Bật mí cách trị cảm cúm tại nhà hiệu quả và những lưu ý bạn cần biết
Nội dung bài viết
Vào mỗi dịp chuyển mùa, cảm cúm luôn là loại bệnh phổ biến và nhận được quan tâm nhiều từ nhiều người. Thông thường, cảm cúm có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, các triệu chứng cảm cúm thường gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin về việc điều trị cảm cúm tại nhà và những lưu ý cần thiết khi bị cúm. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Tổng quan về bệnh cảm cúm
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như mũi, họng và phổi gây ra bởi virus. Cảm cúm rất dễ lây lan qua các giọt hô hấp, như khi nói chuyện, qua tiếp xúc cơ thể chẳng hạn như bắt tay.1
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC), một người bị cúm có thể gặp các triệu chứng sau:2
- Sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh. Cần lưu ý không phải tất cả người bị cúm đều có thể bị sốt.
- Có triệu chứng ho.
- Viêm họng.
- Nghẹt mũi hoặc sổ mũi.
- Đổ mồ hôi lạnh, rùng mình.
- Đau đầu, đau nhức.
- Mệt mỏi.
- Một số người có thể bị nôn mửa, tiêu chảy. Tuy nhiên, triệu chứng này thường gặp ở trẻ em hơn.
Điều trị cảm cúm như thế nào?
Hầu hết các cách điều trị cảm cúm nhằm giúp giảm bớt các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau đầu, đau nhức và giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Các phương pháp giúp điều trị cảm cúm có thể bao gồm điều trị tại các cơ sở khám bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà bằng cách khắc phục lối sống sinh hoạt và dùng thuốc thường phổ biến hơn.1
Cách trị cảm cúm tại nhà
Việc điều trị cảm cúm tại nhà rất phổ biến vì sự tiện lợi, hiệu quả cũng như giúp mọi người có thể chủ động, vì hầu hết cảm cúm có thể tự khỏi. Để việc điều trị cảm cúm mang lại hiệu quả cần có 1 chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn có thể đẩy lùi cảm cúm nhanh chóng. Sau đây là một số phương pháp mà người bệnh có thể tham khảo:3
1. Giữ nước
Cơ thể rất dễ bị mất nước khi bị cúm. Bạn không chỉ ăn uống ít hơn, giảm lượng nước uống vào mà còn bị mất nước do đổ mồ hôi khi bị sốt. Tuy nhiên, việc giữ nước hết sức quan trọng vì chúng giúp thúc đẩy chức năng cơ thể và phá vỡ các tắc nghẽn.
Khi nói đến đồ uống cung cấp nước, nước lọc luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Nước như một chất giải độc tự nhiên cho cơ thể của bạn. Nếu không phải là người thích uống nước hoặc đang tìm thứ gì đó có nhiều hương vị hơn, bạn cũng có thể uống:
- Nước hầm từ thịt, gà, heo.
- Trà gừng.
- Trà thảo dược với mật ong.
- Trà mật ong và chanh (pha với nước nóng).
- Nước trái cây nguyên chất (bạn nên tìm sản phẩm không thêm đường).
Các loại thức uống thể thao ít đường hoặc thức uống chứa chất điện giải, chẳng hạn như pedialyte, cũng có thể được cân nhắc nếu bạn bị mất nước. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng pedialyte dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
2. Súp gà
Theo truyền thống, súp gà được khuyên là món ăn nên dùng khi bạn bị ốm. Mặc dù thiếu bằng chứng khoa học để chứng minh các đặc tính chữa bệnh của món ăn này. Súp gà vẫn mang lại một số lợi ích:
- Nước dùng là nguồn cung cấp chất lỏng và chất điện giải tốt.
- Thịt gà cung cấp cho cơ thể bạn protein và kẽm.
- Bạn cũng sẽ nhận được vitamin A từ cà rốt, vitamin C từ cần tây và hành tây, và chất chống oxy hóa từ các loại rau mùi nấu cùng súp gà.
3. Rau củ quả chứa vitamin C
Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, đặc biệt quan trọng khi bạn bị ốm. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm:
4. Sữa chua
Sữa chua là một nguồn tốt của chế phẩm sinh học. Probiotic là vi khuẩn “tốt” có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu trên chuột cho thấy chế phẩm sinh học có thể giúp rút ngắn thời gian bị cúm.4
Bạn nên chọn loại sữa chua nguyên chất không thêm đường để đạt lợi ích dinh dưỡng tối đa.
5. Tỏi
Tỏi từ lâu được sử dụng như một gia vị để gia tăng hương vị cho các món ăn. Nhiều người tin rằng tỏi có thể gia tăng sức mạnh hệ miễn dịch và có thể giúp bạn ít bị cảm hơn. Tuy nhiên cần có nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh hiệu quả của nó.5
6. Gừng
Mẹo điều trị cảm cúm bằng gừng có thể giúp bạn giảm đau bụng và buồn nôn. Một số nghiên cứu cho thấy nó cũng có khả năng kháng viêm. Bạn có thể thêm gừng vào các loại thực phẩm khác, hoặc uống 1 ly nước gừng ấm.5
7. Thực phẩm không nên dùng khi bị cảm cúm
Việc hạn chế sử dụng một số loại thực phẩm cũng giúp làm giảm trầm trọng hơn các triệu chứng của cảm cúm. Từ đó giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn. Khi bị cảm cúm, người bệnh nên hạn chế sử dụng các thực phẩm sau:3 6
- Rượu bia: Các loại đồ uống có cồn có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch và khiến tình trạng mất nước thêm trầm trọng.
- Caffein: Một số loại thức uống như trà, cà phê có chứa caffein có thể khiến bạn mất nước.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo: Các loại đồ chiên, rán, hay thức ăn nhanh có thể khiến người bệnh khó tiêu.
- Các thực phẩm chứa nhiều đường đơn: Các loại thực phẩm và thức uống như kẹo, nước giải khát có đường, hay một số nước ép trái cây có thể kéo dài thời gian tiêu chảy.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa có thể làm đặc các chất nhầy khi bị sổ mũi, có thể làm bạn bị nghẹt mũi.
- Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn: Các loại thực phẩm đóng hộp thường không chứa nhiều chất dinh dưỡng. Việc bổ sung các thực phẩm bổ dưỡng sẽ giúp hỗ trợ quá trình hồi phục của bạn.
Chế độ sinh hoạt7
1. Nghỉ ngơi
Hãy lắng nghe cơ thể của bạn, dành nhiều thời gian để nằm nghỉ ngơi tránh vận động mạnh. Nghỉ ngơi là “một cách khác để hỗ trợ khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể”.
2. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối có thể giúp bạn loại bỏ chất nhầy đặc tích tụ ở phía sau cổ họng, đặc biệt là sau khi bạn nằm xuống.
3. Xông
Đây là cách nhanh chóng để thông đường thở bị tắc. Bạn hãy đun sôi một nồi nước, trùm khăn lên đầu, nhắm mắt lại và nghiêng người xuống nước, hít thở sâu bằng mũi trong 30 giây. Bạn nên thêm một hoặc hai giọt tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu khuynh diệp vào nước để tăng thêm khả năng tiêu đờm. Lặp lại việc này thường xuyên để giảm bớt tắc nghẽn mũi.
Dùng thuốc trị cảm cúm8
Các loại thuốc cảm cúm dùng tại nhà thường được dùng để điều trị các triệu chứng như sốt, ho, đau nhức chứ không giúp diệt trừ được virus. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần phải có sự hướng dẫn từ người có chuyên môn. Dưới đây là một vài nhóm thuốc khi chữa cảm cúm tại nhà.
1. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau có thể giúp giảm đau đầu, đau lưng và cơ hay sốt cao do bệnh cúm đem lại.
Các thuốc giảm đau, hạ sốt thường được sử dụng như: acetaminophen (paracetamol), ibuprofen, naproxen hay aspirin.
Tuy nhiên, lưu ý không được dùng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên để điều trị các triệu chứng giống như cúm vì nó có thể dẫn đến tổn thương não và gan.
2. Thuốc trị ho
Thuốc trị ho giúp giảm phản xạ ho.Thuốc rất hữu ích trong việc kiểm soát ho khan mà không có chất nhầy. Thuốc giảm ho tiêu biểu có thể sử dụng như dextromethorphan.
3. Thuốc trị sổ mũi
Thuốc thông mũi có thể làm giảm sổ mũi, nghẹt mũi do cảm cúm. Một số thuốc thông mũi được tìm thấy trong thuốc cảm cúm như pseudoephedrine và phenylephrine.
Những người bị huyết áp cao thường được khuyên tránh dùng loại thuốc này, vì nó có thể làm tăng huyết áp.
Ngứa hoặc chảy nước mắt không phải là triệu chứng cúm phổ biến. Nhưng nếu bạn gặp phải, các thuốc kháng histamin có thể giúp ích. Thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên có tác dụng an thần cũng có thể giúp bạn dễ ngủ, bao gồm:
- Brompheniramine.
- Diphenhydramine.
- Doxylamine.
Để tránh buồn ngủ, bạn có thể thử các loại thuốc thế hệ thứ hai, chẳng hạn như:
- Cetirizine (Zyrtec).
- Fexofenadine.
- Loratadine.
4. Thuốc kết hợp
Nhiều loại thuốc được kết hợp hai loại tác dụng trở lên. Việc này giúp bạn có thể điều trị nhiều triệu chứng cùng một lúc.
Một số loại thuốc phổ biến hiện nay như:
- Decolgen: Giúp giảm đau hạ sốt điều trị nghẹt mũi hắt hơi.9
- Tiffy: tương tự như decolgen giúp giảm bớt các triệu chứng viêm mũi, đau nhức và sốt.10
Cần lưu ý đặc biệt đối với mẹ bầu, mẹ đang cho con bú, trẻ em khi muốn sử dụng bất kì loại thuốc đông y hay thảo dược trị cảm cúm nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào để điều trị các triệu chứng cảm cúm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết những người bị cúm có thể tự điều trị tại nhà và thường không cần gặp bác sĩ. Tuy nhiên, một số người bệnh có thể có những triệu chứng đột ngột trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng. Ngay lúc này, hãy đến cơ quan y tế gần nhất để được giúp đỡ.
1. Đối với người lớn
Người lớn có các triệu chứng sau nên khẩn trương tìm kiếm sự trợ giúp y tế:1
- Khó thở.
- Đau hoặc áp lực ở ngực hoặc bụng.
- Chóng mặt, nhầm lẫn hoặc mất tỉnh táo.
- Co giật.
- Không đi tiểu.
- Sốt hoặc ho biến mất và sau đó trở lại.
2. Đối với trẻ em
Đối với trẻ em, nếu có các triệu chứng sau đây, trẻ cần được chăm sóc y tế khẩn cấp:1
- Khó thở.
- Thở nhanh.
- Mặt hoặc môi hơi xanh.
- Đau ngực hoặc xương sườn kéo vào trong khi thở.
- Đau nhức dữ dội.
- Mất nước, chẳng hạn như không đi tiểu trong 8 giờ.
- Thiếu tỉnh táo hoặc tương tác với người khác.
- Sốt trên 40°C hoặc bất kỳ cơn sốt nào ở trẻ dưới 12 tuần tuổi..
- Sốt hoặc ho hết nhưng sau đó quay trở lại.
3. Đối với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp nếu:1
- Có màu da xanh hoặc xám.
- Thở nhanh hoặc khó thở.
- Sốt với phát ban.
- Các triệu chứng biến mất nhưng quay trở lại.
- Có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như không đi tiểu.
- Nôn mửa dữ dội và dai dẳng.
Lưu ý, cúm có thể nghiêm trọng hơn trong thời kỳ mang thai. Vì quá trình mang thai ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch. Cúm có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Rủi ro đối với người mẹ bao gồm khả năng bị biến chứng cao hơn, chẳng hạn như viêm phế quản, tai và nhiễm trùng máu.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ mắc các triệu chứng cúm nặng hơn và có thể gặp biến chứng cao hơn.
Vì thế, đối với mẹ đang mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hãy liên hệ với bác sĩ khi gặp phải các triệu chứng của cảm cúm.1
Cần lưu ý gì khi điều trị cảm cúm tại nhà?
Hầu hết các cách chữa cảm cúm tại nhà đều chưa có bằng chứng đầy đủ về tính hiệu quả. Vì thế, nếu bạn đang sử dụng các mẹo điều trị cảm cúm trên nhưng tình trạng không thuyên giảm mà có xu hướng nặng hơn; thì nên ngừng việc điều trị ngay và liên hệ bác sĩ để có thể nhanh chóng được điều trị kịp thời.
Phòng ngừa cảm cúm như thế nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là tiêm phòng cúm hằng năm. Tuy nhiên, việc tiêm phòng không thể mang lại hiệu quả 100%, vì các nhà khoa học không thể dự đoán chính xác loại cúm nào sẽ xuất hiện trong một mùa.1
Vì thế mọi người nên tuân theo các biện pháp lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh như:
- Thực hành vệ sinh tốt, bao gồm rửa tay thường xuyên.
- Giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ bằng cách tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh.
- Bỏ hoặc tránh hút thuốc, vì những người hút thuốc có nhiều khả năng bị biến chứng.
- Cách xa những người đang bị cúm như: đeo khẩu trang khi nói chuyện.
Qua bài viết trên, mong rằng bạn đã có những thông tin hữu ích về bệnh cảm cúm cũng như các một số cách điều trị cúm tại nhà, giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những lúc giao mùa nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
All you need to know about fluhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/15107
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
Flu Symptoms & Complicationshttps://www.cdc.gov/flu/symptoms/symptoms.htm
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
9 Foods to Eat When You Have the Flu and 4 Things to Avoidhttps://www.healthline.com/health/what-to-eat-when-you-have-the-flu
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
Effects of oral administration of yogurt fermented with Lactobacillus delbrueckii ssp. bulgaricus OLL1073R-1 and its exopolysaccharides against influenza virus infection in micehttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1567576911003730?via%3Dihub
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
10 Foods to Eat When You Have the Fluhttps://www.webmd.com/cold-and-flu/ss/slideshow-flu-foods
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
What To Eat When You Have the Fluhttps://health.clevelandclinic.org/what-to-eat-when-you-have-the-flu/
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
10 Home Remedies for the Fluhttps://www.webmd.com/cold-and-flu/features/treating-flu-at-home
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
Treatments to End the Fluhttps://www.healthline.com/health/flu-treatments#otc-medicationsv
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
Decolgen Forte/No-Drowse Decolgenhttps://www.mims.com/philippines/drug/info/decolgen%20forte-no-drowse%20decolgen?type=full
Ngày tham khảo: 30/01/2023
-
TIFFY DEY USES https://www.ndrugs.com/?s=tiffy%20dey#generic
Ngày tham khảo: 30/01/2023