YouMed

Hệ thống thính giác và những vấn đề thường gặp

Bác sĩ Lê Minh Hùng
Tác giả: Bác sĩ Lê Minh Hùng
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Thính giác là một trong năm ngũ quan, gắn liền với cuộc sống của con người từ khi được sinh ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về cách hệ thính giác vận hành cũng như các vấn đề thường gặp của hệ thống này. Hãy cùng Bác sĩ Lê Minh Hùng tìm hiểu về hệ thống thính giác và những vấn đề thường gặp.

Thính giác là gì?

Thính giác là khả năng nhận thức về sự hiện diện của âm thanh và đặt ra ý nghĩa cho âm thanh đó. Thính giác bắt đầu với những rung động truyền qua tai (tai ngoài, tai giữa và tai trong). Những rung động này sau đó được đưa đến bộ não qua các dây thần kinh.1

Hệ thống thính giác bao gồm các bộ phận nào?

Hệ thống thính giác bao gồm nhiều bộ phận và các bộ phận này khác nhau. Muốn hệ thống này hoạt động trơn tru đòi hỏi tất cả các bộ phận của hệ thống này phải hoạt động bình thường.

Cấu tạo tai con người
Cấu tạo tai con người

1. Tai ngoài

Vành tai nằm ở hai bên tai và thu thập âm thanh từ môi trường xung quanh. Sau đó âm thanh được truyền qua ống tai đến màng nhĩ.

2. Tai giữa

Âm thanh từ ống tai làm rung động màng nhĩ – một màng ngăn cách tai ngoài với tai giữa. Màng nhĩ được kết nối với ba xương nhỏ, có tên là xương búa, xương đe, và xương bàn đạp. Khi màng nhĩ chuyển động, các xương nhỏ cũng chuyển động theo và truyền xung động vào tai trong.

3. Tai trong

Xương bàn đạp, là thứ ba trong các xương nhỏ ở tai giữa, được nối với một lớp màng mỏng khác phân chia tai giữa với tai trong. Tai trong bao gồm một cấu trúc hình xoắn ốc được gọi là ốc tai. Trong ốc tai là cơ quan thính giác, chứa hàng nghìn tế bào nhỏ bé được gọi là tế bào lông. Các tế bào lông trong ốc tai được kích thích và gửi thông điệp đến dây thần kinh thính giác.

4. Hệ thần kinh thính giác

Dây thần kinh thính giác chạy từ ốc tai đến một trạm chuyển tiếp tín hiệu trong thân não. Từ trạm này, các xung thần kinh được truyền đến não – cụ thể là thùy thái dương. Ở đây âm thanh được gắn với ý nghĩa của chúng và chúng ta thực sự cảm nhận được âm thanh.1

Những tình trạng nào có thể ảnh hưởng đến thính giác?

Nhiều tình trạng và bệnh tật có thể gây ra các vấn đề về thính giác. Dưới đây là một số ví dụ về các tình trạng ảnh hưởng đến thính giác của bạn:

Lão hóa

Càng sống lâu, chúng ta càng tiếp xúc nhiều với âm thanh, chất độc từ môi trường, thuốc men và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng tới thính giác của chúng ta. Vì vậy, tình trạng giảm thính lực rất phổ biến ở những người lớn tuổi – không phải chỉ vì chúng ta già mà là vì chúng ta đã sống trong rất nhiều năm.

Tổn thương/chấn thương

Ngoáy tăm bông hoặc các vật nhọn khác vào tai có thể dẫn đến thủng màng nhĩ; một cái tát mạnh vào tai cũng có thể gây ra thủng màng nhĩ; chấn thương đầu có thể gây ra gãy các xương trong tai.

Bệnh tật

Các bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các vấn đề về thính giác cao hơn do giảm lượng máu cung cấp cho tai và hệ thống thính giác.

Thuốc: Nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư, nhiễm trùng và bệnh tim có thể ảnh hưởng tới thính giác của bạn. Nếu bạn dùng những loại thuốc này, bạn cần được theo dõi thính giác để phát hiện những thay đổi do thuốc. Nếu có thể, nên sử dụng những loại thuốc không độc tai.

Tiếp xúc với âm thanh

Tiếp xúc với âm thanh quá lớn trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương các cấu trúc của tai trong và gây mất thính lực. Việc tiếp xúc này có thể xảy ra trong một thời gian dài (ví dụ, làm việc nhiều năm trong một nhà máy), hoặc chỉ mới tiếp xúc một lần (với những tiếng động lớn từ súng hoặc pháo). Tiếp xúc tiếng động càng lớn, mức độ suy giảm thính lực càng nhiều. Tuy nhiên, giảm thính lực do âm thanh có thể ngăn ngừa được 100% bằng cách sử dụng các thiết bị bảo vệ thính lực như nút tai hoặc bịt tai.

Ráy tai

Ráy tai xuất hiện trong ống tai là một hiện tượng bình thường và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, đôi khi ráy tai có thể tích tụ quá nhiều và ngăn chặn âm thanh từ ngoài truyền đến màng nhĩ, gây giảm thính lực. Khi ráy tai được lấy ra hết, thính giác của bạn sẽ được phục hồi.

Làm thế nào để giữ cho thính giác khỏe mạnh?

Để bảo vệ thính giác của mình, bạn nên:

  • Sử dụng các thiết bị bảo vệ thính giác (nút tai hoặc bịt tai) trong các môi trường có tiếng ồn lớn, bao gồm hòa nhạc, đi mô tô hoặc làm việc với máy móc ồn ào.
  • Khi nghe nhạc, hãy để mức âm lượng đủ nhỏ để bạn có thể nghe thấy tiếng mọi người nói xung quanh mình. Một nguyên tắc khác là không nghe nhạc vượt quá 80% âm lượng trong hơn 90 phút mỗi ngày.
  • Không đưa bất cứ thứ gì vào ống tai, kể cả tăm bông. Bất cứ thứ gì lọt vào ống tai của bạn đều có thể gây thủng màng nhĩ hoặc mắc kẹt trong ống tai.
  • Tránh hút thuốc. Thuốc lá có thể làm suy giảm tuần hoàn và gây hại cho thính giác của bạn.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe như tiểu đường hoặc tăng huyết áp, gián tiếp giảm nguy cơ giảm thính lực do các vấn đề này gây ra.
  • Kiểm soát các bệnh mãn tính để ngăn ngừa tổn thương của chúng đối với sức khỏe nói chung.
  • Đảm bảo dinh dưỡng tốt, tránh các loại thức ăn có khả năng gây hại tới thính lực.

Vai trò của dinh dưỡng với thính giác

Dinh dưỡng là yếu tố cơ bản đối với sức khỏe mỗi con người, thế nhưng mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và vấn đề thính giác ít khi được quan tâm đúng mực. Trên thực tế, dinh dưỡng và khả năng nghe của mỗi người có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Không có loại thực phẩm cụ thể nào được chính minh một cách chắc chắn sẽ gây ra giảm thính lực hoặc ngược lại, ngăn ngừa giảm thính lực. Tương tự như vậy, thính lực đã mất gần như không thể được phục hồi nhờ vào việc thay đổi chế độ ăn uống. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới được thực hiện gần đây cho thấy rằng một số chế độ dinh dưỡng nhất định có thể giảm hoặc tăng nguy cơ giảm thính lực.2

Những chứng minh từ nghiên cứu

Một nghiên cứu mới có tên là Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh (Adherence to Healthful Dietary Patterns) của Bệnh viện Brigham and Women cho thấy rằng những phụ nữ tuân theo một số chế độ ăn cụ thể có thể giảm nguy cơ mất thính lực.3 Những chế độ ăn này có chứa nhiều trái cây, rau, các loại hạt, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, hải sản, thịt gia cầm và sữa ít béo. Ngoài ra nghiên cứu cũng khuyến cáo nên hạn chế thực phẩm có nhiều muối ăncholesterol loại LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp), giảm sử dụng thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, và đồ uống có đường.

Những phụ nữ theo chế độ ăn trong nghiên cứu được nêu ra ở trên đã giảm nguy cơ mất thính lực ít nhất là 30%. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chế độ ăn uống ưu tiên trái cây và rau quả có các khoáng chất như axit folic, kali và kẽm sẽ làm giảm nguy cơ mất thính giác.3

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm nghiên cứu để xác thực thêm về những điều trên.

Các chất dinh dưỡng có lợi cho thính giác

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số chất dinh dưỡng có liên quan đến việc cải thiện chức năng thính giác.

Kali4

Kali là một khoáng chất có trong chuối, khoai tâyđậu đen – đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế hoạt động của tai trong và chuyển đổi âm thanh thành tín hiệu lên não. Sử dụng thực phẩm chứa Kali đều đặn có thể giúp duy trì mức thính lực hiện tại của bạn.

Chuối - thực phẩm chứa nhiều Kali
Chuối – thực phẩm chứa nhiều Kali

Kẽm5

Khoáng chất có trong hạnh nhân, hạt điềusôcôla đen –  có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng ù tai (cảm giác có tiếng ù hoặc chuông reo trong tai khi không có kích thích âm thanh từ bên ngoài).

Magiê6

Đây là một khoáng chất được cho là có khả năng chống lại các gốc tự do được tiết ra khi tai tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Magiê hoạt động như một hàng rào bảo vệ các tế bào lông của tai trong. Các thực phẩm giàu Magie bao gồm socola đen, quả bơ, hạnh nhân, hạt điều, chuối, ngũ cốc nguyên hạt.

Socola đen chứa nhiều kẽm và magie
Socola đen chứa nhiều kẽm và magie

Tác hại của thiếu dinh dưỡng lên thính giác

Thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể con người nói chung và cơ quan thính giác nói riêng. Trong một cuộc kiểm tra với 2.193 người tham gia trong độ tuổi từ 16 đến 23, bác sĩ Susan D. Emmett và các cộng sự đã phát hiện ra rằng suy dinh dưỡng không chỉ cản trở sự phát triển giải phẫu ở trẻ em mà còn làm chậm sự phát triển của tai trong. Trẻ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ bị giảm thính lực cao gấp đôi so với những trẻ được nuôi dưỡng tốt.7

Thêm vào đó, nghiên cứu này cũng thừa nhận rằng tình trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ thường bắt đầu trước khi sinh. Một phụ nữ bị suy dinh dưỡng đang mang thai hoặc cho con bú có thể khiến cho con của mình cũng bị mắc phải tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng như vậy.

Những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thính giác

Bệnh tiểu đường và giảm thính lực

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Tiến sĩ Chika Horikawa tại Đại học Niigata – Nhật Bản, những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có nhiều khả năng bị mất thính lực cao hơn những người không mắc bệnh tiểu đường.8

Đối tượng bị tiền tiểu đường – những người có lượng đường trong máu cao nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh tiểu đường – cũng có nguy cơ giảm thính lực tăng hơn 30% so với người bình thường. Các tác giả trong nghiên cứu cho rằng những người bị tiểu đường có nguy cơ bị mất thính lực cao hơn là do các dây thần kinh và mạch máu của tai trong bị tổn thương, hậu quả của việc mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong một thời gian dài.

Giảm thính lực do tuổi già

Giảm thính lực liên quan đến tuổi già (còn gọi là Lão thính) là tình trạng mất thính lực dần dần ở cả hai tai do lão hóa. Cứ 3 người trên 65 tuổi thì có một người bị giảm thính lực. Do thính giác giảm từ từ nên ban đầu một số bệnh nhân sẽ không nhận thức được sự thay đổi này. Lão thính thường ảnh hưởng đến khả năng nghe những tiếng động ở tần số cao như tiếng chuông điện thoại hoặc tiếng tít tít của lò vi sóng. Khả năng nghe những âm có tần số thấp thường không bị ảnh hưởng.

Lão thính hiện chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu, vì vậy phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng. Để bảo vệ thính giác và giảm nguy cơ mắc lão thính, cần tránh tiếp xúc thường xuyên hoặc liên tục với tiếng ồn lớn. Khi được chẩn đoán lão thính, bác sĩ có thể gợi ý cho bạn một số phương pháp giúp cải thiện thính giác và chất lượng cuộc sống, bao gồm: đeo máy trợ thính, học ngôn ngữ ký hiệu (điếc nặng), hoặc cấy điện ốc tai.9

Viêm tai giữa và giảm thính lực

Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa. Viêm tai giữa có thể được phân loại thành viêm tai giữa cấp tínhviêm tai giữa mạn tính. Trẻ em dễ bị viêm tai giữa cấp hơn người lớn. Các triệu chứng của viêm tai giữa bao gồm: đau tai, chảy dịch tai, nghe kém, sốt, mệt mỏi,… Triệu chứng của viêm tai giữa cấp thường rầm rộ hơn viêm tai giữa mạn, tuy nhiên viêm tai giữa mạn có thể gây ra những phá hủy không thể hồi phục cho tai, ảnh hưởng lâu dài tới thính lực.  Hãy tới khám bác sĩ nếu bạn đang có những triệu chứng nghi ngờ viêm tai giữa để được điều trị thích hợp.10

Chấn thương tai và giảm thính lực

Ngoáy tăm bông hoặc các vật khác vào tai có thể làm thủng màng nhĩ. Một cái tát mạnh vào tai cũng có thể gây ra hậu quả tương tự. Chấn thương đầu có thể làm gãy các xương trong tai. Những nguyên nhân chấn thương ở trên đây có thể làm giảm thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn, cần được can thiệp y tế kịp thời.

Thuốc và giảm thính lực

Nguyên nhân

Nhiều loại thuốc có thể gây hại cho tai và gây mất thính lực. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng nghe kém, đặc biệt là ở những người lớn tuổi phải dùng thuốc thường xuyên. Trong hầu hết các trường hợp, các loại thuốc này làm tổn thương đến các cấu trúc ở tai trong.11

Mất thính lực do các loại thuốc độc tai thường diễn tiến nhanh chóng. Các triệu chứng đầu tiên thường là ù tai và chóng mặt. Thính lực đa phần trở lại bình thường sau khi ngưng dùng thuốc. Nhưng một số loại thuốc có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tai trong.

Thuốc gây giảm thính lực

Các loại thuốc thường được sử dụng có thể gây mất thính lực bao gồm:

  • Thuốc Aspirin, khi dùng liều cao (8 đến 12 viên một ngày).
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), ví dụ như ibuprofen và naproxen.
  • Một số loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là aminoglycoside (như gentamicin, streptomycin và neomycin). Các tác dụng phụ liên quan đến thính giác do những loại thuốc kháng sinh này thường gặp nhất ở những người bị bệnh thận hoặc những người đã có vấn đề về tai hoặc thính giác.
  • Thuốc lợi tiểu quai được sử dụng để điều trị cao huyết ápsuy tim, ví dụ như furosemide (Lasix) hoặc bumetanide.
  • Thuốc dùng để điều trị ung thư, bao gồm cyclophosphamide, cisplatin và bleomycin.

Khi sử dụng những loại thuốc này, hãy chú ý tới những thay đổi về thính giác của bạn.

Chế độ ăn uống hằng ngày có liên quan mật thiết đến hệ thống thính giác. Bổ sung thêm một vài loại thực phẩm vào chế độ ăn hàng ngày, giảm bớt các chất có hại cho hệ thống thính giác có thể ảnh hưởng đáng kể đến thính giác của bạn về lâu dài. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý các bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến thính giác. Khi có phát hiện bất thường, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hearinghttps://my.clevelandclinic.org/health/articles/17054-hearing

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  2. How Nutrition Affects Our Hearinghttps://hearinghealthfoundation.org/blogs/how-nutrition-affects-our-hearing

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  3. Adherence to Healthful Dietary Patterns Is Associated with Lower Risk of Hearing Loss in Womenhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29757402/

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  4. Association between a High-Potassium Diet and Hearing Thresholds in the Korean Adult Populationhttps://www.nature.com/articles/s41598-019-45930-5

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  5. Effects of oral zinc supplementation on patients with noise-induced hearing loss associated tinnitus: A clinical trialhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6468114/

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  6. Antioxidant vitamins and magnesium and the risk of hearing loss in the US general populationhttps://academic.oup.com/ajcn/article/99/1/148/4577256

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  7. Early childhood undernutrition increases risk of hearing loss in young adulthood in rural Nepalhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29425280/

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  8. Diabetes and risk of hearing impairment in adults: a meta-analysishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23150692/

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  9. Age-Related Hearing Loss (Presbycusis)https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/presbycusis

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  10. Ear infection (middle ear)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/symptoms-causes/syc-20351616

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

  11. Medicines That Cause Hearing Losshttps://www.healthlinkbc.ca/health-topics/medicines-cause-hearing-loss

    Ngày tham khảo: 31/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người