Viêm da tiết bã: nguyên nhân, cách nhận biết, điều trị và giải đáp thắc mắc thường gặp
Nội dung bài viết
Hiện nay, viêm da tiết bã là một tình trạng rất thường gặp và gây ảnh hưởng đáng kể đến người bệnh. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như biểu hiện của viêm da tiết bã là gì, đây là căn bệnh có lây truyền không ? Vậy thực chất viêm da tiết bã là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh ra sao? Những hiểu biết cần thiết khác sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây của bác sĩ Hoàng Trung Hiếu. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Viêm da tiết bã là bệnh gì?
Viêm da tiết bã là một dạng viêm da/bệnh chàm (eczema) phổ biến. Bệnh diễn tiến mạn tính hoặc tái phát. Và chủ yếu ảnh hưởng đến vùng có nhiều tuyến bã nhờn. Thường gặp nhất là da đầu, mặt và vùng thân trên.
Có 2 dạng chính là viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh và người lớn. Tình trạng viêm lành tính này đôi khi liên quan đến bệnh vảy nến. Và được gọi là bệnh vảy nến tiết bã (sebopsoriasis). Viêm da tiết bã còn được gọi là bệnh chàm tiết bã hay viêm da dầu.
Gàu cũng là một dạng viêm da tiết bã trên da đầu nhưng không bị viêm. Gàu biểu hiện dưới dạng mảng tróc vảy trắng lan tỏa trên vùng da đầu mà không có nổi ban đỏ. Thông thường, gàu có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên cũng có thể gây ngứa kèm khó chịu cho người bệnh.
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Bệnh thường gặp ở 2 nhóm tuổi chính: trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên – người lớn.
Ở người lớn, yếu tố đầu tiên là do cơ thể sản xuất quá nhiều dầu. Lượng dầu dư thừa hoạt động như một tác nhân gây kích ứng, khiến da bạn trở nên đỏ và nhờn. Điều này có thể liên quan đến sản xuất hormone.1
Tình trạng viêm da tiết bã cũng có thể phát triển ở trẻ sơ sinh do những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mang thai. Nồng độ hormone dao động có thể kích thích tuyến dầu của trẻ sơ sinh, dẫn đến sản xuất quá nhiều dầu, từ đó gây kích ứng da.1
Ngoài ra, nhiều yếu tố thường gặp khác cũng gây khởi phát hay làm nặng thêm tình trạng viêm da tiết bã của bạn, đó là:1
- Thừa cân, béo phì.
- Chăm sóc da không đúng cách.
- Các yếu tố môi trường như ô nhiễm khói bụi.
- Các vấn đề da liễu khác như mụn trứng cá.
- Sử dụng các sản phẩm thoa chứa cồn, chất tẩy rửa mạnh, xà phòng và hóa chất.
- Thay đổi nội tiết tố trong người.
Người ta cũng nhận thấy viêm da tiết bã sẽ nặng hơn khi ở trong thời tiết lạnh và khô.1
Nguyên nhân gây nên viêm da tiết bã
Hiện nay các bác sĩ không biết nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nhưng ghi nhận có hai yếu tố chính góp phần vào sự phát triển của tình trạng này:1
Yếu tố chính gây viêm da tiết bã
Lượng dầu nhờn trên da và nấm Malassezia là 2 nguyên nhân chính gây bệnh:
1. Lượng dầu nhờn trên da quá nhiều
Yếu tố đầu tiên là da sản xuất quá nhiều dầu nhờn. Lượng dầu dư thừa trên da có thể đóng vai trò như một tác nhân gây kích ứng, khiến da bạn trở nên đỏ và nhờn. Điều này có thể liên quan đến việc sản xuất hormone của cơ thể.
2. Nấm men Malassezia
Yếu tố góp phần thứ hai là Malassezia, một loại nấm men xuất hiện tự nhiên trên da của con người. Thông thường chúng hiện diện góp phần vào hệ vi sinh vật khỏe mạnh trên da, nhưng đôi khi chúng tăng nhiều về số lượng, gây ra các phản ứng viêm, từ đó kích hoạt sản xuất dầu tăng lên và lượng dầu quá nhiều có thể dẫn đến viêm da tiết bã.1
Người ta đã phân lập được của nấm Malassezia từ thương tổn viêm da tiết bã và ghi nhận đáp ứng điều trị tốt khi sử dụng các loại thuốc kháng nấm.2
Bệnh cũng có thể gặp ở trẻ sơ sinh do những thay đổi nội tiết tố xảy ra ở người mẹ trong thời kỳ mang thai. Nồng độ nội tiết tố dao động có thể kích thích tuyến dầu của trẻ sơ sinh, dẫn đến sản xuất quá nhiều dầu, có thể gây kích ứng da.1
Yếu tố khác
Tổng kết lại có vẻ như nguyên nhân của viêm da tiết bã rất phức tạp, nhiều yếu tố đồng thời kết hợp lại với nhau gây nên bệnh. Ngoài những nguyên nhân kể trên thì còn có sự đóng góp của hàng rào hệ vi sinh vật trên da bị đảo lộn, bị phá vỡ, sự hiện diện gia tăng của các axit béo không bão hòa trên bề mặt da. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận có sự gián đoạn của chất dẫn truyền thần kinh qua da, các tế bào tạo sừng bị bong tróc bất thường, yếu tố gen di truyền làm cho rối loạn hàng rào biểu bì da.2
Triệu chứng của viêm da tiết bã
Triệu chứng ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh có thể biểu hiện dưới dạng vảy trơn, nhờn, lan tỏa trên da đầu (cradle cap), dân gian thường gọi là “nắp nôi” hay “cứt trâu”. Ban đỏ viêm cũng có thể lan rộng ảnh hướng đến các vùng nếp gấp như nách và bẹn (một dạng của viêm da tã lót). Trên da đầu của trẻ có những mảng màu hồng như cá hồi có thể bong tróc, hay tróc vảy, chúng thường không quá ngứa da, vì vậy không gây khó chịu hay quấy rầy các bé, ngay cả khi ban đỏ chiếm nhiều vùng trên da.
Triệu chứng ở người lớn
Ở người lớn bệnh thường ảnh hưởng đến các vị trí da tiết nhiều bã nhờn, chẳng hạn như da đầu, nếp mũi má, nếp gian mày, xung quanh lông mày, vùng râu, tai, da sau tai, xương ngực trên và các nếp gấp da khác. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Triệu chứng da trở nặng lên vào mùa đông, cải thiện vào mùa hè sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Có thể không triệu chứng gì, nhưng thường ngứa ít cả ngày.
- Vùng da hỗn hợp dầu và khô ở giữa mặt.
- Các mảng trắng, đỏ tróc vảy nhìn thấy giới hạn rõ trên da đầu hoặc là gàu, vảy lan tỏa cả đầu.
- Viêm bờ mi: viền mí mắt có hiện tượng đỏ, tróc vảy trắng.
- Ở các nếp gấp 2 bên mặt có các mảng màu hồng như cá hồi, có thể móng hay dày, tróc vảy và giới hạn không rõ ràng.
- Các mảng bong vảy hình tròn như chiếc nhẫn, hình bầu dục như cánh hoa ở rìa chân tóc và vùng ngực trên.
- Ban đỏ da ở vùng nách, dưới ngực, nếp gấp bẹn và nếp gấp ở bộ phận sinh dục.
Điều trị viêm da tiết bã tại nhà
Các bác sĩ đưa ra lời khuyên cho những người mắc có triệu chứng nhẹ. Hãy thử một số biện pháp điều trị cơ bản và dễ áp dụng tại nhà trước khi xem xét điều trị y tế.
Cách thông thường
Thông thường, mọi người sẽ sử dụng các loại dầu gội trị gàu để điều trị viêm da tiết bã trên da đầu, sử dụng hàng ngày hay cách ngày thường xuyên để có kết quả tối ưu, đảm bảo rằng bạn làm theo hướng dẫn sử dụng được in trên vỏ chai một cách cẩn thận.
Các phương pháp khác
Ngoài ra còn có các phương điều trị tại nhà đơn giản khác cũng giúp kiểm soát bệnh bao gồm:1
- Sử dụng sản phẩm bôi kháng nấm, chống ngứa thông thường.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hợp lý như xà phòng và chất tẩy rửa, sữa tắm không gây kích ứng da.
- Khi tắm nhớ xả kỹ xà phòng và dầu gội ra khỏi ra và da đầu, vì nếu còn lưu lại trên da các chất này sẽ gây kích ứng da làm bùng lên tình trạng viêm da tiết bã.
- Với nam giới, nên cạo râu và ria mép thường xuyên, vì viêm da tiết bã cũng ảnh hưởng vùng da này.
- Mặc quần áo rộng rãi, không bó sát, vật liệu cotton để tránh gây kích ứng da.
Chú ý rằng, viêm da tiết bã là một tình trạng lâu dài nên cần điều trị duy trì lâu dài, và bạn có thể kiểm soát được chúng trong đa phần các trường hợp bằng cách:
- Xây dựng và sử dụng chu trình chăm sóc da hợp lý, đúng cách.
- Nhận diện các yếu tố làm nặng hay làm khởi phát triệu chứng viêm da tiết bã.
- Đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Không phải tất cả các trường hợp viêm da tiết bã đều nhẹ và bạn có thể tự kiểm soát được tại nhà. Khi các triệu chứng nặng lên hay không kiểm soát được, đôi khi bùng lên một cách nhanh chóng đột ngột, các bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc uống, dầu gội cho người bị viêm da tiết bã, hay các sản phẩm bôi trên da đầu, trên mặt hay các vùng da bị ảnh hưởng. Nói chung bạn nên đến khám các bác sĩ da liễu khi bạn có tình trạng dưới đây:1
- Các triệu chứng trên da đầu không thuyên giảm khi bạn đang dùng dầu gội trị gàu.
- Có những vùng da bệnh trở nên đỏ viêm nhiều.
- Có những vùng da bệnh gây đau đớn cho bạn.
- Các vùng da bệnh chảy dịch mủ, có mùi hôi, hay đóng mài dày, khiến bạn lo lắng.
- Bạn cảm thấy khó chịu đáng kể, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, và bạn tin rằng mình đang cần các can thiệp về y tế.
- Nếu bạn thấy con mình có triệu chứng nghiêm trọng hay không tự hết, đừng ngần ngại đem trẻ đến khám các bác sĩ da liễu để được hỗ trợ tốt nhất.2
Điều trị viêm da tiết bã bằng các loại thuốc điều trị cần kê đơn
Các bác sĩ có thể kê cho bạn dầu gội điều trị và kem bôi chuyên dụng chứa các thành phần điều trị như hydrocortisone, fluocinolone, hay desonide. Bạn có thể thoa trực tiếp các kem bôi lên vùng da bệnh, hay sử dụng dầu gội để gội đầu, lưu ý rằng ngoài tác dụng chữa bệnh cho bạn, các sản phẩm này cũng có những tác dụng phụ có thể là gây kích ứng da, hay gây khó chịu khi bạn dùng không đúng cách.1
Các hoạt chất được sử dụng có thể là:
Corticosteroids thoa hoạt lực nhẹ
Thường giới hạn bôi trong tối đa từ 1 đến 3 tuần để giảm tình trạng viêm đỏ hay bùng phát đợt cấp viêm da tiết bã. Tuy nhiên thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ và cần được dùng đúng liều.
Chất ức chế calcineurin dạng thoa
Ví dụ như pimecrolimus, tacrolimus, thường được dùng để thay thế corticosteroids thoa vì chúng có ít tác dụng phụ hơn, khi được dùng trong thời gian dài.3
Thuốc kháng nấm
Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc có tác dụng làm suy yếu, kìm hãm hay diệt nấm Malassezia, có nhiều dạng như dầu gội, thuốc thoa, thuốc uống.1
Ở trẻ nhỏ, viêm da tiết bã thường tự giới hạn, và có xu hướng tự khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị gì, tuy nhiên nếu cần thiết bạn có thể gội đầu cho trẻ hằng ngày bằng dầu gội chuyên dành cho em bé, sau đó nhẹ nhàng loại bỏ lớp vảy, lớp mài dày khi chúng bắt đầu mềm, chú ý không quá mạnh tay hay không chà xát da, Khi da đầu khô hẳn thì có thể bôi các sản phẩm điều trị cho trẻ.4
Diễn tiến của bệnh
Thông thường, ở trẻ sơ sinh viêm da tiết bã sẽ tự khỏi mà không cần điều trị gì khi trẻ được 6 – 12 tháng tuổi. Còn đối với người lớn thì viêm da tiết bã là một bệnh mạn tính kéo dài, do đó bạn có thể cần phải học cách kiểm soát nó trong suốt cuộc đời. Bạn có thể gặp các đợt bệnh viêm da tiết bã bùng phát, cấp tính, là những đợt bệnh mà triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, thường sau khi có yếu tố làm nặng hay khởi phát nào đó.
Nhưng bạn cũng có thể trải qua một thời kỳ kéo dài bệnh, nghĩa là các triệu chứng rất ít hoặc không có triệu chứng khó chịu gì. Theo thời gian, bạn sẽ tìm được thói quen chăm sóc da phù hợp với bản thân, và biết cách làm giảm thiểu tác động của tình trạng bệnh này. Lời khuyên cho bạn là hãy học cách nhận biết và loại bỏ các yếu tố kích hoạt viêm da tiết bã, vì tuy gây nhiều khó chịu trong đợt bệnh cấp nhưng dường như nó không gây ra tình trạng hay biến chứng y tế nghiêm trọng đe dọa nào cả.1
Phòng ngừa viêm da tiết bã
Đầu tiên bạn cần học cách nhận biết các tác nhân gây kích thích hay khởi phát tình trạng này, nhận ra sự liên quan của các đợt bệnh cấp tính với các yếu tố dị ứng, có thể bạn cần ghi lại nếu có điều gì bất thường hay điều gì mới trong môi trường sống của bạn:5
- Để tránh bùng phát bệnh, bạn nên tránh đội mũ len và áo len, thay vào đó là lựa chọn các loại vải như cotton và lụa.
- Thường xuyên rửa các khu vực da bị ảnh hưởng bằng dầu gội nhẹ, chú ý không bôi trực tiếp lên da mà hay dùng nước tạo bọt rồi sau đó phải rửa sạch lại với nước.
- Tránh dùng gel tạo kiểu và keo xịt tóc trong thời kỳ bệnh bùng phát cấp tính.
- Tránh các đồ uống có cồn, vì chúng có thể gây các phản ứng da có hại.
- Nâng cao hệ miễn dịch của bạn, vì hệ miễn dịch suy yếu cũng góp phần làm nặng thêm viêm da tiết bã. Chú ý chăm sóc bản thân và ăn các thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E, vitamin K.5
Chế độ ăn khuyên dùng
Như đã đề cập ở trên thì viêm da tiết bã là tình trạng do nhiều yếu tố góp phần vào, phụ thuộc vào đặc điểm da và độ nhạy cảm trên da của mỗi người. Do đó không có điều trị bổ sung nào phù hợp với tất cả mọi người.
Những loại thực phẩm nên được bổ sung
Tuy nhiên một số loại thực phẩm sau có thể giúp ích cho người bệnh:5
- Dầu cá: giúp ức chế đợt bùng phát của các bệnh lý da viêm, các tác nhân gây dị ứng, cũng như cung cấp nguồn dinh dưỡng có lợi. Dầu cá chứa nhiều omega-3 tốt cho hệ miễn dịch và sức khỏe hệ tim mạch của bạn
- Nha đam (lô hội): chứa các thành phần chống viêm đã được chứng minh có lợi trong điều trị viêm da tiết bã, bạn có thể dùng gel trực tiếp hay các sản phẩm chứa nha đam.
- Probiotics (hệ vi sinh vật có lợi): thời gian gần đây probiotics đã được dùng trong nhiều bệnh lý da viêm, đặc biệt là ở trẻ em. Probiotics giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, làm giảm đáp ứng viêm của toàn cơ thể.
- Cây tràm và tinh dầu tràm: có tác dụng kháng viêm, kháng nấm, chống lại sự nhâm nhập của vi khuẩn, bạn có thể dùng dạng dầu gội, xông nhà và dùng các chế phẩm khác.
- Các thực phẩm có tác dụng kháng viêm có lợi trong viêm da tiết bã như là rau củ quả màu xanh lá, cà chua, dầu ô liu, trái cây chứa các chất chống oxy hóa như anh đào, dâu tây, việt quất; các thực phẩm chứa nhiều vitamin C chẳng hạn như quả cam, quýt, ớt chuông, quả hạnh, khoai lang; hay các thực phẩm có hàm lượng vitamin E cao như là lúa mì và bơ,…
Lựa chọn chế độ ăn phù hợp
Mặc dù không có loại thực phẩm cụ thể nào được xác định là tác nhân gây viêm da tiết bã, một số nghiên cứu đã liên kết được một số loại thực phẩm với tình trạng bùng phát của viêm da tiết bã. Một nghiên cứu lớn đã thực hiện vào năm 2018 cho thấy chế độ ăn uống kiểu “phương Tây” chủ yếu bao gồm thịt và thực phẩm chế biến – thực phẩm đã được nấu chín, đóng hộp, đông lạnh, hay sấy khô, nướng và đóng gói – có thể gây ra và làm bùng phát đợt cấp tính viêm da tiết bã. Các thực phẩm chế biến đó là phô mai, đậu hũ, bánh mì, bánh ngọt, bánh quy, sốt cà chua và khoai tây chiên.6
Với những hiểu biết mới về viêm da tiết bã thì đây là một tình trạng không lây truyền, nhưng gây ảnh hưởng đáng kể tới người bệnh, bạn có thể áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và điều trị cơ bản nêu trên để có thể kiểm soát bệnh tốt hơn. Bất cứ khi nào bệnh diễn tiến nặng hay trầm trọng hơn, hãy tới khám các bác sĩ da liễu để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất nhé.
Câu hỏi thường gặp
Viêm da tiết bã có lây không ?
Câu trả lời là không. Viêm da tiết bã là một bệnh lý da viêm không lây, nó chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân người bệnh, tuy nhiên người ta cũng ghi nhận yếu tố di truyền trong viêm da tiết bã, một người có cha mẹ mắc viêm da tiết bã thì khả năng người đó cũng mắc cao hơn so với dân số chung.7
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What to Know About Seborrheic Dermatitishttps://www.healthline.com/health/skin/seborrheic-dermatitis
Ngày tham khảo: 04/10/2022
-
Seborrheic Dermatitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551707/
Ngày tham khảo: 04/10/2022
-
Diagnosis and treatment of seborrheic dermatitis.https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25822272/
Ngày tham khảo: 04/10/2022
-
SEBORRHEIC DERMATITIS: DIAGNOSIS AND TREATMENT.https://www.aad.org/public/diseases/a-z/seborrheic-dermatitis-treatment
Ngày tham khảo: 04/10/2022
-
Natural Treatment for Seborrheic Dermatitis: What Works?https://www.healthline.com/health/skin-disorders/seborrheic-dermatitis-natural-treatment
Ngày tham khảo: 04/10/2022
-
Association between Diet and Seborrheic Dermatitis: A Cross-Sectional Studhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30130619/
Ngày tham khảo: 04/10/2022
-
Seborrheic dermatitis: an overviewhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16848386/
Ngày tham khảo: 04/10/2022