YouMed

Đa u tuyến nội tiết tuýp 1: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bác sĩ Nguyễn Vũ Nhật Phong
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Vũ Nhật Phong
Chuyên khoa: Nội tiết

Đa u tuyến nội tiết tuýp 1 – Multiple endocrine neoplasia type 1 (MEN 1), đôi khi còn được gọi là hội chứng Wermer, là một bệnh lý hiếm gặp đặc trưng bởi những khối u tại các tuyến nội tiết, ruột non và dạ dày. Trong hội chứng này, các tuyến nội tiết – thường là tuyến cận giáp, tuyến tụy và tuyến yên – phát triển các khối u tiết ra quá mức các hormone dẫn đến các rối loạn khác nhau trong cơ thể. Tuy nhiên, các khối u này thường là lành tính. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Nguyễn Vũ Nhật Phong tìm hiểu chi tiết hơn về hội chứng này nhé.

Tổng quan về hội chứng đa u tuyến nội tiết tuýp 1

Định nghĩa

Đa u tuyến nội tiết (MEN) là một tình trạng đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tiếp hoặc đồng thời một quá trình sinh u hoặc tăng sản, lành/ ác tính, thông thường có tăng tiết hormone của 2 hay nhiều tuyến nội tiết không liên quan chức năng với nhau, trên cùng một bệnh nhân.1

Đa u tuyến nội tiết được chia làm 2 loại chính:

Đa u tuyến nội tiết type 1 (MEN 1)

Bệnh đặc trưng bởi các khối u (thường là lành tính) trên các tuyến nội tiết như tuyến cận giáp (thường nhất), tuyến tụytuyến yên; và trên đường tiêu hóa (dạ dày, ruột). Tổn thương có thể ở mọi giai đoạn tại mỗi tuyến: tăng sản, adenoma nhỏ, adenoma lớn, carcinoma và carcinoid. Đa số trường hợp, tuyến cận giáp đều bị ảnh hưởng. Tổn thương tại các tuyến khác, đặc biệt là ở tụy (u thần kinh nội tiết ở tụy), thường có nhiều ổ tổn thương (ví dụ: tăng sản tế bào polypeptide của tụy – Pancreatic polypeptide cells (PP cells), u tiết gastrin (gastrinoma), u tiết insulin (insulinoma), u tiết glucagon (glucagonoma), tăng sản tế bào B của tụy. Ngay cả khi chỉ có biểu hiện tiết hormone, thì các nghiên cứu hóa mô miễn dịch và các định lượng trong khối u thường cho thấy có nhiều chức năng tuyến bị tổn thương. Điều này giải thích sự khó khăn trong điều trị.1

Ngoài ra, từ khi hội chứng MEN 1 được phát hiện, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều loại u tuyến nội tiết và u tại các cơ quan khác ở những người mắc bệnh trên (hiếm gặp):2

  • U thần kinh nội tiết (neuroendocrine tumors) tại tuyến ức (một cơ quan trong hệ bạch huyết nằm trong lồng ngực) và tại phế quản (đường dẫn khí trong phổi).
  • U vỏ thượng thận.
  • U mỡ (Lipoma): các u mỡ nằm dưới da.
  • U cơ trơn.
  • U tiết collagen tại vùng thân người và mặt (Truncal and facial collagenomas).
  • U xơ mạch vùng mặt (Facial angiofibromas).
  • Ung thư vú: hiếm gặp.
  • U màng não.
  • U màng nội tủy (ependymomas) là một loại của u thần kinh đệm, điển hình mọc ở trong hoặc cạnh hệ thống não thất.
U xơ mạch vùng mặt (Facial angiofibromas) ở người mắc hội chứng MEN 1 (hình B – D) và ở người không mắc hội chứng MEN 1 (hình A) 
U xơ mạch vùng mặt (Facial angiofibromas) ở người mắc hội chứng MEN 1 (hình B – D) và ở người không mắc hội chứng MEN 1 (hình A)

Đa u tuyến nội tiết type 2 (MEN 2) hay còn gọi là hội chứng Sipple

Bệnh đặc trưng bởi các u và/hoặc ung thư trên nhiều tuyến của cơ thể: ung thư tuyến giáp dạng tủy (medullary thyroid carcinoma), u tủy thượng thận (Pheochromocytoma), u tuyến cận giáp gây cường cận giáp nguyên phát. Người ta còn chia ra làm type 2a và 2b.

Các cơ quan thường bị ảnh hưởng trong hội chứng MEN 1 và MEN 2
Các cơ quan thường bị ảnh hưởng trong hội chứng MEN 1 và MEN 2

Di truyền

Thường là những bệnh có tính gia đình và di truyền. Hiếm hơn có thể có các thể lẻ tẻ. Di truyền bằng các thể nhiễm sắc không mang giới tính, kiểu trội.1

Gen

Chưa tách biệt được các gen, nhưng vị trí của chúng thì đã biết được là ở vùng quanh tâm động của nhiễm sắc thể số 10 đối với MEN 2a và 2b; ở đoạn tay dài của nhiễm sắc thể số 11 đối với MEN 1. Những nghiên cứu về tính đa dạng của AND ngày nay cho phép phát hiện những người mang mầm bệnh MEN với điều kiện là phải khảo sát cả gia đình, gồm cả những người thân mắc bệnh và không có bệnh.

Khi đã tách biệt được gen thì trong tương lai gần có thể xác định bệnh trên từng cá thể riêng biệt.

Các thể lẻ tẻ

Chỉ khẳng định được là lẻ tẻ khi đã khảo sát đầy đủ những người khác trong gia đình.

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh của đa u tuyến nội tiết tuýp 1 và 2

Sự phân lập hệ thống APUD (Amine Precursor Uptake and Decarboxylation – một hệ thống nội tiết phân tán, kết hợp các tế bào được tìm thấy trong hầu hết các cơ quan và tổng hợp các amin sinh học cùng nhiều hormone peptid), bao gồm các tế bào xuất phát từ mào thần kinh, kể cả tế bào C tuyến giáp và tế bào ưa sắc (pheochromocyte), đã cho phép nêu giả thiết một loạn sản mào thần kinh. Khái niệm này phù hợp với ung thư giáp dạng tủy, u tủy thượng thận và các bệnh lý khác có nguồn gốc thần kinh lá thai ngoài (u dây thần kinh hạch, u dây thần kinh nhầy) (trong hội chứng MEN 2) những không giải thích được tổn thương tại tuyến cận giáp.1 4

Các nghiên cứu về gen đã chứng minh các hội chứng đa u tuyến nội tiết liên quan đến một bất thường về gen. Người ta cho rằng có một đột biến gen ảnh hưởng đến một locus có vai trò kiểm soát sự tăng trưởng các mô có nguồn gốc thần kinh lá thai ngoài. Gen gây hội chứng MEN 1, nằm trên nhiễm sắc thể 11 (11q13), được xác định lần đầu năm 1997. Có thể sự phát triển của khối u trong các hội chứng đa u tuyến nội tiết cũng có những cơ chế như trong trường hợp các ung thư do gen như sau: một đột biến đầu tiên ở tế bào mầm do bố mẹ đã bị tổn thương truyền lại (ví dụ đứa con có gen Aa không gây bệnh do mang allen lành “a”); một đột biến thứ hai ở bản thân người con làm bất hoạt allen lành; quá trình trên dẫn đến sự phát triển khối u. Bên cạnh đó, sự tham dự của các gen kiểm soát sự tăng trưởng khối u đã được minh họa trong trường hợp hội chứng MEN 1 bằng cách chứng minh là trong các khối u tụy và các u (adenoma) cận giáp có khuyết đoạn tại nhiễm sắc thể số 11 ở nhánh dài.1 4

Sự hiện diện những yếu tố gây gián phân, chất gây kích thích tăng trưởng tế bào cận giáp hoặc gây u tụy tiết insulin (insulinoma), trong huyết tương của các gia đình bị MEN 1 đã được chứng minh gần đây.

Như vậy, người ta đã chứng minh rõ ràng là đa u tuyến nội tiết là những hội chứng di truyền có liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể. Tuy nhiên, biểu hiện có thể thay đổi từ gia đình này qua gia đình khác, hoặc ngay trong cùng một gia đình từ người này sang người khác.1 4

Dịch tễ hội chứng đa u tuyến nội tiết tuýp 1

Đa u tuyến type 1 là một bệnh hiếm có.1

Người ta ước đoán rằng có khoảng 1 trên 30,000 người có hội chứng MEN 1. Khoảng 10% người có hội chứng MEN 1 không có tiền căn gia đình mắc hội chứng này. Những người này có một đột biến mới mắc gây tiến triển đến hội chứng MEN 1.5

Tuổi phát hiện từ 5 – 81 tuổi tùy theo kiểu chẩn đoán: phát hiện khi nghiên cứu tính chất gia đình hay trên các triệu chứng lâm sàng. Tuổi trung bình là 30 – 40 tuổi. Nếu trước 40 tuổi thì 80% bệnh nhân đã có các dấu hiệu lâm sàng, và hầu hết những người mang gen có thể được phát hiện qua các test sinh học.1

Tổn thương ban đầu hay gặp nhất là cường cận giáp (90%), u thần kinh nội tiết tại đường ruột, tụy (30 – 70%), và u tuyến yên trước (30 – 40%), ở trước tuổi 40.4

Nếu tính riêng từng loại u, có 25% các trường hợp gastrinoma, 10 – 15% các trường hợp cường cận giáp và 4% các trường hợp insulinoma nằm trong bệnh cảnh MEN 1.1

Về nguy cơ ung thư, xấp xỉ khoảng 1/3 các u thần kinh nội tiết tại tụy nói chung là ác tính. Nếu ung thư di căn, nơi thường gặp nhất là gan. Có một tỉ lệ nhỏ các u thần kinh nội tiết tại trung thất là ác tính và có khả năng di căn đến các hạch vùng lân cận hoặc tới gan, phổi, hay cơ quan khác.5

Triệu chứng và cách điều trị đa u tuyến nội tiết tuýp 1 theo từng loại tổn thương

Cường cận giáp1 4

Đây là bệnh cảnh hay gặp nhất (85 – 90%), và thường phát hiện ở lứa tuổi 20 – 30, nghĩa là sớm hơn trong cường cận giáp do nguyên nhân khác (tuổi trung bình là 54) ngoài hội chứng MEN 1. Người ta cũng ước tính có 1 – 18% được chẩn đoán bị cường cận giáp là nằm trong hội chứng MEN 1.4

Tổn thương giải phẫu

Cả 4 tuyến cận giáp đều bị, biểu hiện là tăng sản trong đa số các trường hợp. Các trường hợp khác biểu hiện bằng một adenoma đơn độc (lành tính) hoặc kết hợp với tăng sản. Phân biệt mô học thường khó khăn.

Lâm sàng

Triệu chứng không phải bao giờ cũng là dấu hiệu mở đầu để phát hiện bệnh, mà có khi không có và chỉ phát hiện nhờ định lượng calci máu. Triệu chứng lâm sàng nếu có thường là dấu hiệu sỏi thận (50%); các triệu chứng liên quan đến tăng calci máu như uống nhiều, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, có khi có dấu hiệu loét dạ dày, ruột, suy thận cũng có thể gặp. Dấu hiệu về xương ít gặp (có thể là đau xương, gãy xương). Ngoài ra, còn có thể gặp táo bón, buồn nôn, nôn, chán ăn, mất tập trung, mau quên, lú lẫn.

Chẩn đoán

Căn cứ vào tình trạng tăng calci huyết và hormone cận giáp (PTH) cao.

Điều trị

Phải điều trị bằng phẫu thuật triệt để. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thường không được khuyến cáo do bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều tuyến cận giáp cùng lúc.6

Biến chứng sau phẫu thuật

Suy cận giáp sau phẫu thuật không phải lúc nào cũng gặp, và cũng không tương quan với số tuyến đã cắt bỏ.

U thần kinh nội tiết tại tụy1 4

Tiên lượng

Tiên lượng của tổn thương tụy trong hội chứng MEN 1 có thể nặng nề do tính chất tiết hormone hoặc do tiến triển gây di căn. Các tổn thương thường nhiều chỗ và đa chức năng.

Người ta ước tính rằng u thần kinh nội tiết tại tụy gặp trong khoảng 30 – 80% các trường hợp MEN 1.4 Tuổi bệnh nhân lúc được chẩn đoán trung bình là 50 tuổi. Tiên lượng nặng của u thần kinh nội tiết tại tụy trong MEN 1 là nó có thể là ác tính, nhất là trường hợp gastrinoma, có thể tái phát và phát triển đa tổn thương tại tụy.

Gastrinoma

Đây là dạng khối u tụy thường gặp nhất trong MEN 1. Khối u tăng tiết gastrin, một hormone gây tăng tiết acid tại dạ dày.

  • Lâm sàng

Có dấu hiệu của hội chứng Zollinger-Ellison: nhiều ổ loét, hay tái phát, ở tá tràng (đoạn đầu ruột non nối với dạ dày) nhiều hơn là dạ dày, dễ biến chứng thủng hay xuất huyết. Bên cạnh đó, u này còn có thể gây triệu chứng tiêu chảy, tiêu phân mỡ, trào ngược dạ dày thực quản.

  • Chẩn đoán

Căn cứ vào sự tăng nồng độ gastrin lưu hành trong máu (lúc đói), và hóa tính dịch vị (tăng tính toan của dịch vị nền) (hiện ít làm). Các test động: test secretin, làm tăng calci máu có thể hữu ích để loại trừ trường hợp tăng sản tế bào hang vị.

Để phát hiện tổn thương u, phải nhờ đến tùy trường hợp, siêu âm qua ngã nội soi dạ dày, CT scan bụng có cản quang, chụp động mạch hoặc lấy máu tĩnh mạch nhiều tầng. Tuy nhiên nhận định kết quả thường khó khăn do tính chất đa tổn thương. Khi có xâm lấn xung quanh hay di căn vào gan thì thường bệnh đã lan rộng.

  • Điều trị

Điều trị cũng khó khăn do tính chất đa tổn thương. Trước tiên cần điều trị cường cận giáp vì nó làm tăng nặng thêm nồng độ gastrin trong máu. Điều trị nội khoa với thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng histamine H2. Điều trị không được gián đoạn vì nguy cơ tăng vọt trở lại acid dịch vị. Mục tiêu là làm giảm tiết acid dịch vị nền xuống dưới 10 mEq/L. Khả năng lâu dài gây khối u carcinoid hang vị cũng được bàn cãi và đặt ra vấn đề theo dõi đều đặn bằng nội soi.

Vấn đề điều trị bằng phẫu thuật hiện chưa có được sự thống nhất giữa các chuyên gia. Phẫu thuật cắt tụy bán phần là không hiệu quả và dễ tái phát; còn cắt toàn bộ tụy là một phương pháp nặng nề và gây nhiều biến chứng. Người bị cắt toàn bộ tụy sẽ tiến triển đến bệnh đái tháo đường do không còn insulin được tiết ra từ tế bào β tụy, điều này sẽ dẫn đến một loạt hệ lụy về sức khỏe khác; và người bệnh sẽ phải bổ sung men tụy suốt đời để tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, bác sĩ thường sẽ phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ, bàn bạc kĩ với người bệnh để đưa ra quyết định cuối cùng.

Phẫu thuật cắt dạ dày cũng được đặt ra khi điều trị nội khoa thất bại hoặc không dung nạp với thuốc.

Trong trường hợp khối u được xác định là ác tính, hoặc có di căn gan mà không có chẩn đoán giải phẫu bệnh chắc chắn, người ta sẽ sử dụng hóa trị để kiểm soát bệnh. Các analog của somatostatin (somatostatin analogue) hoặc một chất điều hòa tín hiệu từ tiểu đảo tụy, everolimus và phương pháp tắc mạch khối u, trong một số trường hợp có thể làm giảm tiết gastrin hoặc làm giảm khối u hoặc ổ di căn. Tiên lượng xa khi xác định ác tính là xấu.

Hội chứng Zollinger-Ellison do u tăng tiết Gastrin tại tụy, kích thích tế bào thành ở dạ dày tăng tiết acid tạo thành những ổ loét
Hội chứng Zollinger-Ellison do u tăng tiết Gastrin tại tụy, kích thích tế bào thành ở dạ dày tăng tiết acid tạo thành những ổ loét

Insulinoma

Chiếm từ 10-30% các trường hợp u thần kinh nội tiết tại tụy trong hội chứng MEN 1.6 Có thể có nhiều ổ trong đa số các trường hợp; phối hợp với u khác trong 10%.4

  • Lâm sàng

Triệu chứng hạ đường huyết do tăng tiết insulin (hormone gây hạ đường huyết) vào trong máu, điển hình sẽ có biểu hiện thần kinh (do thiếu glucose tại não). Bệnh nhân có thể không có triệu chứng lâm sàng nếu có sự tăng tiết đồng thời glucagon (hormone làm tăng đường huyết). Biểu hiện có thể:2

  • Run tay.
  • Lú lẫn.
  • Đổ mồ hôi (dù trời không nóng).
  • Đói cồn cào.
  • Lo âu.
  • Tim đập nhanh.
  • Nhìn mờ…

    Triệu chứng của hạ đường huyết
    Triệu chứng của hạ đường huyết
  • Chẩn đoán

Chẩn đoán xác định dựa vào test hạ đường huyết hoặc dấu hiệu hạ đường huyết lúc đói đồng thời với insulin máu cao (C peptide, insulin và pro-insulin máu cao dù đường huyết hạ thấp). Định vị khối u dựa vào các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: CT scan hoặc MRI, siêu âm qua ngã nội soi dạ dày. Tuy nhiên cũng giống như trong gastrinoma, việc định vị này có thể gặp khó khăn do trong các trường hợp này khối u thường rất nhỏ, có thể cần tới xạ hình bằng các chất định vị phóng xạ đặc hiệu.

  • Điều trị

Có thể điều trị nội khoa bằng cách cho ăn các bữa ăn nhỏ có glucid nhiều lần trong ngày, hoặc sử dụng Diazoxide. Nhưng điều trị như vậy thường ít khi cải thiện triệu chứng. Đa số các trường hợp buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật, có thể cắt một phần tụy (chứa u) là đủ, hoặc đốt u bằng sóng cao tần hoặc cồn Ethanol. Tuy nhiên cần phải theo dõi về lâu dài để chắc chắn khối u không tái phát.

Các khối u tụy khác

Các khối u này thường không có triệu chứng, phát hiện được nhờ có các định lượng hormon tụy trong máu hoặc nhờ phương pháp hóa mô miễn dịch tế bào khi sinh thiết bệnh phẩm tụy sau mổ. Với các huyết thanh tương ứng, người ta có thể phát hiện được các hormone tụy: insulin, glucagon, somatostatin, vasoactive intestinal peptide (VIP), polypeptide tụy (PP), gastrin, serotonin trong các khối u. Thông thường, sẽ có từ hai hormone trở lên được phát hiện, nhưng cũng có trường hợp chỉ có một hormone.

  • Glucagonoma: phát hiện nhờ có hội chứng lâm sàng kinh điển: tăng đường huyết, viêm da dạng ban đỏ hoại tử (necrolytic migratory erythema), huyết khối tĩnh mạch sâu và trầm cảm); ngoài ra còn có thể gặp gầy sụt cân, tiêu chảy. Chẩn đoán xác định dựa vào đo nồng độ glucagon máu lúc đói và định vị u tương tự các phương pháp trên. Bệnh có thể được phát hiện dưới dạng ác tính tiến triển di căn xa.
  • Poma: trong hội chứng MEN 1 thường thấy PP tăng, nhất là trường hợp có u tụy mà không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu.
  • VIPoma: lâm sàng biểu hiện bằng hội chứng Verner Morrisson, còn gọi là hội chứng WDHA (Water Diarrhea Hydroelectrolytic Achlorhydria), có tiêu chảy nhiều nước và giảm kali máu.
  • Somatostatinoma: Biểu hiện lâm sàng của các khối u này thường ít và thường được phát hiện muộn.

Adenoma tuyến yên1 4

Tần suất của adenoma tuyến yên thay đổi từ 10 – 60% tùy theo nghiên cứu lâm sàng hay giải phẫu học, các nghiên cứu cũng cho thấy bệnh nhân có thể có tổn thương giải phẫu mà không có triệu chứng lâm
sàng.4

Prolactinoma (u tiết prolactin) chiếm 60% các trường hợp, adenoma tiết hormone tăng trưởng (GH) 25%, adenoma tiết ACTH 5%.4 Ngoài ra các khối u không chức năng (không tăng tiết hormone) cũng có thể gặp. Kích thước adenoma khi phát hiện thường lớn.

Dấu hiệu lâm sàng

Dấu hiệu liên quan đến triệu chứng do u chèn ép:

  • Nhức đầu.
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Thay đổi thị lực, thị trường, do u chèn ép giao thoa thị.
  • Suy tuyến yên trước do u lớn chèn ép tuyến yên.

Dấu hiệu liên quan đến tăng tiết hormone:

Prolactinoma: thường gặp nhất Phụ nữ trước mãn kinh:

  • Suy sinh dục (vô sinh, thiểu kinh hoặc vô kinh).
  • Giảm ham muốn tình dục (libido).
  • Chảy sữa: thường gặp.
  • Phụ nữ vô kinh trong thời gian dài tăng nguy cơ thiếu xương và loãng xương.
Nam giới:

  • Suy sinh dục thứ phát: giảm libido, rối loạn cương dương, bất lực, vô sinh…
  • Mất lông, rụng lông mu, lông nách.
  • Vú to nam giới.
  • Ngoài ra, có thể giảm chức năng nhận thức, giảm năng lượng, giảm khối cơ, mất xương.
  • Chảy sữa: hiếm gặp.
Phụ nữ sau mãn kinh: hiếm khi biểu hiện triệu chứng sớm vì không còn kinh nguyệt. Chảy sữa hiếm gặp vì nồng độ estrogen và progesterone thấp. Tình trạng tăng prolactin máu chỉ được nhận ra khi adenoma đủ lớn gây hiệu ứng khối choán chỗ, hoặc phát hiện khối u tuyến yên tình cờ trên MRI.
Trẻ em: vô kinh nguyên phát, dậy thì muộn.
Ngoài ra, adenoma cũng có thể gây tăng tiết một hoặc nhiều loại hormone khác cùng lúc (Prolactin, GH, ACTH), gây ra nhiều triệu chứng đặc hiệu khác: tăng kích cỡ tay chân, tăng huyết áp, đái tháo đường, hội chứng Cushing

Chẩn đoán

Sau khảo sát hormone thì MRI tuyến yên có cản từ là rất cần thiết để đánh giá mức độ xâm lấn tại chỗ.

Điều trị

Prolactinoma: có thể bắt đầu điều trị nội khoa với thuốc đồng vận Dopamine (Cabergoline, Bromocriptine). Nếu không đáp ứng với điều trị nội khoa, có thể xem xét chỉ định phẫu thuật nội soi qua xương bướm hoặc xạ trị hoặc thậm chí hóa trị (thường khi không đáp ứng với tất cả phương pháp khác hoặc u ác tính).

Những loại khối u tiết hormone khác hoặc u không chức năng: đa số được điều trị bằng phẫu thuật (đầu tay là nội soi cắt u qua xương bướm). Sau phẫu thuật, nếu không lấy được hoàn toàn u hoặc không đạt được lui bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc để giảm tiết hoặc giảm tác dụng của các hormone dư thừa trong máu.

Các loại tổn thương khác trong MEN 11 4

  • Khối u carcinoid: ở phế quản, tụy, ống tiêu hóa hay tuyến ức; nếu không có di căn thường không có triệu chứng, và phải tìm một cách thường quy, đặc biệt là ở những gia đình mà đã có người có khối u loại này được phát hiện.
  • Tổn thương thượng thận: cũng thường không có triệu chứng; được phát hiện khi khảo sát hình thái như làm CT scan bụng. Tổn thương thường là loại tăng sản vỏ thượng thận hai bên hoặc adenoma vỏ thượng thận trong đa số các trường hợp.
  • Lipoma: ngoài da và cũng có thể ở nội tạng, nhiều ổ chiếm khoảng 10% các trường hợp.

Nghi ngờ mắc đa u tuyến nội tiết tuýp 1 khi nào?

Nghi ngờ chẩn đoán đa u tuyến nội tiết type 1 khi đứng trước một biểu hiện tổn thương tuyến đơn độc, mà có các đặc điểm sau:1

  • Qua hỏi bệnh xác định được bệnh có tính gia đình;
  • Hoặc khi có tổn thương hai tuyến ở cùng một bệnh nhân;
  • Cường cận giáp: xuất hiện sớm, phát hiện lúc < 40 tuổi, tăng sản nhiều tuyến cận giáp hoặc adenoma tại nhiều tuyến cận giáp, tái phát sau mổ.

Khi đã có chẩn đoán, cần phải tiến hành ngay một khảo sát di truyền (xét nghiệm gen) trong gia đình nhằm chẩn đoán sớm, và là biện pháp duy nhất để có thể chữa khỏi bệnh sớm.4

Thiết lập cho mỗi trường hợp một lịch theo dõi thích hợp sau này.

Chẩn đoán đa u tuyến nội tiết tuýp 1

Chẩn đoán hội chứng MEN 1 phải được đặt ra từ rất sớm. Bệnh được di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường với tính chất “có bệnh hoặc không”, nên nếu trong gia đình không phát hiện được trường hợp nào khác thì phải kết luận đó là trường hợp lẻ tẻ, tuy nhiên vẫn phải cảnh giác (là có tính gia đình mà không phát hiện được).1

Những cận lâm sàng sau đây được khuyến cáo để tầm soát đối với những người được nghi ngờ mắc hội chứng đa u tuyến nội tiết type 1:5

Xét nghiệm di truyền sinh học phân tử

Xét nghiệm gen nên được cân nhắc làm cho trẻ em hoặc người trẻ có tiền căn gia đình có người được chẩn đoán mắc hội chứng MEN 1 và được xác định có đột biến gen MEN 1. Trong gia đình có người đã được xác định có đột biến gen gây hội chứng MEN 1, đứa trẻ có kết quả xét nghiệm không đột biến (khoảng 50% do nhận một gen từ người mang gen gây bệnh, có thể nhận allen lành hoặc gây bệnh) có thể không cần làm những xét nghiệm sinh hóa khác dưới đây.

Xét nghiệm chẩn đoán

  • Xét nghiệm máu thường xuyên mỗi 1 – 3 năm đánh giá: prolactin máu, IGF-1, đường huyết đói, insulin, pro-insulin lúc đói, thường bắt đầu từ lúc trẻ đạt 5 – 10 tuổi.
  • Đánh giá calci máu (calci ion hóa hoặc calci máu toàn phần hiệu chỉnh với albumin máu), bắt đầu từ lúc trẻ đạt 8 tuổi. Nếu calci máu cao, cần làm thêm PTH máu.
  • Đánh giá mỗi năm các hormone tụy: gastrin lúc đói, PP lúc đói và sau kích thích với bữa ăn, VIP lúc đói, glucagon, bắt đầu từ năm 20 tuổi.
  • Các test động khác: test dung nạp 75 g glucose để xác định có tăng tiết GH, test ức chế dexamethasone qua đêm (hoặc Cortisol nước tiểu 24h, Cortisol nước bọt lúc nửa đêm) để xác định có hội chứng Cushing… được làm khi có nghi ngờ trên lâm sàng hoặc trên các xét nghiệm tầm soát.1
  • MRI tuyến yên có cản từ, mỗi 3 – 5 năm, bắt đầu từ lúc 5 – 10 tuổi, hoặc bất cứ lúc nào nếu các xét nghiệm tầm soát hormone tuyến yên bất thường.
  • CT scan hoặc MRI ngực bụng mỗi 2 – 4 năm, bắt đầu từ lúc 20 tuổi hoặc khi xét nghiệm hormone tụy có bất thường. Siêu âm qua ngã nội soi cũng có thể được chỉ định để xác định vị trí và tính chất u.1 5

Các khuyến cáo về cách tầm soát trên có thể được thay đổi theo thời gian khi có những kĩ thuật mới ra đời, và nhiều kiến thức về hội chứng MEN 1 được khám phá hơn. Vì vậy, khi được xác định có nguy cơ mắc hội chứng này, bạn nên thường xuyên hỏi ý kiến các bác sĩ/chuyên gia về Nội tiết để được làm các cận lâm sàng phù hợp cho mình.

Phòng ngừa đa u tuyến nội tiết tuýp 1

Vì đây là một bệnh có liên quan đến di truyền, nên không may thay, không có cách nào có thể phòng ngừa hội chứng MEN 1. Đột biến gen gây bệnh có thể được di truyền từ cha mẹ của người bệnh hoặc có thể xảy ra ngẫu nhiên không rõ nguyên nhân trong quá trình phát triển bào thai.2

Do không thể phòng ngừa, việc chẩn đoán sớm bệnh là rất quan trọng. Nếu một trong những người trong gia đình (thế hệ thứ nhất – cha mẹ, anh chị em ruột) của bạn được chẩn đoán có hội chứng MEN 1, bạn cần liên hệ với bác sĩ gia đình hoặc đến khám tại chuyên khoa Nội tiết có uy tín để được tư vấn tầm soát gen và những bệnh liên quan tới MEN 1.2

Đa u tuyến nội tiết tuýp 1 là một hội chứng hiếm gặp. Do có rất nhiều triệu chứng khác nhau và biểu hiện của mỗi cá nhân mắc bệnh cũng khác biệt, nên đây là một hội chứng rất dễ bỏ sót nếu không có kinh nghiệm. Vì vậy, nếu bạn đang mắc một triệu chứng nào đó khó chịu hoặc có thay đổi đáng chú ý trên cơ thể, bạn cần liên lạc với bác sĩ gia đình của mình hoặc đi khám tại các trung tâm uy tín để được tư vấn thích hợp. Ngoài ra, MEN 1 cũng thường di truyền trong gia đình, nếu có người thân trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh trên, bạn cũng cần gặp bác sĩ để được tư vấn tầm soát bệnh một cách phù hợp. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp cho bạn được điều trị sớm nhất và giảm được các biến chứng về lâu dài.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Mai Thế Trạch, Nguyễn Thy Khuê (2007). “Đa u nội tiết”. Nội Tiết Học Đại Cương, Nhà Xuất Bản Y Học, TP. Hồ Chí Minh, trang 567 – 574.

  2. Multiple Endocrine Neoplasia (MEN)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23088-multiple-endocrine-neoplasia-men

    Ngày tham khảo: 19/10/2022

  3. Facial Angiofibroma as an Initial Manifestation in Multiple Endocrine Neoplasia Type 1https://www.jstage.jst.go.jp/article/internalmedicine/47/11/47_11_1067/_article

    Ngày tham khảo: 19/10/2022

  4. Multiple Endocrine Neoplasia Type 1 (MEN1): An Update and the Significance of Early Genetic and Clinical Diagnosishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6584804/

    Ngày tham khảo: 19/10/2022

  5. Multiple Endocrine Neoplasia Type 1https://www.cancer.net/cancer-types/multiple-endocrine-neoplasia-type-1

    Ngày tham khảo: 19/10/2022

  6. Clinical Practice Guidelines for Multiple Endocrine Neoplasia Type 1 (MEN1) https://academic.oup.com/jcem/article/97/9/2990/2536740?login=false

    Ngày tham khảo: 19/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người