăn các loại chất béo như: bơ thực vật, dầu thực vật, sốt mayonnaise, sốt cà chua, kem sữa, nước sốt sa – lát, mật ong, si rô…
Đối với đồ uống
Nên uống từ 2,5 – 3,5 lít nước lọc mỗi ngày, chia thành nhiều lần. Sau khi ngủ dậy vào buổi sáng nên uống 300 ml nước. Người bệnh nên hạn chế uống trà, cà phê, đồ uống có ga với lượng nhỏ vì dễ gây tiêu chảy. Nên uống nước hoa quả đã lọc bỏ bã.
Tóm lại, nhiễm trùng tiêu hoá hay nhiễm trùng đường ruột do nhiều tác nhân gây ra (vi khuẩn, virus, kí sinh trùng). Các triệu chứng do các tác nhân gây bệnh thường không đặc hiệu, bao gồm tiêu chảy, đau quặn bụng và buồn nôn. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng sẽ tự hết. Điều cần thiết là phải nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước để quá trình hồi phục nhanh chóng. Một số tác nhân đặc biệt có thể gây biến chứng nặng nề nếu không phát hiện. Vì vậy, nếu triệu chứng nặng, người nhiều bệnh nền, trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai cần được theo dõi sát và đưa đi khám bác sĩ kịp thời.
Câu hỏi thường gặp
Nhiễm trùng đường ruột có nên uống sữa không?
Có thể dùng như sữa chua để bổ sung lợi khuẩn. Không nên dùng nhiều sữa vì có thể khiến những người không dung nạp lactose bị chứng tiêu chảy hay chuột rút.4 7
Bệnh nhiễm trùng đường ruột có nguy hiểm không?
Các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường không quá nghiêm trọng.2 Tuy nhiên, nếu chúng ta lơ là, bỏ qua việc theo dõi và điều trị thì bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Tùy vào từng tác nhân gây bệnh, bệnh sẽ tiến triển theo nhiều mức độ khác nhau. Riêng các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, mang thai, mắc nhiều bệnh nền như suy tim, suy thận, xơ gan, đái tháo đường cần được theo dõi sát để điều trị kịp thời, phát hiện và xử trí sớm biến chứng nếu có.1 4
Nhiễm trùng đường ruột có dễ lây không?
Bệnh rất dễ lây, chủ yếu lây việc tiếp xúc thực phẩm, đồ dùng chung nhiễm khuẩn. Việc không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh, khi chế biến thực phẩm có thể làm lây lan sang nhiều người sau khi tiếp xúc với đồ ăn nhiễm khuẩn.3
Vì vậy, khi bị nhiễm bệnh, người bệnh nên được sử dụng đồ đạc riêng, luôn rửa tay kĩ càng khi người bệnh và người chăm sóc tiếp xúc nhau. Các đồ dùng vật dụng cần được khử khuẩn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Overview of Gastroenteritishttps://www.msdmanuals.com/home/digestive-disorders/gastroenteritis/overview-of-gastroenteritis
Ngày tham khảo: 11/09/2022
-
Enteritishttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23049-enteritis-inflammation-small-intestine.
Ngày tham khảo: 11/09/2022
-
Gastroenteritishttps://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/stomach-liver-and-gastrointestinal-tract/gastroenteritis
Ngày tham khảo: 11/09/2022
-
What You Need to Know About Food Poisoning, Its Causes, and Treatmentshttps://www.healthline.com/health/food-poisoning
Ngày tham khảo: 11/09/2022
-
Bacterial Gastroenteritishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK513295/
Ngày tham khảo: 11/09/2022
-
Nhiễm trùng đường ruột: Cách nào để phòng ngừa?https://suckhoedoisong.vn/nhiem-trung-duong-ruot-cach-nao-de-phong-ngua-169220425212159527.htm
Ngày tham khảo: 11/09/2022
-
Mom’s Advice Is Still the Best for Treating Diarrheahttps://health.clevelandclinic.org/moms-advice-is-still-the-best-for-treating-diarrhea/
Ngày tham khảo: 11/09/2022