Bị viêm bàng quang nên ăn gì và kiêng gì?
Nội dung bài viết
Viêm bàng quang là một trong những căn bệnh thường gặp. Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm nhưng cũng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu điều trị muộn. Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh để trị liệu, chế độ ăn uống hay lối sống hàng ngày cũng đóng một vai trò quan trọng. Viêm bàng quang nên ăn gì? Bị viêm bàng quang nên kiêng gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Bác sĩ Trần Lê Dung để rõ hơn về những vấn đề trên nhé!
Viêm bàng quang nên ăn gì?
Viêm bàng quang là một bệnh thường gặp, có thể được chữa trị bằng nhiều cách khác nhau. Một số thực phẩm có thể được sử dụng cho người bị viêm bàng quang để giúp người bệnh kiểm soát hoặc tránh tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn trong viêm bàng quang. Các loại thực phẩm có thể được sử dụng khi bị viêm bàng quang gồm:1
- Rau xanh: măng tây, cần tây, ô liu đen, dưa chuột, đậu xanh, ớt chuông, một số loại đậu khác,…
- Trái cây: bơ, chuối, việt quất, dưa, lê, táo,…
- Sữa, sữa chua, phô mai, kem phô mai, trứng,
- Nước, nước ép ép việt quất, nước ép lê, trà hoa cúc, trà bạc hà, nước trái cây khác trừ các loại có thành phần cam, quýt, socola.
Ngoài ra, người bệnh viêm bàng quang còn nên ăn:
- Đậu, ngũ cốc nguyên hạt.
- Thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh: dầu ô liu,…
- Tỏi, rau mùi tây. Những thực phẩm này đã được chứng minh là một phương pháp điều trị thay thế hiệu quả và tiết kiệm đối với nhiễm khuẩn đường tiết niệu và viêm bàng quang kẽ.2
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị viêm bàng quang vì có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn. Bên cạnh những loại thực phẩm có thể sử dụng và hạn chế sử dụng, người bệnh cần có một chế độ ăn đúng giờ, đa dạng món, uống nhiều nước để tăng khả năng đào thải vi khuẩn và tuân thủ theo hướng dẫn về chế độ ăn uống của bác sĩ.
Cần kiêng gì khi bị viêm bàng quang?
Ngoài những thực phẩm nên sử dụng trong viêm bàng quang, người bệnh cần phải hạn chế hoặc không sử dụng một số thực phẩm để tránh làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Các thực phẩm sau có thể làm thay đổi pH của nước tiểu và người bệnh cần tránh do có thể gây viêm bàng quang và kích ứng bàng quang:1
- Đồ uống: rượu, sữa lắc socola, cà phê, nước ép nam việt quất, soda, trà xanh, trà thảo dược, nước ép cà chua,…
- Trái cây: chanh, cam, bưởi, dâu tây, thơm, kiwi,…
- Rau: ớt, hành tây, dưa cải bắp, sản phẩm từ cà chua, dưa chua,…
- Thực phẩm có thành phần socola, cam, chanh,…
Bên cạnh đó, người bệnh viêm bàng quang cũng nên tránh:
- Đồ uống chứa caffein khác, nước ép và đồ uống có múi, có hàm lượng acid cao vì có thể làm cho triệu chứng trầm trọng hơn.
- Trái cây: các loại trái cây nhiều axit như quýt, mận, sung, dứa, đu đủ, nam việt quất, anh đào, đào, nho là những loại trái cây có thể gây kích ứng bàng quang bị viêm.
- Thịt bánh sandwich đã qua chế biến: giăm bông, xúc xích, thịt nguội,…
- Gia vị: ớt, giấm, nước tương, sốt cà chua.
- Phụ gia thực phẩm.
- Các loại đồ uống có cồn khiến các triệu chứng của người bệnh xuất hiện nặng hơn, tiểu tiện khó khăn hơn, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư bàng quang.
Những phương pháp hỗ trợ giảm triệu chứng khác
Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh viêm bàng quang cũng cần có một lối sống lành mạnh để hạn chế tái phát cũng như một số lưu ý để nhanh khỏi bệnh này:3
- Không nên hút thuốc vì có thể làm cho các triệu chứng của viêm bàng quang tồi tệ hơn.
- Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để hạn chế được viêm nhiễm vùng kín.
- Tham gia các hoạt động thể dục như đi bộ, yoga, Pilates.
- Có thể tham gia các lớp vật lý trị liệu vận động để có thể giúp giảm được các triệu chứng của viêm bàng quang.
- Cần tuân thủ nghiêm chỉnh theo chỉ dẫn của bác sĩ khi điều trị viêm bàng quang.
- Không nên nhịn tiểu và nên đi tiểu sau khi quan hệ tình dục.
Ngoài ra, bạn nên:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Nên sử dụng các dung dịch vệ sinh có độ pH cân bằng, không nên dùng xà phòng hay các dung dịch tẩy rửa mạnh để vệ sinh vì có thể gây tổn thương và tăng nguy cơ gây viêm, nhiễm khuẩn.
- Bên cạnh đó, nên ngừng quan hệ tình dục khi đang điều trị viêm bàng quang vì có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh, gây khó chịu, đau nhức và có thể làm lây nhiễm vi khuẩn sang cơ quan sinh dục cao hơn.
Hy vọng thông qua bài này, bạn đọc đã được giải đáp vấn đề viêm bàng quang nên ăn gì, cũng như nên kiêng gì. Chế độ ăn uống và lối sống hàng ngày có thể là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp cải thiện viêm bàng quang.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Effect of Diet on Interstitial Cystitishttps://www.urologyhealth.org/healthy-living/urologyhealth-extra/magazine-archives/summer-2016/effect-of-diet-on-interstitial-cystitis
Ngày tham khảo: 12/03/2023
-
Efficient and Cost-Effective Alternative Treatment for Recurrent Urinary Tract Infections and Interstitial Cystitis in Women: A Two-Case Reporthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4283390/
Ngày tham khảo: 12/03/2023
-
Lifestyle Changes to Help Control Interstitial Cystitis Symptomshttps://www.urologyhealth.org/healthy-living/care-blog/lifestyle-changes-to-help-control-interstitial-cystitis-symptoms
Ngày tham khảo: 12/03/2023