Rối loạn tiền đình: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Tại Việt Nam, hội chứng rối loạn tiền đình ngày càng phổ biến, đặc biệt càng ngày càng có nhiều người trẻ mắc chứng rối loạn tiền đình. Trong bài viết sau đây, Bác sĩ Nguyễn Thành An sẽ cung cấp cho bạn các thông tin bổ ích về rối loạn tiền đình và một số biện pháp phòng tránh. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình là cơ quan nằm ở phía sau ốc tai ở hai bên, thuộc hệ thần kinh. Tiền đình tham gia vào việc duy trì trạng thái cân bằng của các hoạt động cơ thể như: thăng bằng tư thế, phối hợp các động tác như cử động mắt, tay, chân, thân mình,…1
Tiền đình được phân theo cấu trúc giải phẫu gồm:1
- Tiền đình ngoại biên: bao gồm hệ thống tiền đình, dây thần kinh số VIII (dây thần kinh thính giác).
- Tiền đình trung ương: bao gồm nhân tiền đình nằm ở trong thân não, tiểu não và vỏ não nhận thông tin tiền đình.
Định nghĩa
Rối loạn tiền đình (tiếng Anh là Vestibular disorders) là các rối loạn trong quá trình dẫn truyền, tiếp nhận và xử lý thông tin của tiền đình. Các rối loạn này có thể do tổn thương cấu trúc tiền đình hoặc dây thần kinh số VIII hoặc nhân tiền đình ở trong thân não. Điều này làm cho tiền đình mất chức năng dẫn đến cơ thể mất thăng bằng, loạng choạng, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn,… Các triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột, tái đi tái lại làm ảnh hưởng rất nhiều lên chất lượng cuộc sống của người bệnh.2
Xem thêm: Rối loạn thăng bằng của cơ thể: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Phân loại
1. Rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên
Do tổn thương các cấu trúc trong hệ thống tiền đình ngoại biên bao gồm: hệ thống tiền đình và dây thần kinh số VIII. Triệu chứng thường rầm rộ khiến bệnh nhân chóng mặt và mất thăng bằng nhiều; tuy nhiên thường không nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, đa số 80% người bệnh chóng mặt thuộc vào nhóm này.
2. Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương
Do tổn thương nhân tiền đình, tiểu não và vỏ não tiền đình. Nhóm bệnh này thì ít gặp hơn nhóm ngoại biên, triệu chứng cũng ít rầm rộ hơn. Tuy nhiên lại thường nguy hiểm đến tính mạng và khó điều trị hơn nhóm rối loạn tiền đình ngoại biên.
Nguyên nhân rối loạn tiền đình
Cơ chế2
Khi chúng ta xoay đầu, dịch trong ống bán khuyên sẽ bị đẩy và tác động lên các tế bào lông trong ống bán khuyên. Các tế bào lông này sẽ gửi tín hiệu theo dây thần kinh tiền đình về nhân tiền đình và lên não bộ để cho chúng ta biết là mình đã xoay đầu. Và việc dẫn truyền tín hiệu này xảy ra rất trơn tru, chính xác để đảm bảo chúng ta thăng bằng tư thế và không bị chóng mặt.
Chính vì vậy, bất kì nguyên nhân nào làm gián đoạn việc tiếp nhận thông tin (ở ống bán khuyên), dẫn truyền thông tin (ở dây thần kinh tiền đình), giải mã thông tin (ở nhân tiền đình và vỏ não) đều có thể gây ra triệu chứng rối loạn tiền đình.
Khi bị sỏi rớt vào ống bán khuyên, viên sỏi sẽ liên tục tạo nên sự chuyển động của dịch trong ống bán khuyên làm kích tiền tế bào lông liên tục. Vì vậy, tạo nên tín hiệu gửi đến não liên tục làm cho chúng ta chóng mặt.
Khi dây thần kinh tiền đình bị viêm sẽ làm ảnh hưởng đến việc dẫn truyền tín hiệu từ hệ thống tiền đình đến não bộ, gây ra nhiễu hoặc mất tín hiệu làm cho chúng ta bị chóng mặt.
Tương tự, khi nhân tiền đình ở thân não bị tổn thương (ví dụ: do thiếu máu não) sẽ dẫn đến việc giải mã các thông tin nhận từ hệ thống tiền đình bị sai lệch. Vì vậy, sẽ gây ra chóng mặt.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên2
Các nguyên nhân thường gặp:
- Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (CMTTKPLT).
- Viêm dây thần kinh tiền đình.
- Bệnh Menière.
Các nguyên nhân khác:
- Viêm tai giữa cấp và mạn.
- Dị dạng tai trong.
- Chấn thương vùng tai trong.
- U dây thần kinh số VIII.
- Sỏi nhĩ.
- Say tàu xe.
- Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc (streptomycin, gentamycin …); rượu, ma tuý,…
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình trung ương2
- Migraine tiền đình (thường gặp).
- Thiếu máu thân não do hẹp động mạch thân nền.
- Nhồi máu và xuất huyết tiểu não.
- Xơ cứng rải rác.
- Bệnh Parkinson.
- Giang mai thần kinh.
- Tâm thần.
Triệu chứng rối loạn tiền đình
Biểu hiện chính của rối loạn tiền đình là chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mất thăng bằng,… Với mỗi nguyên nhân cụ thể thì các biểu hiện sẽ khác nhau:
Biểu hiện của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính3
Khi có sự xuất hiện của sỏi ống bán khuyên (canaliths) do sỏi tai thoát ra và rơi vào ống bán khuyên, sẽ gây ra “chóng mặt tư thế kịch phát lành tính”: (CMTTKPLT). CMTTKPLT thường gặp ở độ tuổi 50 – 70. Tuy nhiên cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Khi có sự xuất hiện của sỏi ống bán khuyên (canaliths) do sỏi tai thoát ra và rơi vào ống bán khuyên, sẽ gây ra CMTTKPLT. Không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng nào trong 50% đến 70% bệnh nhân lớn tuổi, và nguyên nhân chấn thương đầu thường gặp ở người trẻ tuổi.
Biểu hiện của CMTTKPLT là cơn chóng mặt tái phát kéo dài một phút hoặc ít hơn, xảy ra khi di chuyển đầu về một hướng cụ thể. Ví dụ như nhìn lên trong khi đứng hoặc ngồi dậy khỏi giường, lăn trên giường.
Trong cơn chóng mặt, bệnh nhân có thể thấy buồn nôn và nôn, khoảng một nửa bệnh nhân mất thăng bằng giữa các đợt tấn công. Các đợt tái phát trong vài tuần đến vài tháng, trung bình hai tuần.
CMTTKPLT được chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh và làm test Dix- Hallpike. Test Dix-Hallpike dương tính khi bệnh nhân có chóng mặt và giật nhãn cầu xoắn hướng lên trong vòng 30 giây khi làm test.4
Biểu hiện của viêm dây thần kinh tiền đình5
Viêm dây thần kinh tiền đình là nguyên nhân thường gặp thứ 2 của rối loạn tiền đình. Bệnh thường gặp ở tuổi 30 đến 50, tỉ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau. Nguyên nhân gây viêm dây thần kinh tiền đình là nhiễm siêu vi. Siêu vi sẽ tấn công vào dây thần kinh tiền đình, làm cản trở quá trình dẫn truyền thông tin thăng bằng của ống bán khuyên về nhân tiền đình. Vì vậy sẽ gây ra triệu chứng rối loạn tiền đình.
Chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh và khám lâm sàng. Bệnh sử bệnh nhân có chóng mặt kiểu quay tròn, nôn ói và dao động thị giác (oscillopsia). Có giật nhãn cầu đánh ngang về phía đối bên tổn thương và bệnh nhân có dáng đi bất thương ở bên tổn thương. Thính giác bệnh nhân không bị ảnh hưởng. Chóng mặt giảm trong vài ngày khi có bù trừ tiền đình, 50% bệnh nhân khỏi sau hai tháng. Tuy nhiên, mất thăng bằng tồn tại trong nhiều tháng vì tổn thương chức năng tiền đình một bên.6 Chóng mặt có thể tái phát, nếu không giảm cần xem xét chẩn đoán khác.
Bệnh Menière7
Bệnh Meniere gây chóng mặt và giảm thính giác một bên. Mặc dù có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến từ 20 đến 60 tuổi. Các triệu chứng bao gồm: chóng mặt tự phát kéo dài vài phút đến vài giờ, thường nặng bệnh nhân phải nghỉ ngơi tại giường; buồn nôn, nôn, kết hợp ù tai một bên, giảm thính giác và đầy tai. Các triệu chứng khác bao gồm ngã đột ngột, đau đầu với giảm thính giác xấu hơn trong các đợt tấn công kế tiếp. Bệnh nhân giật nhãn cầu xoay ngang một bên trong cơn chóng mặt.
Cơ chế bệnh do tăng áp lực nội dịch ở tai trong quá mức làm rối loạn các chức năng. Tuy nhiên, nguyên nhân gây tăng áp lực nội dịch chính xác vẫn chưa được tìm ra. Chẩn đoán bệnh Meniere dựa trên hỏi bệnh, khám bệnh tìm điếc thần kinh tần số thấp, giảm đáp ứng tiền đình một bên. Các đợt cấp của bệnh Meniere kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bệnh có thể tự giới hạn một cách tự nhiên hoặc do điều trị và sẽ tái phát.
Migraine tiền đình8
Mức độ nặng và thời gian của chóng mặt của Migraine tiền đình cũng rất đa dạng. Một số có triệu chứng thoáng qua, kéo dài vài giây, đặc trưng của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Điển hình hơn của Migraine tiền đình là cơn kéo dài trong vài phút đến vài giờ. Thường gặp ở trẻ em, phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. Tiền sử gia đình là một yếu tố nguy cơ.
Chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh, các cơn chóng mặt mang tính chất của đau nửa đầu hoặc có tiền triệu thị giác, sợ ánh sáng hoặc sợ âm thanh. Các cơn chóng mặt thường không có yếu tố thúc đẩy mà tự nhiên xảy ra, có thể được kích hoạt bởi một số loại thực phẩm và một số tình huống nhất định.9
Thiếu máu thân não do hẹp động mạch thân nền
Hệ tiền đình được cung cấp máu từ hệ động mạch thân nền. Vì vậy, khi có sự tắc nghẽn hệ động mạch này sẽ gây tổn thương tiền đình và dẫn đến rối loạn tiền đình. Chẩn đoán dựa vào bệnh sử và thăm khám các triệu chứng ở thân não, như nói đớ, yếu tay chân, nhìn đôi.
Thiếu mão thân não
Khi động mạch thân nền bị xơ vữa sẽ giảm lưu lượng máu đến thân não để nuôi tiền đình. Làm rối loạn chức năng của nhan tiền đình và gây ra các triệu chứng rối loạn tiền đình. Nặng hơn nữa là tắc động mạch thân nên gây ra tình trạng nhồi máu não (đột quỵ) sẽ làm tổn thương nhân tiền đình .
Cơn thiếu máu não thoáng qua
Khi động mạch thân nền hẹp quá nặng có thể làm thiếu máu nhân tiền đình thoáng qua và có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. Sau đó, động mạch được tái thông thì máu đến nuôi tiền đình sẽ bình thường và chức năng của tiền đình được hồi phục. Vì vậy, bệnh nhân chỉ bị triệu chứng trong một khoảng thời gian thoáng qua.
Xem thêm: Y học thường thức: Thiếu máu não thoáng qua
Nhồi máu và xuất huyết tiểu não
Nhồi máu và xuất huyết tiểu não thường xảy ra ở bệnh nhân lớn hơn 60 tuổi có yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp và đái tháo đường. Lâm sàng thường gặp là đột ngột chóng mặt dữ dội kèm buồn nôn và nôn. Thất điều chi gợi ý tổn thương tiểu não, bệnh nhân ngã về bên của tổn thương. Thất điều là tình trạng liên quan đến những cử động không có tổ chức, vụng về và khó giữ thăng bằng.
Bệnh xơ cứng rải rác (multiple sclerosis)
Xơ cứng rải rác (MS) là tình trạng viêm các đường dẫn truyền thần kinh (chất trắng) trong thần kinh trung ương. Khi bị viêm ở chỗ đường dẫn truyền của nhân tiền đình sẽ làm rối loạn việc dẫn truyền, và giải mã thông tin tiền đình; gây ra triệu chứng rối loạn tiền đình. Có khoảng 20% bệnh nhân MS bị chóng mặt. Chẩn đoán gợi ý đến MS khi trước đó bệnh nhân đã có các triệu chứng thần kinh khác, và có bất thường khi thăm khám thần kinh.
Tâm thần
Rối loạn tâm thần như trầm cảm nặng, lo âu hoặc rối loạn hoảng sợ có thể là nguyên nhân chính gây chóng mặt không điển hình trong một số bệnh nhân. Ngoài ra, chóng mặt có thể do hiện tượng tăng thông khí (hít thở nhiều hơn bình thường). Biểu hiện rối loạn tiền đình trong các bệnh lý tâm thần thường đa dạng, mức độ có lúc nặng lúc nhẹ, thời gian có lâu dài lúc ngắn.
Ngoài ra, các cơn hạ đường huyết sẽ làm cho nhân tiền đình bị rối loạn chức năng do thiếu năng lượng, cũng có thể gây ra rối loạn tiền đình
Người bệnh có thể tự điều trị tại nhà được không?
Các biểu hiện chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, hoa mắt,… của nguyên nhân tiền đình ngoại biên rất rầm rộ. Nên người bệnh nên đi khám và nhận sự tư vấn của bác sĩ để được điều trị kiểm soát triệu chứng, và điều trị nguyên nhân một cách chính xác.
Các biểu hiện của chóng mặt trung ương tuy ít rầm rộ, nhưng lại nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người bệnh nên đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi người bệnh có biểu hiện của rối loạn tiền đình bao gồm: chóng mặt, mất thăng bằng tư thế, ù tai, hoa mắt,… thì nên đi gặp bác sĩ để chẩn đoán và có biện pháp điều trị chính xác. Điều này nhằm giúp người bệnh có thể giảm triệu chứng và hồi phục tốt nhất.
Chẩn đoán rối loạn tiền đình
Khám lâm sàng
Tình trạng bệnh có thể được chẩn đoán ban đầu dựa vào các dấu hiệu sau:4
- Chóng mặt: cảm giác đồ vật xung quanh quay tròn, và thường kèm theo các triệu chứng của thần kinh tự chủ như buồn nôn và nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã.
- Mất thăng bằng: mất thăng bằng nhẹ – trung bình có thể được phát hiện bằng các nghiệm pháp Romberg, đi nối gót, đi hình sao,… Mất thăng bằng nặng có thể khiến bệnh nhân không đứng được.
- Rung giật nhãn cầu: là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục có nhịp điệu đều đặn của các chuyển động mắt, khiến cho bệnh nhân không thể giữ mắt cố định ở một vị trí…
Các xét nghiệm cần thực hiện
Để đánh giá các chuyển động của mắt và các dấu hiệu rối loạn chức năng tiền đình, hoặc các vấn đề về thần kinh, chúng ta sẽ cần đến xét nghiệm điện và sử dụng các điện cực nhỏ đặt quanh mắt.
Xét nghiệm xoay vòng để đánh giá sự chức năng của mắt và tai. Xét nghiệm sử dụng kính video hoặc các điện cực để theo dõi chuyển động của mắt.
Xét nghiệm âm ốc tai đo sự đáp ứng của các tế bào tóc với các cú nhấp được tạo ra bởi một loa nhỏ chèn vào trong ống tai, để đánh giá các tế bào lông trong ốc tai.
Chụp cộng hưởng từ MRI sọ não: sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh cắt ngang các mô cơ thể được quét. MRI não có thể phát hiện các khối u, đột quỵ và sự bất thường về mô mềm khác mà có thể gây chóng mặt hoặc ngất.
Các phương pháp điều trị hiệu quả theo từng nguyên nhân
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính3
Điều trị CMTTKPLT bao gồm tái định vị sỏi ống tai bằng thao tác Epley, tỷ lệ thành công khoảng 70% trong lần đầu tiên và gần 100% cho các lần điều trị kế tiếp.10 Nếu không có sự cải thiện với nghiệm pháp Epley, hoặc nếu bệnh nhân có giật nhãn cầu không đặc trưng của CMTTKPLT, hoặc bệnh nhân buồn nôn liên tục, chúng ta cần phải tìm nguyên nhân khác.
Sử dụng thuốc uống ít có vai trò trong điều trị. Hạn chế dùng thuốc ức chế tiền đình vì nó làm giảm sự bù đắp trung ương và tăng nguy cơ té ngã.
Viêm dây thần kinh tiền đình5
Điều trị triệu chứng trong vài ngày đầu, tiên lượng rất tốt. Tuy nhiên, khoảng 15% bệnh nhân tiến triển CMTTKPLT. Viêm thần kinh tiền đình được điều trị bằng thuốc và phục hồi chức năng tiền đình. Để cải thiện triệu chứng chóng mặt và buồn nôn hoặc nôn, chúng ta có thể sử dụng thuốc kháng histamine, thuốc chống nôn, hoặc benzodiazepine.
Lưu ý sử dụng các thuốc này không quá ba ngày, vì nó làm giảm khả năng bù trừ tiền đình trung ương dẫn đến lâu hồi phục. Corticosteroid toàn thân tuy không đủ bằng chứng sử dụng thường quy, nhưng đã được khuyến cáo điều trị cho một số trường hợp. Thuốc kháng virus không hiệu quả.
Bệnh Menière
Điều trị bệnh Meniere bao gồm thay đổi lối sống, giảm lượng muối ăn, giảm caffeine và hạn chế uống rượu mỗi ngày. Khi thay đổi lối sống đơn thuần không kiểm soát được chóng mặt, chúng ta có thể sử dụng thuốc lợi tiểu thiazide. Glucocorticoids và gentamicin tiêm qua màng nhĩ có thể cải thiện chóng mặt. Khi bệnh nhân có các cơn chóng mặt cấp tính, có thể sử dụng thuốc ức chế tiền đình để kiểm soát triệu chứng. Bệnh nhân có triệu chứng kháng trị, ù tai kéo dài, mất thính lực nên xem xét phẫu thuật
Migraine tiền đình8
Điều trị ban đầu tập trung vào việc xác định và tránh các yếu tố nguy cơ gây đau nửa đầu. Trong đó, giảm stress, ngủ đầy đủ và tập thể dục đều đặn kết hợp với dùng thuốc ức chế tiền đình giảm chóng mặt khi có cơn chóng mặt cấp được khuyến khích.
Sử dụng các thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc ức chế beta, thuốc ức chế kênh calcium, thuốc chống trầm cảm ba vòng, và magnesium để phóng ngừa đau nửa đầu, khuyến cáo dựa trên ý kiến của các chuyên gia.
Thiếu máu do hẹp động mạch thân nền
Điều trị bao gồm kháng tiểu cầu và kiểm các yếu tố nguy cơ mạch máu. Thuốc kháng đông đã được sử dụng trong các trường hợp hẹp động mạch thân nền hoặc động mạch chủ.
Tâm thần
Trong hội chứng tăng thông khí các bài tập kiểm soát hơi thở (thở vào túi giấy, túi nilon) giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến giảm CO2 trong máu. Có thể dùng thuốc ức chế Beta cho bệnh nhân hồi hộp đánh trống ngực và đổ mồ hôi; chống chỉ định cho bệnh nhân hen.
Thuốc chống lo âu (ví dụ, ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc) hay benzodiazepines có thể dùng ngắn hạn cho những bệnh nhân lo âu.
Lưu ý hoặc bệnh nhân cần cân nhắc với từng phương pháp điều trị
Rối loạn tiền đình là một nhóm bệnh lý đa dạng và điều trị dựa trên chẩn đoán bệnh cụ thể, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Chăm sóc và phòng ngừa rối loạn tiền đình
- Người bệnh nên đi khám, sử dụng thuốc đúng theo toa hướng dẫn của bác sĩ để được cá nhân hoá điều trị. Tuỳ vào kết quả xét nghiệm, bệnh sử và thăm khám lâm sàng, mỗi bệnh nhân có thể được điều trị với các loại thuốc và liều lượng khác nhau.
- Tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình. Các sự phối hợp vận động của cơ quan của cơ thể, khả năng nhận biết và xử lý tín hiệu từ hệ tiền đình của não bộ sẽ được tăng cường và thông suốt, nhịp nhàng hơn khi tập các bài tập này.
- Tập thể dục đều đặn: tập thể dục để cải thiện sức khoẻ và ổn định tuần hoàn máu não. Bên cạnh đó, việc tập thể dục có thể giảm bớt stress cho người bệnh.
- Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi.
- Có chế độ ăn uống hợp lý: Ăn đầy đủ các nhóm chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Ăn nhiều rau, củ, quả; hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
Trên đây là những thông tin về tình trạng rối loạn tiền đình. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về tình trạng này. Từ đó, có những kế hoạch bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân, cũng như gia đình tốt hơn.
Câu hỏi thường gặp
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Rối loạn tiền đình ngoại biên thông thường không nguy hiểm, nhưng lại có triệu chứng rầm rộ trong đợt bệnh, gây ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống người bệnh đáng kể trong công việc và sinh hoạt thường ngày.
Tuy nhiên, rối loạn tiền đình trung ương ít triệu chứng nhưng lại nguy hiểm đến tính mạng và thường bị người bệnh phớt lờ, chần chừ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và loại trừ.
Rối loạn tiền đình khám khoa nào?
Rối loạn tiền đình nên được đi thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ thuộc chuyên khoa Nội Thần kinh, để được các chuyên gia chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị cụ thể phù hợp với người bệnh, cũng như phát hiện ngay nguyên nhân trung ương nếu có.
Rối loạn tiền đình có phải bệnh mãn tính không?
Phần lớn các rối loạn tiền đình là bệnh mạn tính. Tuy nhiên, với các hướng dẫn điều trị đúng thì người bệnh có thể được kiểm soát các triệu chứng, và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Rối loạn tiền đình thường gặp ở lứa tuổi nào?
Rối loạn tiền đình thường gặp ở các đối tượng nguy cơ bao gồm:11
- Người cao tuổi: Một nghiên cứu gần đây về dịch tễ học ở Mỹ ước tính 35% người từ 40 tuổi trở lên đã trải qua một số cơn rối loạn tiền đình. Tuổi thường bị chóng mặt là khoảng 65 tuổi trở lên, 50% nguyên nhân là do rối loạn tiền đình. Khoảng gần 8 triệu người Mỹ trưởng thành mắc bệnh mãn tính. Hơn một ½ số ca tử vong do tai nạn ở người già là do liên quan đến ngã do chóng mặt và mất cân bằng cân bằng.
- Người làm việc trong môi trường căng thẳng: Stress khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol gây ra một loạt các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… Dẫn đến tổn thương hệ thống thần kinh, bao gồm dây thần kinh số 8 khiến hệ thống dẫn truyền tiền đình bị nhiễu thông tin dẫn đến rối loạn tiền đình. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh ở người dân có công việc căng thăng như dân văn phòng, người lao động trí óc… ngày càng gia tăng.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai thường bị ốm nghén dẫn đến chán ăn. Đặc biệt trong 3 tháng đầu, cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng khiến thai phụ chóng mặt, choáng váng. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, tâm lý của thai phụ có thể bị thay đổi dẫn đến rối loạn tiền đình. Việc điều trị rối loạn tiền đình trong quá trình mang thai phải được sự hướng dẫn của bác sĩ, để tránh các tác dụng phụ của thuốc lên thai nhi.
Rối loạn tiền đình có di truyền không?
Hiện nay, các rối loạn tiền đình là bệnh đơn lẻ không ghi nhận liên quan đến di truyền.
Rối loạn tiền đình và thiếu máu não có giống nhau không?
Rối loạn tiền đình và thiếu máu não là hai bệnh khác nhau. Tuy nhiên lại mang nhiều đặc điểm lâm sàng giống nhau như chóng mặt, hoa mắt, ù tai,… Khi bị thiếu máu não ở vùng nhân tiền đình thì sẽ biểu hiện giống như rối loạn tiền đình, vì vậy rất khó để bệnh nhân có thể tự phân biệt.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Purves, D., Vestibular System, in Neuroscience. 2017. p. 305.
- BUKI, B., Vertigo and Dizziness. Oxford Neurology Library.
- Bhattacharyya, N., et al., Clinical Practice Guideline: Benign Paroxysmal Positional Vertigo (Update).Otolaryngol Head Neck Surg, 2017. 156(3_suppl): p. S1-s47.
- Lou, Y., et al., Efficacy of BPPV diagnosis and treatment system for benign paroxysmal positional vertigo.Am J Otolaryngol, 2020. 41(3): p. 102412.
- Jeong, S.H., H.J. Kim, and J.S. Kim, Vestibular neuritis.Semin Neurol, 2013. 33(3): p. 185-94.
- Walter, A.J., Vestibular neuritis.Cmaj, 2020. 192(25): p. E686.
- Wright, T., Menière's disease.BMJ Clin Evid, 2015. 2015.
- Lempert, T. and M. von Brevern, Vestibular Migraine.Neurol Clin, 2019. 37(4): p. 695-706.
- Dieterich, M., M. Obermann, and N. Celebisoy, Vestibular migraine: the most frequent entity of episodic vertigo.J Neurol, 2016. 263 Suppl 1: p. S82-9.
- Hilton, M.P. and D.K. Pinder, The Epley (canalith repositioning) manoeuvre for benign paroxysmal positional vertigo.Cochrane Database Syst Rev, 2014(12): p. Cd003162.
- Strupp, M., et al., Vestibular Disorders.Dtsch Arztebl Int, 2020. 117(17): p. 300-310.