YouMed

Chế độ ăn cho người tiểu đường như thế nào mới hợp lý?

Bác sĩ Trần Kiều Hoanh
Tác giả: Bác sĩ Trần Kiều Hoanh
Chuyên khoa: Nội tiết

Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh lý ngày càng phổ biến. Bệnh có diễn tiến mạn tính và ảnh hưởng trên nhiều mặt của sức khỏe người bệnh. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi. Điều trị đái tháo đường luôn cần phối hợp ba mảng song hành: chế độ ăn hợp lý, tăng cường luyện tập thể dục và điều trị bằng thuốc. Từ đó mới giúp đạt được mục tiêu điều trị tối ưu. Trong bài viết này, mời bạn cùng Bác sĩ Trần Kiều Hoanh tìm hiểu chế độ ăn cho người tiểu đường hợp lý là như thế nào nhé.

Vì sao người bệnh tiểu đường cần chú ý chế độ ăn uống?

Khẩu phần ăn hợp lý đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đường huyết. Nếu bạn tuân thủ đúng các nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản, HbA1C có thể giảm 1 – 1,9% đối với đái tháo đường típ 1 và 0,3 – 2% đối với đái tháo đường típ 2.1

Bên cạnh đó, theo xu hướng phát triển xã hội ngày nay, việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ở trẻ em khiến bệnh đái tháo đường típ 2 đang có xu hướng trẻ hóa, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Đáng chú ý, có tới 70% trường hợp đái tháo đường típ 2 có thể được dự phòng, hoặc làm chậm diễn tiến xuất hiện bằng tuân thủ lối sống lành mạnh.2

Do đó, việc chú ý đến chế độ ăn thật sự quan trọng để ổn định đường huyết, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

Mục tiêu dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

Không có một chế độ ăn duy nhất nào phù hợp cho tất cả mọi người. Mà điều này còn phụ thuộc nhiều vào sở thích, thói quen, văn hóa, tôn giáo. Những mục tiêu dinh dưỡng chung mà bạn cần đạt được khi thay đổi chế độ ăn bao gồm:1

–  Thúc đẩy và hỗ trợ chế độ ăn lành mạnh. Đặc biệt nhấn mạnh sự đa dạng của thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Từ đó đạt được các mục tiêu:

  • Đạt và duy trì mục tiêu về cân nặng.
  • Đạt mục tiêu đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
  • Trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng đái tháo đường.

–  Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng dựa trên sở thích và văn hóa cá nhân, sự hiểu biết về sức khỏe, khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm lành mạnh, động lực thay đổi hành vi và động lực thay đổi những trở ngại hiện có.

–  Ăn uống là một thú vui và cũng thay đổi rất nhiều tùy theo thói quen của người bệnh. Do đó ngoài các mục tiêu khoa học, người bệnh cũng cần thấy được tầm quan trọng của một chế độ ăn lành mạnh. Từ đó không bị ức chế về tâm lý, không cảm thấy bị ép buộc.

Nguyên tắc trong chế độ ăn cho người tiểu đường

Đối với đa số người bệnh tiểu đường, việc thay đổi thói quen ăn uống dường như là điều khó thực hiện và đầy thử thách nhất.

Nhìn chung, mắc đái tháo đường không có nghĩa là người bệnh phải kiêng ăn tuyệt đối các thực phẩm chứa tinh bột như cơm, phở…; và phải ăn uống khổ cực, không được ăn tất cả các món ngon. Quan trọng là nắm bắt được nguyên tắc lựa chọn thực phẩm thông minh, đa dạng các bữa ăn nhằm cung cấp đầy đủ các dưỡng chất.

Người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong bước đầu thay đổi chế độ ăn phù hợp điều trị tiểu đường
Người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong bước đầu thay đổi chế độ ăn phù hợp điều trị tiểu đường

Những nguyên tắc chung chúng ta cần lưu ý khi thiết kế bữa ăn là:3 4

  • Cá thể hóa

Chế độ ăn uống cần được cá thể hóa làm sao phù hợp với tình trạng sức khỏe, thói quen ăn uống, giờ giấc làm việc, tình trạng tài chính,… của mỗi người bệnh.

  • Đảm bảo nhu cầu năng lượng và nhu cầu các dưỡng chất
  • Glucid (thường gọi là nhóm bột đường)

Nguồn cung cấp glucid có thể từ cơm, bún, phở, hủ tiếu, bắp, bánh tráng, bánh mì, khoai lang… Đây là đại dưỡng chất cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế glucid trong chế độ ăn. Đối với khẩu phần của người Việt Nam, lượng bột đường chiếm khoảng 50 – 60% tổng năng lượng. Vì vậy, người bệnh nên biết cách đọc nhãn thực phẩm và mua những thực phẩm có ghi “Không bổ sung đường”, “Sugar Free”, “Low Sugar”, “No Added Sugar”.

  • Protid (thường gọi là nhóm chất đạm)

Nguồn cung cấp chính protid thường từ thịt, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Nhu cầu đạm trung bình cần khoảng 1,1 – 1,25 g/kg/ngày. Nếu có suy thận thì lượng protid hàng ngày vào khoảng 0,6 – 0,8 g/kg/ngày.

  • Lipid (thường gọi là nhóm chất béo)

Lipid có thể được cung cấp từ mỡ động vật hoặc dầu thực vật. Mỡ động vật chứa nhiều chất béo xấu, là nguyên nhân tăng mỡ máu trong cơ thể. Nhu cầu lipid hàng ngày chiếm khoảng 20 – 30% tổng năng lượng. Nhu cầu này thường bị vượt quá, vì các chất béo ẩn giấu trong các loại thịt, không nhìn thấy được.

  • Rau và trái cây

Rau và trái cây chứa nhiều chất xơ và vitamin, giúp điều hòa nhu động ruột và chậm hấp thu thức ăn.

Rau khi dùng sống giàu nước, còn giữ các chất khoáng, vitamin, chất xơ còn mềm. Khi nấu chín, rau giảm trữ lượng nước và mất một số vitamin. Tuy nhiên khi nấu chín sẽ giúp ăn được nhiều rau hơn.

Trái cây tốt nhất nên ăn tươi. Khi sấy khô hoặc nấu thành mứt, chủ yếu chỉ còn đường. Cần đặc biệt cẩn thận khi ăn quá nhiều trái cây. Vì trái cây chứa hàm lượng đường cao, đặc biệt là trái cây vùng nhiệt đới như nhãn, sầu riêng, xoài, mít, vải… Tiêu thụ nhiều trái cây còn tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu.

  • Rượu bia

Bia rượu không cần thiết cho cơ thể, chúng chứa nhiều năng lượng nên dễ làm tăng cân, gây khó khăn trong kiểm soát đường huyết; nhưng lại thường xuyên được sử dụng trong giao tiếp.

Theo đa số các hiệp hội, phụ nữ mắc đái tháo đường nên uống 1 suất rượu/ngày (tương đương 1 lon bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh); và nam giới tối đa 2 suất rượu/ngày. Ngoài ra không nên uống rượu xa bữa ăn, trước khi luyện tập.

  • Chất tạo ngọt

Một điều cần lưu ý rằng, ngày nay có nhiều loại chất tạo vị ngọt không có năng lượng lưu hành trên thị trường, thường có trong các loại nước ngọt không calo hay đường ăn kiêng. Việc sử dụng chất tạo vị ngọt này có thể xem là một giải pháp tạm thời cho người có thói quen ăn nhiều đồ ngọt. Tuy nhiên, những chất này có tác dụng không mong muốn là gây rối loạn cảm giác đói, cảm giác no. Từ đó dẫn đến các rối loạn về hành vi ăn uống.

Chính vì thế, người bệnh không nên lạm dụng việc dùng các loại nước giải khát có chất tạo vị ngọt.

  • Áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm chất béo với người thừa cân, béo phì
Cần lưu ý xây dựng chế độ ăn hợp lí cho người tiểu đường có thừa cân, béo phì
Cần lưu ý xây dựng chế độ ăn hợp lí cho người tiểu đường có thừa cân, béo phì

Gợi ý những thực phẩm dành cho người đái tháo đường

Các loại thực phẩm nên ăn3 4

  • Đối với thực phẩm giàu bột đường: Ưu tiên chọn loại thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo còn nguyên cám, bột mì nguyên hạt như bánh mì đen, các loại rau củ. Lưu ý rằng, mức glucose huyết còn thay đổi tùy theo cách nấu, cách ăn uống kết hợp. Ví dụ, cùng lượng gạo, nếu nấu thành cháo, đường huyết sẽ tăng nhanh và nhiều hơn sau khi ăn, nhất là chỉ ăn cháo không có đồ ăn kèm. Nhưng nếu ăn cháo kèm với giá, đậu, có cá, thịt, có dầu thì sự hấp thu đường sẽ chậm hơn.
  • Cá là nguồn đạm động vật tốt, ít chất béo xấu và nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe như omega 3, omega 6, DHA, EPA.
  • Các loại hạt và đậu như hạnh nhân, hạt điều, hạt chia, hạt mác-ca, đậu phộng, hạt óc chó… Chúng chứa nhiều acid béo không bão hòa tốt cho cơ thể, tốt cho tim mạch, ngăn ngừa đông máu, giúp kiểm soát đường huyết và giúp no lâu.
  • Dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu phộng… cũng chứa các chất béo tốt cho tim mạch.
  • Ăn nhiều rau xanh và các loại thực phẩm giàu chất xơ.
  • Nên ăn thực phẩm được chế biến luộc, hấp.
  • Nên ăn trái cây cắt miếng, ăn cả xác (ví dụ ăn cam thì ăn cam được cắt theo múi).

Thực phẩm nên kiêng ăn3 4

  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đường hấp thu nhanh hay đường tinh luyện. Tránh mua các thực phẩm có chứa đường cát mà trong bảng giá trị dinh dưỡng hoặc thành phần dinh dưỡng có ghi “Sucrose” hoặc “Saccharose”.
  • Nước ngọt, kể cả nước trái cây, chứa đường hấp thu nhanh nên không được khuyến khích.
  • Tránh thịt mỡ, da, tạng động vật vì đây là những thủ phạm chính gây tăng các mỡ xấu trong cơ thể, gây rối loạn mỡ máu.
  • Tránh ăn thức ăn nhanh, các thực phẩm đã qua chế biến như gà rán, khoai tây chiên hay thịt xông khói…
  • Hạn chế muối và gia vị nhiều muối, khuyến cáo nên ăn dưới 5 g muối/ngày.
  • Hạn chế ăn đồ chiên, xào.

Hướng dẫn thiết kế bữa ăn cho người đái tháo đường

Sau đây là một số hướng dẫn đơn giản giúp người bệnh có thể ước lượng khẩu phần ăn của mình:3

Cách 1: Quy tắc hình dĩa

Khẩu phần ăn được trình bày trên một dĩa thức ăn (đường kính khoảng 20 – 22 cm) trong đó:

  • ½ dĩa là đầy các loại rau.
  • ¼ dĩa là nhóm tinh bột như cơm, bún, phở, hủ tiếu…
  • ¼ dĩa còn lại là các loại thịt, cá, tôm, trứng, đậu.
Áp dụng quy tắc chiếc dĩa giúp tạo bữa ăn dễ dàng cho người đái tháo đường
Áp dụng quy tắc chiếc dĩa giúp tạo bữa ăn dễ dàng cho người đái tháo đường

Cách 2: Nguyên tắc bàn tay Zimbabwe

Dùng bàn tay của chính mình để ước lượng khẩu phần trong một bữa ăn:

Số lượng tinh bột và trái cây (nhóm thực phẩm giàu carbohydrate): Chỉ ăn một lượng bằng một nắm tay cho mỗi loại.

Một nắm tay cho các thực phẩm giàu tinh bột
Một nắm tay cho các thực phẩm giàu tinh bột

Số lượng thịt cá (nhóm thực phẩm giàu đạm): Chỉ ăn một phần tương ứng 1 lòng bàn tay, có độ dày bằng độ dày ngón tay út.

Một lòng bàn tay cho thực phẩm từ thịt cá
Một lòng bàn tay cho thực phẩm từ thịt cá

Số lượng rau: Chọn lượng rau đầy 2 lòng bàn tay. Lưu ý chọn loại rau ít carbohydrate như rau có lá xanh, bông cải xanh, đậu cô ve.

Áp dụng quy tắc bàn tay Zimbabwe có thể giúp chọn lượng rau phù hợp
Áp dụng quy tắc bàn tay Zimbabwe có thể giúp chọn lượng rau phù hợp

Số lượng dầu mỡ (thực phẩm giàu chất béo). Giới hạn lượng béo bằng với đốt đầu tiên của ngón cái.

Đốt đầu tiên của ngón tay cái cho lượng thực phẩm dầu mỡ, chứa nhiều chất béo
Đốt đầu tiên của ngón tay cái cho lượng thực phẩm dầu mỡ, chứa nhiều chất béo

Bữa ăn phụ

Bữa ăn phụ được phân bố vào xế sáng (9 – 10 giờ sáng) hoặc xế trưa (2 – 3 giờ chiều). Thực phẩm có thể là trái cây, sữa tươi/sản phẩm sữa không đường.

Số lượng thực phẩm cho bữa ăn phụ tùy vào mức năng lượng trong khẩu phần, nhưng chỉ nên trong giới hạn 5 – 10% tổng năng lượng trong ngày.

Trên đây là những thông tin về cách xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường hợp lí. Có thể thấy, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh đái tháo đường. Một thực đơn lành mạnh cần đảm bảo nhu cầu năng lượng và dưỡng chất, không làm tăng đường huyết cũng như không xảy ra cơn hạ đường huyết. Nắm vững những nguyên tắc căn bản giúp chọn lựa thực phẩm lành mạnh. Từ đó tự thiết kế bữa ăn phù hợp sở thích cá nhân, nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học giúp người bệnh có thể sống chung với căn bệnh đái tháo đường mạn tính một cách khỏe mạnh và vui vẻ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 5. Facilitating Behavior Change and Well-being to Improve Health Outcomes: Standards of Medical Care in Diabetes—2021https://watermark.silverchair.com/dc21s005.pdf?token=AQECAHi208BE49Ooan9kkhW_Ercy7Dm3ZL_9Cf3qfKAc485ysgAAAuEwggLdBgkqhkiG9w0BBwagggLOMIICygIBADCCAsMGCSqGSIb3DQEHATAeBglghkgBZQMEAS4wEQQMXaRWCj5atEYu4sqCAgEQgIIClLdfUL2N0Q9UY77V-599SYvnU4GP5cLEjllTsoSYoTgnjc6RFppS_650tVfUqYtM1PbbtqQpv7MNbYOum4Bm1X-vpRmH3H4Sv-oTklYqKz-ZC79kFHA_XOZOHWNmG4lIPAqSMZ9igmnuV_yq8P7F8MdaGLVIS15PVA59oOZrD4OqaE5YGiePH_IJs6-9kAEEI6WejwKzzZEkf-sTMBFbocPKavHKD-kk1yEzGN1a64fJMgCyLsn-6INz5y4WPEJXRJ6jigXoAt4v_ahr0Kqe-q6dYpjU0u_xHcZ2iXAGGwcp64Dg5W80NSo3nnVMrnze0bbaMXego4sDZe00zsaQaJxAZB2qPpV2TIia7Sx7KdesfYxaRIP_0NlIJtTulFq5N81sj0fejVyP8359Es6OciD0wbLgbo-BBK1e-grKZvaF8CAamE5NEwMfPACD1SQFyCiMvNi26HgGcGVX-juDZ8ubRrJyX6NC7CEzSnkDOSR2BuUBZcx3CKvdJMMmS2377xEE-qsrIOgaWRkk4EoMyiIXfd5mVm29zOiHAVqAP3PIjvOW362jNWxtCHFZ9mjlsIuYuD5CKazlGPatY6DLadWp4HXU_NqLJmyokoRwIS21ivyvRhubmc8MJuZ1kdHK53P8rzha9jHo2vT6-4VRL8jF0N2ean3qDSzk79XuAKvSfBJmDWWWaols05wQih2Dxdkq6kamQlcuShlTN6N4oXcndUdiUxK_g0YAGKw28PtTkzt-AtnnD_bE5u-C6HRJRWjlv4-piqwOohJS6f9TfkdWqqDYFk4Ps8YyvQ9UOKZl49RK8o_jkAKPh5TTrsmff10uIad9ip50JiJEfjVBIuwbwcwKX5ASkA5i6fdzZCSrYkoVlQ

    Ngày tham khảo: 30/08/2022

  2. Global and regional diabetes prevalence estimates for 2019 and projections for 2030 and 2045: Results from the International Diabetes Federation Diabetes Atlas, 9th editionhttps://www.diabetesresearchclinicalpractice.com/article/S0168-8227(19)31230-6/fulltext

    Ngày tham khảo: 30/08/2022

  3. Trần Quang Khánh (2021). Nội tiết học lâm sàng. Nhà xuất bản Y học TP.Hồ Chí Minh, trang 49-85.

  4. Nguyễn Thy Khuê, Nguyễn Thị Ánh Vân (2021). Hướng dẫn Dinh dưỡng và Luyện tập cho người bệnh Đái tháo đường Việt Nam. Nhà xuất bản Y học TP.Hồ Chí Minh, trang

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người