YouMed

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (tổng phân tích tế bào máu) có thể giúp biết được bệnh gì?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (Complete blood count) hay xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, hay xét nghiệm công thức máu là một xét nghiệm thường quy, được sử dụng để đánh giá sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và phát hiện các rối loạn như nhiễm trùng, thiếu máu hay các bệnh về máu,… Vậy xét nghiệm công thức máu là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm công thức máu? Xét nghiệm gồm những chỉ số nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về những vấn đề trên. Mời bạn đọc cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo theo dõi nhé!

Xét nghiệm công thức máu là gì?

Xét nghiệm công thức máu là một xét nghiệm máu để đo lường các thành phần và đặc điểm của máu. Bao gồm: tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Từ đó, kết quả xét nghiệm giúp phát hiện nhiều loại rối loạn bao gồm thiếu máu, nhiễm trùng, ung thư máu, các bệnh về hệ thống miễn dịch,…1

  • Hồng cầu – tế bào vận chuyển oxy trong máu. Hồng cầu được tủy xương tạo ra và mỗi hồng cầu thường tồn tại 120 ngày trước khi chúng được thay thế bằng thế hệ hồng cầu mới.
  • Bạch cầu – Tế bào có chức năng chống viêm nhiễm. Có 5 loại bạch cầu khác nhau, mỗi loại bạch cầu có chức năng bảo vệ riêng. Mỗi loại bạch cầu hiện diện trong máu với số lượng nhất định. Mỗi tình trạng viêm nhiễm khác nhau sẽ kích hoạt những loại bạch cầu nhất định khiến chúng tăng số lượng so với bình thường.
  • Tiểu cầu – Tế bào có chức năng trong quá trình đông cầm máu. Những bệnh nhân có sự suy giảm số lượng tiểu cầu có thể dẫn đến tình trạng dễ chảy máu.

Xét nghiệm giúp khảo sát 3 loại tế bào máu về số lượng, giúp phát hiện các trường hợp tăng hoặc giảm bất thường. Riêng hồng cầu có nhiều chỉ số để lượng giá như thể tích khối hồng cầu (chỉ số hematocrit), lượng huyết sắc tố hemoglobin hay số lượng hồng cầu. Ngoài ra còn có thể giúp đánh giá hồng cầu về hình dạng và kích thước.

Công thức máu toàn bộ là một xét nghiệm máu phổ biến và thường là một phần của kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Xét nghiệm công thức máu còn được gọi là xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh, xét nghiệm công thức máu đầy đủ, xét nghiệm CBC, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu hoặc xét nghiệm số lượng tế bào máu.1

Công thức máu là một xét nghiệm máu dùng để đo thành phần và đánh giác đặc điểm của máu
Công thức máu là một xét nghiệm máu dùng để đo thành phần và đánh giác đặc điểm của máu

Vì sao cần xét nghiệm công thức máu?

Xét nghiệm công thức máu thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp:2

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm CBC trong buổi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe tổng quát của bạn và tầm soát một vài bệnh lý. Ví dụ: bệnh thiếu máu, bệnh bạch cầu,…
  • Chẩn đoán tình trạng bệnh. Xét nghiệm CBC có thể được thực hiện nếu đối tượng xét nghiệm có triệu chứng suy nhược, mệt mỏi, sốt, viêm nhiễm, bầm tím hoặc chảy máu,… để tìm kiếm nguyên nhân.
  • Theo dõi tình trạng bệnh. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn máu ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu, bác sĩ có thể sử dụng kết quả xét nghiệm CBC để theo dõi tình trạng bệnh của bạn.
  • Theo dõi điều trị y tế. Công thức máu hoàn chỉnh có thể được sử dụng để theo dõi sức khỏe nếu đối tượng xét nghiệm đang dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu.

Ngoài ra, xét nghiệm CBC cũng là một trong những xét nghiệm thành phần của bảng xét nghiệm tiền sản dành cho phụ nữ mang thai. Bảng xét nghiệm tiền sản là một nhóm gồm các xét nghiệm máu thực hiện trong thai kỳ. Nó dùng để kiểm tra các bệnh lý và nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.3

Xét nghiệm công thức máu được thực hiện khi nào?

Như đã trình bày ở trên, xét nghiệm CBC thường được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp kiểm tra sức khỏe, chẩn đoán, theo dõi bệnh lý,… Ngoài ra, chúng ta có thể xét nghiệm CBC nếu có các triệu chứng như:4

  • Bầm tím hoặc chảy máu.
  • Mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược.
  • Sốt, buồn nôn và nôn.
  • Đau khớp, viêm.
  • Bệnh lý nhịp tim, bệnh lý huyết áp.

Xét nghiệm công thức máu biết được bệnh gì?

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu cung cấp thông tin gì?4

Xét nghiệm CBC dùng để đo và nghiên cứu các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu có trong máu. Trong đó:

  • Tế bào hồng cầu thực hiện chức năng đưa oxy đi khắp cơ thể.
  • Tế bào bạch cầu là một phần của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
  • Tiểu cầu giúp cơ thể đông máu.

Bên cạnh đó, xét nghiệm CBC cũng đo lường và đánh giá, nghiên cứu nhiều khía cạnh, đặc điểm trong máu:

  • Xét nghiệm CBC không vi sai sẽ đếm tổng số lượng bạch cầu.
  • Xét nghiệm công thức máu có vi sai sẽ cho biết có bao nhiêu loại bạch cầu trong máu của bạn.
  • Xét nghiệm CBC còn đo lường và đánh giá huyết sắc tố. Đây là một loại protein trong tế bào hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy.
  • Xét nghiệm CBC kiểm tra thể tích khối hồng cầu (hematocrit). Đây là chỉ số mô tả nồng độ của các tế bào hồng cầu trong máu.

Xét nghiệm công thức máu cũng cho biết về:

  • Cơ thể bạn đang tạo ra bao nhiêu tế bào máu mới.
  • Số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
  • Kích thước và hình dạng của tế bào máu.

Xét nghiệm tế bào máu giúp phát hiện bệnh lý nào?

Xét nghiệm CBC có thể giúp bác sĩ chẩn đoán một loạt các tình trạng, rối loạn, bệnh lý và nhiễm trùng. Bao gồm:4

  • Thiếu máu (khi không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể).
  • Rối loạn tủy xương, chẳng hạn như hội chứng loạn sản tủy.
  • Rối loạn như mất bạch cầu hạt, bệnh thalassemia và thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  • Nhiễm trùng, các vấn đề khác gây ra số lượng bạch cầu thấp bất thường hoặc số lượng bạch cầu cao.
  • Một số loại ung thư: ung thư hạch,…
  • Tác dụng không mong muốn của hóa trị và một số loại thuốc.
  • Thiếu vitamin và khoáng chất.
Xét nghiệm công thức máu có thể phát hiện bệnh thiếu máu, rối loạn tủy xương, bệnh thalassemias,...
Xét nghiệm công thức máu có thể phát hiện bệnh thiếu máu, rối loạn tủy xương, bệnh thalassemias,…

Lưu ý khi xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu

Nếu bạn chỉ lấy máu xét nghiệm để thực hiện tổng phân tích tế bào máu thôi thì có thể ăn uống bình thường trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu việc lấy mẫu máu còn dùng để làm các xét nghiệm khác thì đôi khi bạn cần phải nhịn vài tiếng trước khi lấy mẫu. Hãy hỏi bác sĩ về vấn đề này để chuẩn bị tốt cho việc lấy mẫu xét nghiệm.     

Quy trình xét nghiệm công thức máu

Thông thường, quy trình xét nghiệm CBC diễn ra như sau:5

  • Đầu tiên, bác sĩ/Kỹ thuật viên sẽ dùng khăn tẩm cồn sát trùng để làm sạch vị trí được lấy máu trên cánh tay.
  • Để làm cho tĩnh mạch trên cánh tay hiển thị rõ ràng hơn và tiếp cận dễ dàng hơn bằng kim, bác sĩ/kỹ thuật viên sẽ buộc một dải garo trên cánh tay, quanh vị trí lấy máu.
  • Bác sĩ/kỹ thuật viên sẽ đâm kim lấy máu vào tĩnh mạch. Máu sẽ được thu thập vào ống gắn liền với kim. Khi kim được đưa vào có thể bị kim châm hoặc đau nhẹ.
  • Sau khi đã lấy được lượng máu vừa đủ, kim sẽ được rút ra, máu sẽ được đưa đi xét nghiệm. Sau khi rút kim, bạn có thể được băng urgo ở vị trí lấy máu.

Việc lấy mẫu máu xét nghiệm được thực hiện khá đơn giản và chỉ kéo dài vài phút.

Mẫu máu sau khi được lấy ra sẽ được cho vào ống nghiệm có chứa chất chống đông để ngăn máu đông lại, sau đó được cho vào máy phân tích. Ống xét nghiệm công thức mức thường là ống nghiệm EDTA có màu xanh dương hoặc tím. 

Các đơn vị xét nghiệm khác nhau sẽ có thời gian trả kết quả khác nhau. Thông thường, kết quả xét nghiệm CBC sẽ có sau vài phút đến vài ngày sau xét nghiệm.5

Xét nghiệm công thức máu sẽ lấy mẫu từ máu tĩnh mạch
Xét nghiệm công thức máu sẽ lấy mẫu từ máu tĩnh mạch

Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm công thức máu

Các chỉ số thường có trong xét nghiệm CBC là:6

  • WBCs (White Blood Cell) – Tế bào bạch cầu: Xét nghiệm CBC cho biết số lượng tế bào bạch cầu có trong một thể tích máu.
  • RBC (Red Blood Cell) – Tế bào hồng cầu: Số lượng tế bào hồng cầu trong một đơn vị máu toàn phần được chỉ ra trong xét nghiệm CBC.
  • HGB (Hemoglobin) – Huyết sắc tố: Là lượng HST có trong một đơn vị máu toàn phần.
  • HCT (Hematocrit) – Thể tích khối hồng cầu: Là tỉ lệ phần trăm hồng cầu có trong máu.
  • PLT (Platelet) – Tiểu cầu: Là số lượng tiểu cầu có trong một đơn vị máu toàn phần.
  • MCV (Mean Corpuscular Volume) – Thể tích hồng cầu trung bình: Là kích thước trung bình của các tế bào hồng cầu.
  • MCH (Mean Corpuscular Hemoglobin) – Là lượng hemoglobin (huyết sắc tố) có trong tế bào hồng cầu điển hình.
  • MCHC (Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration) – Nồng độ trung bình huyết sắc tố trong hồng cầu: Là nồng độ hemoglobin trong một lượng máu nhất định.
  • RDW (Red Distribution Width) – Độ phân bố hồng cầu: Đánh giá tế bào hồng cầu có kích thước khác nhau như thế nào.
  • MPV (Mean Platelet Volume) – Thể tích trung bình tiểu cầu: Là chỉ số đánh giá kích thước trung bình của tiểu cầu trong máu
  • PDW (Platelet Distribution Width) – Độ phân bố tiểu cầu: Cho biết tế bào tiểu cầu có kích thước khác nhau như thế nào.
  • Bạch cầu phân biệt. Có năm loại tế bào bạch cầu: basophils, bạch cầu ái toan, bạch cầu lympho, bạch cầu đơn nhân và bạch cầu trung tính. Xét nghiệm CBC cho biết bạn có bao nhiêu tế bào trong mỗi loại bạch cầu trên.
  • RET (Reticulocyte count) – Số lượng hồng cầu lưới: Xét nghiệm đo số lượng tế bào hồng cầu mới có trong cơ thể.

Cách đọc kết quả xét nghiệm công thức máu

Khi nhận được kết quả từ phòng xét nghiệm, bạn cần lưu ý quan sát 2 cột kết quả:

  • Cột giá trị tham khảo.
  • Cột kết quả.

Nếu kết quả của bạn nằm trong vùng giá trị tham khảo thì là kết quả bình thường. Ngược lại nếu kết quả cao hoặc thấp hơn vùng giá trị tham khảo lúc đó là kết quả bất thường.

Mỗi phòng xét nghiệm có những thiết bị khác nhau và có những cách lượng giá khác nhau, do đó giá trị tham khảo cũng khác nhau tùy nơi. Ngoài ra giá trị tham khảo còn khác nhau phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi và nơi bạn sinh sống.

Sau đây là bảng giá trị các chỉ số trong xét nghiệm tế bào máu mà bạn có thể tham khảo:

Tên chỉ số Giá trị bình thường Dưới giá trị bình thường Trên giá trị bình thường
RBC – Số lượng tế bào hồng cầu6
  • Nam: 4,35-5,65 nghìn tỷ tế bào/L (4,35-5,65 triệu tế bào/mcL)
  • Nữ: 3,92-5,13 nghìn tỷ tế bào/L (3,92-5,13 triệu tế bào/mcL)
Thiếu máu.
WBC – Số lượng tế bào bạch cầu6 3,4-9,6 tỷ tế bào/L (3.400 đến 9.600 tế bào/mcL)
  • Rối loạn tự miễn dịch phá hủy các tế bào bạch cầu.
  • Các vấn đề về tủy xương.
  • Ung thư.
  • Một số loại thuốc cũng có thể làm giảm số lượng bạch cầu.
  • Nhiễm trùng hoặc viêm.
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch.
  • Bệnh tủy xương.
  • Một phản ứng với thuốc.
PLT – Số lượng tiểu cầu6
  • Nam: 135-317 tỷ/L (135,000 đến 317,000/mcL)
  • Nữ: 157-371 tỷ/L (157,000 đến 371,000/mcL)

Số lượng tiểu cầu thấp hoặc cao hơn bình thường thường là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc nó có thể là tác dụng phụ của thuốc.

Nếu số lượng tiểu cầu nằm ngoài giới hạn bình thường, bệnh nhân có thể cần các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán nguyên nhân.

HGB – Lượng huyết sắc tố6
  • Nam: 13,2-16,6 gram/dL (132-166 gram/L)
  • Nữ: 11,6-15 gram / dL (116-150 gram / L)

 

Thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược do:

  • Mức độ vitamin hoặc sắt thấp.
  • Mất máu.
  • Một tình trạng tiềm ẩn.
Một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn: bệnh đa hồng cầu, bệnh tim.
HCT – Thể tích khối hồng cầu6
  • Nam: 38,3% – 48,6%
  • Nữ: 35,5% – 44,9%

Thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược do:

  • Mức độ vitamin hoặc sắt thấp.
  • Mất máu.
  • Một tình trạng tiềm ẩn.
  • Bệnh đa hồng cầu.
  • Bệnh tim.
MCV – Thể tích hồng cầu trung bình7 8

Người từ 12 đến 18 tuổi:

  • Nam: 88 fl
  • Nữ: 90 fl

Người trên 18 tuổi: 90 fl

Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: thường là 86 fl

Thiếu máu ác tính, có thể do:

Thiếu máu do thiếu axit folic.

Bệnh gan.

MCH – Lượng hemoglobin có trong hồng cầu9 27,5 – 33,2 pg
  • Thiếu máu do thiếu sắt.
  • Bệnh di truyền Thalassemia.
Thiếu vitamin B, nhất là vitamin B12 và B9.
MCHC – Nồng độ trung bình huyết sắc tố trong hồng cầu10 11 33,4 – 35,5 g/dL
  • Thiếu máu do thiếu sắt, bệnh celiac, bệnh crohn,…
  • Ung thư.
  • Nhiễm giun tóc,…
  • Nhiễm độc chì.

Thiếu máu tán huyết miễn dịch.

Bệnh di truyền spherocytosis.

Bỏng nặng.

RDW – Độ phân bố hồng cầu12 13 12 – 15% RDW thấp thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nó cũng không liên quan đến bất kỳ loại thiếu máu cụ thể nào.
  • Bệnh gan mãn tính.
  • Bệnh tim.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Bệnh thận.
  • Ung thư: ung thư đại trực tràng,…

Lưu ý, thông thường, bác sĩ sẽ xem xét kết quả RDW cùng với kết quả của MCV để đánh giá các tế bào hồng cầu trong cơ thể.

MPV – Thể tích trung bình tiểu cầu14 Người lớn không mang thai: 7 – 9 fL
  • Thiếu máu không tái tạo.
  • Bệnh Lupus.
  • Giảm sản tủy.
  • Hội chứng Wiskott-Aldrich.
  • Tăng tiểu cầu nguyên phát, tăng tiểu cầu thứ phát.
  • Ung thư.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Bệnh tim mạch.
  • Tiền sản giật.
  • Bệnh Crohn.
  • Bệnh cường giáp.
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch.
  • Bệnh tăng sinh tủy.
  • Thiếu vitamin B12, vitamin D hoặc folate.
  • Giảm tiểu cầu vĩ mô (rối loạn tiểu cầu khổng lồ).
RET – Số lượng hồng cầu lưới15
  • Người lớn: 0,5 – 2,5%.
  • Trẻ sơ sinh: 2 – 6%.
  • Thiếu máu tăng sinh.
  • Hội chứng rối loạn sinh tủy.
  • Thiếu máu Megaloblastic.
PDW – Độ phân bố tiểu cầu 11 – 15% Chứng nghiện rượu.
  • Ung thư phổi.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Nhiễm khuẩn huyết.

Nên làm gì sau khi có kết quả xét nghiệm công thức máu?

Hãy nghe sự tư vấn và phân tích của bác sĩ về kết quả xét nghiệm của bạn. Bác sĩ sẽ xem xét kết quả và so sánh với phạm vi tham chiếu của đơn vị xét nghiệm. Bác sĩ cũng có thể xem xét mối quan hệ giữa các nồng độ máu khác nhau hoặc hỏi các dấu hiệu sức khỏe ở hiện tại và trước kia của bạn.5

Cần lưu ý, kết quả xét nghiệm bất thường không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của vấn đề về sức khỏe. Người khỏe mạnh cũng có thể có công thức máu nằm ngoài phạm vi tham chiếu tiêu chuẩn.5

Mỗi đơn vị xét nghiệm sẽ có những cách khác nhau trong việc nghiên cứu công thức máu. Vì vậy, phạm vi tham chiếu sẽ phụ thuộc một phần vào đơn vị xét nghiệm đó. Phạm vi tham chiếu cũng có thể phụ thuộc vào những yếu tố ảnh hưởng đến máu. Ví dụ: tuổi tác, giới tính,…6

Làm gì khi có xét nghiệm tổng phân tích máu bất thường?

Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi sẽ cung cấp những bằng chứng sớm nhất về các thay đổi tình trạng sức khỏe và tiến triển bệnh lý của bệnh nhân. Hiện tượng bất thường được phát hiện có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đây không phải là một xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh. Bên cạnh đó, phải thực hiện thêm những xét nghiệm đi kèm để có kết quả chính xác nhất.

Vì vậy, khi phát hiện thấy kết quả xét nghiệm bất thường, bạn nên thực hiện thêm những xét nghiệm khác để làm rõ nguyên nhân. Khi được chỉ định làm thêm xét nghiệm, bạn cần tuyệt đối phối hợp với nhân viên y tế để thu được kết quả chẩn đoán chính xác.

Xét nghiệm công thức máu ở đâu? Xét nghiệm công thức máu bao nhiêu tiền?

Xét nghiệm công thức máu là loại xét nghiệm thường phải thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, trên cả nước có rất nhiều đơn vị thực hiện xét nghiệm này. Điều đó làm xuất hiện những thắc mắc như nên xét nghiệm công thức máu ở đâu? Đơn vị xét nghiệm nào sẽ trả kết quả chính xác nhất? Cơ sở xét nghiệm nào thì uy tín? Và giá xét nghiệm công thức máu là bao nhiêu?

Để có thể chọn được đơn vị xét nghiệm phù hợp, bạn đọc nên đánh giá các cơ sở trước khi đưa ra quyết định. Để bạn đọc dễ dàng hơn trong việc lựa chọn, YouMed đã nêu chi tiết những tiêu chí đánh giá một đơn vị xét nghiệm uy tín, đồng thời, tổng hợp một số đơn vị xét nghiệm kèm theo giá tham khảo trong bài viết Xét nghiệm công thức máu bao nhiêu tiền? Bảng giá xét nghiệm công thức máu. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết để có thêm thông tin nhé!

Qua bài viết trên, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về xét nghiệm công thức máu cho bạn đọc thông qua bài viết trên. Xét nghiệm CBC đóng một ý nghĩa trong việc bảo vệ sức khỏe của cá nhân và gia đình bạn. Để quá trình xét nghiệm diễn ra an toàn và kết quả xét nghiệm chính xác nhất, bạn đọc nên thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở uy tín nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Complete Blood Count (CBC)https://medlineplus.gov/lab-tests/complete-blood-count-cbc/

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  2. Complete blood count (CBC)https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/complete-blood-count/about/pac-20384919

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  3. Prenatal Panelhttps://medlineplus.gov/lab-tests/prenatal-panel/

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  4. Complete Blood Counthttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/4053-complete-blood-count

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  5. Complete Blood Count (CBC)https://www.testing.com/tests/complete-blood-count-cbc/

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  6. Complete Blood Count (CBC) Testhttps://www.webmd.com/a-to-z-guides/complete-blood-count

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  7. What does a mean corpuscular volume level measure?https://www.medicalnewstoday.com/articles/mcv-levels

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  8. MCV (Mean Corpuscular Volume)https://medlineplus.gov/lab-tests/mcv-mean-corpuscular-volume/

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  9. What Is MCH and What Do High and Low Values Mean?https://www.healthline.com/health/mch

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  10. What Does It Mean to Have Low MCHC?https://www.healthline.com/health/low-mchc

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  11. High MCHC: What Does It Mean?https://www.healthline.com/health/high-mchc

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  12. RDW Blood Testhttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22980-rdw-blood-test

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  13. RDW (Red Cell Distribution Width)https://medlineplus.gov/lab-tests/rdw-red-cell-distribution-width/

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  14. MPV Blood Testhttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/23572-mpv-blood-test

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

  15. Reticulocyte Counthttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22787-reticulocyte-count

    Ngày tham khảo: 01/11/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người