Viêm dạ dày ruột: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm dạ dày ruột thường gặp là viêm dạ dày ruột cấp. Đây là bệnh lý gây ra do tình trạng viêm nhiễm của niêm mạc ống tiêu hoá (chủ yếu ở dạ dày và ruột non). Bệnh rất thường gặp, lây qua đường phân – miệng. Viêm dạ dày ruột nếu không được nhận diện và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em và người lớn tuổi. Sau đây, mời quý bạn đọc cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Mạnh Tiến tìm hiểu chi tiết về bệnh lý viêm dạ dày ruột nhé!
Thế nào là bệnh viêm dạ dày ruột?
Viêm dạ dày ruột thường gặp là viêm dạ dày ruột cấp. Đây là tình trạng viêm niêm mạc đường tiêu hóa (chủ yếu ở dạ dày và ruột non,…). Bệnh với triệu chứng thường gặp của bệnh là tiêu chảy có thể kèm theo buồn nôn và nôn, sốt hoặc đau bụng quặn.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột
Viêm dạ dày ruột có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Bao gồm nhiễm khuẩn (virus, vi khuẩn, kí sinh trùng), hoặc tiếp xúc tác nhân hoá học gây viêm hoặc loét đường ống tiêu hoá. Cụ thể như sau:1 2 3 4
Nguyên nhân do nhiễm khuẩn
Nguyên nhân hay gặp nhất, do vi khuẩn hoặc virus tấn công trực tiếp lên nhung mao ống tiêu hoá, hoặc tiết ra độc chất phá huỷ các nhung mao. Việc nhiễm tác nhân nào còn phụ thuộc vào cơ địa của trẻ và người lớn. Chúng bao gồm:
-
- Virus: thường gặp nhất là Notavirus, Norovirus và Adenovirus,…
- Vi khuẩn: E. Coli, Staphylococcus aureus, Vibrio cholera, Salmonella, Shigella, và Campilobacter,…
- Ký sinh trùng: Cryptosporidium parvum, Giardia intestinalis, Entamoeba histolytica và Cyclospora cayetanensis,…
Cụ thể, các tác nhân thường gặp gây viêm dạ dày ruột cấp như:5
Siêu vi 50% – 70% | Siêu vi 50% – 70% | Kí sinh trùng 10% – 15% |
|
|
|
Lưu ý đặc biệt ở trẻ nhỏ, Rotavirus là tác nhân chính gây ra tiêu chảy nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ hoặc bùng phát thành dịch. Virus Rota thường xuất hiện ở mùa khô lạnh. Ngoài ra, một số thói quen không tốt của bố mẹ như:3
- Cho trẻ ăn dặm, bú chai không đúng cách.
- Bú chai.
- Không rửa tay sạch sau khi dọn phân.
- Lúc chế biến thức ăn cho con hoặc xử lý phân không hợp vệ sinh có thể dễ đến trẻ dễ bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, cần lưu ý đến tác nhân tả cũng có thể gây nên dịch bệnh trầm trọng, nếu gặp phải tình trạng đi phân đục như nước vo gạo. Người lớn tuổi, trẻ em bị suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch có nguy cơ dễ bị nhiễm khuẩn hơn và biểu hiện nặng nề hơn.1 5
Các sinh vật gây bệnh như Giardia và Cryptosporidium thường hiếm gặp. Nhưng có thể gây ra viêm dạ dày ruột nặng ở người suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân không do nhiễm khuẩn
Một số trường hợp nuốt phải hoá chất (thuốc xà phòng, hoá chất,…), hoặc dị ứng với thực phẩm, dùng thuốc kháng sinh kéo dài, lặp đi lặp lại cũng có thể gây loạn khuẩn đường ruột dẫn đến bệnh tiêu chảy. Một số thuốc được sử dụng cũng có tác dụng phụ gây tiêu lỏng ồ ạt, đặc biệt nếu lạm dụng.
Các thuốc và hoá chất có thể gây viêm dạ dày ruột và tiêu chảy bao gồm:5
Thuốc | Độc chất |
|
|
Vi khuẩn, virus gây viêm dạ dày ruột cấp lây từ đâu?
Như đã đề cập, nhiễm khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất ở viêm dạ dày ruột. Vì vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu người bệnh có thể bị lây nhiễm vi khuẩn, virus từ đâu.
Qua đường phân – miệng1 6
Đây là con đường chủ yếu lây bệnh. Người trưởng thành hoặc trẻ em mắc bệnh sau khi tiếp xúc với phân, chén dĩa, cốc thìa, đồ đạc chưa được vệ sinh kĩ. Các vật phẩm này vẫn còn nhiễm vi khuẩn rồi vô tình đưa tay lên miệng.
Các đối tượng dễ mắc bệnh và bệnh dễ diễn tiến nặng1 6
Các đối tượng sau đây, khi sống môi trường sống và vệ sinh cá nhân kém, hay có thói quen không đảm bảo vệ sinh khi chế biến và ăn uống rất dễ mắc bệnh:
- Trẻ em dưới 5 tuổi.
- Người già yếu.
- Người suy giảm hệ miễn dịch HIV/AIDS.
- Có bệnh lý mạn tính đi kèm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, xơ gan, suy thận,…
Viêm dạ dày ruột cấp có những triệu chứng nào?
Người bị viêm dạ dày ruột có thể có triệu chứng của đường tiêu hoá đa dạng. Bao gồm:1 2 3 5
- Buồn nôn, mửa.
- Đi tiêu ra máu. Đây là một chỉ dấu bệnh nặng, khi vi khuẩn đã xâm nhập và tổn thương loét ống tiêu hoá. Vi khuẩn lan tràn vào máu có thể dẫn đến bệnh cảnh nhiễm trùng nhiễm độc.
- Đau bụng mức độ nhẹ đến nặng vùng thượng vị và quanh rốn. Thường đau kiểu quặn thắt từng cơn.
- Sốt có thể đi kèm lạnh run.
- Mệt mỏi toàn thân, chán ăn, ê ẩm khắp người.
- Việc nôn ói, đi tiêu chảy nhiều lần có thể khiến người bệnh dễ rơi vào tình trạng mất nước. Đặc biệt ở người già, người có nhiều bệnh nền thường diễn tiến bệnh có thể xấu đi nhanh chóng. Các dấu hiệu mất nước như: rất khát nước, mệt mỏi li bì, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, mắt trũng, má hóp, niêm mạc môi miệng khô, da khô, đi tiểu ít, nước tiểu sậm màu, tã của bé khi thay vẫn khô sau 4 – 6 giờ.
- Tiêu chảy. Đi cầu phân lỏng ≥ 3 lần/24 giờ.
Những lưu ý đối với triệu chứng tiêu chảy ở trẻ em
Đối với trẻ em, trên thực tế, số lần đi đại tiện và tính chất phân của trẻ thường thay đổi; tùy theo từng lứa tuổi và thức ăn của con. Vì vậy, cần đánh giá dựa trên số lần đi tiêu có vượt hơn mức thường ngày hay không, tính chất phân có lỏng hơn không.
Khi trong tháng đầu, thông thường, trẻ sẽ đi tiêu khoảng 4 lần mỗi ngày và phân lỏng, mềm. Tuy nhiên, một số trẻ có thể đi đại tiện 10 lần/ngày. Có những trẻ vừa ăn xong là có thể đi tiêu liền. Một số trẻ khác thì đi đại tiện vào những khoảng thời gian khác nhau. Ba mẹ có thể so sánh/tham khảo với các mức bình thường như sau:
- Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi: Một số trẻ có số lần đi tiêu nhiều hơn 2 lần/ngày. Tuy nhiên, có những trẻ chỉ đi ngoài khoảng 1 lần/tuần.
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: Đối với những bé bú sữa mẹ, khi đi đại tiện, phân của trẻ thường mềm, có màu xanh lá, vàng hoặc nâu, có thể có những hạt nhỏ màu trắng trong phân.
- Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Đa số các bé đi tiêu ít nhất 1 lần/ngày với phân xốp, mềm và thành khuôn.
Từ đó, ba mẹ có thể nhận biết tình trạng viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ khi con đi phân lỏng, hoặc nhiều nước và nhiều lần hơn so với lúc bình thường. Cụ thể là:7
- Trẻ dưới 1 tuổi: Tiêu chảy cấp xảy ra khi số lần đi tiêu của bé gấp đôi so với lúc bình thường.
- Trẻ lớn: Tiêu chảy cấp ở trẻ xảy ra khi con đi tiêu phân lỏng nước trên 3 lần/ngày.
Viêm dạ dày ruột có nguy hiểm không?
Các triệu chứng viêm dạ dày ruột có thể khởi phát ngay sau khi tiếp xúc với độc tố sẵn có của tác nhân từ 8 – 10 giờ; hoặc sau 1 – 2 ngày khi tác nhân đã phát triển mạnh và gây tổn thương trong ống tiêu hoá. Các biểu hiện có thể kéo dài hơn 1 tuần, hoặc thậm chí lâu hơn nếu không được điều trị.3 5 8
Đa số trường hợp bệnh viêm dạ dày ruột cấp do virus có thể tự hồi phục. Tuy nhiên, một số trường hợp (người lớn tuổi, nhiều bệnh nền, trẻ em, người bệnh không tuân thủ điều trị) dễ xuất hiện biến chứng sau như:1 2 3
- Mất nước nặng và kéo dài. Có thể dẫn đến suy thận cấp, rối loạn điện giải, kiềm toan, sốc giảm thể tích.
- Một số tác nhân có độc lực mạnh sẽ dễ đến nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn lan tràn trong máu), sốc nhiễm khuẩn (gậy tụt huyết áp). Thậm chí suy đa phủ tạng và tử vong.
- Suy dinh dưỡng: Nếu viêm dạ dày ruột kéo dài, người bệnh nôn ói, tiêu chảy liên tục; nên không ăn uống được, thức ăn khi đưa vào cơ thể không được hấp thu do niêm mạc ruột đã bị tổn thương. Về lâu dài, nếu không được chữa trị kịp thời và bổ sung dưỡng chất, người bệnh dễ lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
- Hội chứng ruột kích thích sau viêm dạ dày ruột do nhiễm khuẩn: Một số trường hợp, sau khi hết bệnh, người bệnh vẫn còn tiêu chảy, đau bụng kéo dài.
Các xét nghiệm chẩn đoán viêm dạ dày ruột
Khi người bệnh có dấu hiệu trên, việc thăm khám và hỏi bệnh đã có thể giúp chẩn đoán được bệnh. Phần lớn có thể điều trị ban đầu dựa trên lâm sàng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm để nhận diện những tác nhân gây bệnh. Đặc biệt tác nhân nguy hiểm, hiếm gặp, cần điều trị đặc hiệu. Một số xét nghiệm bao gồm:1 5 6 8
- Xét nghiệm phân. Người bệnh được yêu cầu cung cấp mẫu phân để định danh tác nhân gây bệnh (soi dưới kính hiểm vi, cấy mẫu bệnh phẩm, PCR tìm tác nhân).
- Xét nghiệm máu. Cấy máu, huyết thanh chẩn đoán khi tác nhân độc lực cao, gây tổn thương nhiều cơ quan, lan tràn vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.
- Nội soi đại trực tràng. Thường được chỉ định khi tổn thương kéo dài, nặng nề, cần khảo sát niêm mạc trực tiếp để lấy bệnh phẩm tìm tác nhân.
Điều trị viêm dạ dày ruột cấp
Điều trị tại nhà1 2 3 5 7
Đối với người lớn
Ở người lớn khoẻ mạnh, hầu hết viêm dạ dày ruột cấp có thể tự giới hạn, sau khi cơ thể thải loại hết toàn bộ độc tố của vi khuẩn trong ống tiêu hoá (đi tiêu hoặc nôn ra ngoài)… Điều quan trọng là cần bổ sung đủ nước đúng cách, tránh tình trạng mất nước nặng. Nước được lựa chọn nên có bổ sung điện giải để tránh tình trạng rối loạn điện giải đi kèm.
Trong một số trường hợp, người bệnh có các triệu chứng khó chịu, có bệnh nền nghiêm trọng (như đã đề cập ở trên), người lớn tuổi. Thì nên đếm khám bác sĩ để được tư vấn, thực hiện một số xét nghiệm và cấp một số thuốc điều trị.
-
- Bù nước điện giải. Trong trường hợp nặng, cần bổ sung liên tục qua đường tĩnh mạch để phòng ngừa biến chứng cho bệnh nhân.
- Thuốc kháng sinh. Được chỉ định tùy theo tác nhân gây bệnh.
- Điều trị các triệu chứng. Thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, chống nôn, chống tiêu chảy nếu cần.
- Probiotics: Lactobacillus reuteri, Lactobacillus GG, L. acidophilus, S. oulardi,…
- Kẽm. Có thể làm ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tiêu chảy cấp.
Đối với người lớn, sau khi khám bệnh và được chỉ định điều trị ngoại trú (điều trị theo chỉ định của bác sĩ và không cần nhập viện). Trong trường hợp bệnh nhẹ, ít triệu chứng, bác sĩ thường hạn chế việc chỉ định thuốc để điều trị viêm dạ dày ruột. Vì tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Người bệnh chỉ cần uống đủ nước và các triệu chứng thường sẽ sớm chấm dứt. Khi các triệu chứng bệnh giảm bớt, đặc biệt là nôn mửa; các bác sĩ có thể đề nghị chế độ ăn phù hợp trong một hoặc hai ngày, trước khi quay lại chế độ ăn bình thường.
Tuy nhiên, cần lưu ý ở người lớn tuổi (thường uống nước rất ít do cảm nhận khát kém hơn người trẻ bình thường), người nhiều bệnh nền, nên được theo dõi kĩ cẩn thận để đưa cơ sở y tế kịp thời.
Đối với trẻ em
Ba mẹ nên cho con uống đủ và nhiều nước hơn so với bình thường. Với những trẻ đang bú sữa mẹ, mẹ nên cho con bú thường xuyên và lâu hơn so với bình thường. Điều này là vì bé cần năng lượng để hoạt động, cũng như tăng trưởng và chống đỡ bệnh tật.
Cho con uống dung dịch Oresol:
- Đối với những trẻ dưới 2 tuổi, ba mẹ nên cho trẻ uống khoảng 50 – 100 ml dung dịch Oresol sau mỗi lần đi đại tiện.
- Đối với những trẻ trên 2 tuổi, phụ huynh nên cho con uống khoảng 100 – 200 ml dung dịch Oresol sau mỗi lần tiêu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người thân nên đưa người bệnh đến gặp bác sĩ ngay, nếu:1 2 3 5 7
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi. Những trẻ dưới 6 tháng tuổi có tình trạng tiêu chảy cấp, ba mẹ hãy đưa con đến viện gặp bác sĩ ngay. Vì ở độ tuổi này, trẻ rất dễ bị mất nước và bệnh nhanh chóng trở nặng. Mà ba mẹ thường khó nhận biết được tình trạng này.
- Có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng: chóng mặt kéo dài, nước tiểu ít hoặc không có, đi tiểu ít, da xanh xao, sụt cân, môi khô, mắt trũng, bàn tay bàn chân lạnh, khi khóc không có nước mắt.
- Sốt ≥ 39°C, lạnh run.
- Nôn ói liên tục, nôn hết tất cả mọi thứ.
- Bị tiêu chảy 8 – 10 lần/ ngày, hoặc đi tiêu lỏng một cách ồ ạt 2 – 3 lần, hoặc tiêu chảy kéo dài 10 ngày.
- Tiêu phân lẫn máu.
- Quấy khóc liên tục.
- Lừ đừ, li bì khó đánh thức.
- Đau bụng nhiều.
- Hoặc khi ba mẹ có bất kỳ lo lắng nào khác.
Cách chăm sóc bệnh viêm dạ dày ruột
Người bệnh, cũng như người nhà bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau đây để việc điều trị có hiệu quả:1 3 5
- Dùng thuốc đúng quy định. Người bệnh phải uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ, điều dưỡng. Không nên tự ý ngưng hay bỏ thuốc, hoặc đổi liều sử dụng thuốc.
- Không sử dụng các loại thuốc chống nôn, hay thuốc cầm tiêu chảy khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc quá liều có thể dẫn đến ứ đọng độc tố của vi khuẩn trong cơ thể. Từ đó làm triệu chứng kéo dài hơn như buồn nôn, nôn, đau bụng dai dẳng. Thậm chí tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong cơ thể khiến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng.
- Uống thuốc và theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Khi có xuất hiện triệu chứng như ngứa, nổi mày đay, khó thở… hay bất kỳ sự bất thường nào khác phải báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng.
- Theo dõi các triệu chứng lâm sàng của bệnh: đi cầu phân lỏng, màu sắc phân, buồn nôn và nôn; tình trạng đau bụng quặn quanh rốn, thượng vị, nhất là hố chậu phải; đầy bụng, đau ngực, đi tiêu phân đen có máu, hoặc phân trông như hắc ín; đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi toàn thân, đi tiểu ít hoặc không tiểu, dấu hiệu khát, tình trạng khô môi,…
- Đối với trẻ mắc bệnh hoặc người lớn tuổi, thường sẽ mất nước rất nhanh chóng. Do đó bố mẹ và người chăm sóc ông bà cần quan tâm, chú ý cung cấp nhiều nước cho người bệnh; và đưa đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu mất nước.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần đi tái khám lại khi:
- Các triệu chứng kém cải thiện, xuất hiện lại.
- Đau bụng nhiều hơn, tăng khi ho rặn mạnh, nhất là đau bụng hố chậu phải.
- Nôn có máu hoặc đi tiêu phân đen, phân có máu.
- Nôn kéo dài dai dẳng.
- Mệt mỏi li bì, đau đầu, chóng mặt kéo dài.
- Sốt cao lạnh run.
Chế độ ăn uống cho người bệnh viêm dạ dày ruột
Người bệnh viêm dạ dày ruột nên ăn uống gì?4 5
Uống thật nhiều nước. Uống nước đã được đun sôi (ấm hoặc để nguội), các loại trà ít caffeine, nước ép, nước dừa, dung dịch điện giải.
Các món súp/cháo loãng hoặc nước canh hầm. Khi bị viêm dạ dày ruột, tình trạng tiêu chảy sẽ khiến bệnh nhân mất nước. Các món ăn loãng như cháo, súp hoặc nước dùng vừa cung cấp nước, năng lượng, vừa dễ tiêu hóa. Từ đó giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Các món này bao gồm: cháo loãng nấu với thịt bằm, cháo yến mạch, canh soup hầm. Bên cạnh đó, cần chú ý khâu vệ sinh khi nấu.
Chế độ ăn BRAT. Đây là chết độ ăn bao gồm chuối, cơm, nước sốt táo và bánh mì. Chế độ hàm lượng xơ thấp, giàu kali và tinh bột để bù đắp thiếu hụt dinh dưỡng và giúp phân mau đặc lại, giảm tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu áp dụng chế độ ăn này cho bé cần hỏi trước ý kiến của bác sĩ.4 9
Trái cây, nước ép rau củ quả. Việc sử dụng các loại trái cây, nước ép sẽ giúp bù nước và các khoáng chất cho cơ thể.
Sữa chua. Sử dụng sữa chua giúp cung cấp lượng lợi khuẩn cho cơ thể. Việc thêm sữa chua vào chế độ ăn mỗi ngày là cách bổ sung lợi khuẩn đường ruột đơn giản, hiệu quả; giúp hệ vi sinh đường ruột nhanh lấy lại sự cân bằng. Từ đó, các triệu chứng của viêm dạ dày ruột cũng nhanh được kiểm soát. Việc sử dụng sữa chua cũng giúp ổn định hệ vi sinh đường ruột, đặc biệt có ý nghĩa ở người sử dụng kháng sinh dài ngày.
Người bệnh viêm dạ dày ruột nên kiêng các thực phẩm gì?4 5
Đồ ăn chiên rán, thực phẩm quá béo. Các loại thực phẩm này có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, làm tiêu chảy, nôn ói nặng nề hơn.
Thức uống chứa nhiều caffeine như trà, cà phê đen,… có thể gây kích thích đường ruột làm tiêu chảy nặng nề hơn.
Thực phẩm cay nóng. Các loại thực phẩm này có thể khiến người bệnh buồn nôn, đau bụng nhiều hơn.
Thực phẩm từ sữa, sản phẩm sữa. Lượng lactose trong sữa và các sản phẩm từ sữa có thể kém được tiêu hoá ở một vài người. Đặc biệt là khi đang bị viêm dạ dày ruột, điều này có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng nề hơn.
Xem thêm: Không dung nạp lactose: Chuyện không của riêng ai
Cách phòng ngừa viêm dạ dày ruột
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phòng tránh viêm dạ dày ruột. Nhưng chúng ta có thể phòng ngừa việc bị lây nhiễm bệnh, thông qua một số cách dưới đây. Điều quan trọng trong phòng ngừa bệnh viêm dạ dày ruột là chú ý về vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm. Các cách phòng ngừa cụ thể bao gồm:2 6
- Luôn đảm bảo các thực phẩm đưa vào cơ thể là an toàn và hợp vệ sinh. Thực phẩm cần được bảo quản lạnh đúng cách. Luôn nấu chín kỹ thức ăn, nước uống. Và không bao giờ ăn những thực phẩm đã quá hạn sử dụng.
- Sử dụng vật dụng cá nhân riêng biệt. Không dùng chung dụng cụ ăn uống, ly nước và đĩa với người khác. Đặc biệt là nên sử dụng khăn riêng khi tắm, lau mặt,…
- Giữ khoảng cách. Nếu có thể, hạn chế tiếp xúc gần với những người có biểu hiện mắc bệnh.
- Khử trùng các bề mặt trong nhà như bàn, ghế, tay nắm cửa,…
- Rửa tay thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lây lan sau khi tiếp xúc nơi, vật dụng nghi ngờ nhiễm khuẩn. Rửa tay bằng xà phòng và nước để hạn chế vi khuẩn; đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn. Không nên quá lạm dụng các loại gel rửa tay khô. Vì không phải lúc nào chúng cũng hiệu quả.
- Nếu trẻ đã lớn, ba mẹ có thể dạy trẻ cách rửa tay đúng cách, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh. Rửa tay với xà phòng ít nhất trong vòng 20 giây. Chú ý kiểm tra tay trẻ; đặc biệt một số vùng như đầu ngón tay, móng tay và phần mu bàn tay.
- Trong trường hợp không thể rửa tay bằng xà phòng và nước, bạn có thể rửa tay bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn. Tuy nhiên, cần lưu ý việc rửa tay bằng các dung dịch rửa tay nhanh chỉ mang tính tạm thời.
- Nên khử trùng bất kỳ các bề mặt, hoặc đồ vật nào có thể bị nhiễm bẩn.
- Giặt riêng các vật dụng đã bị nhiễm bẩn như quần áo, ga giường,… bằng nước nóng. Người không mắc bệnh không được sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt với người bệnh, trẻ bị bệnh để tránh lây nhiễm bệnh.
- Khi đi du lịch, hãy luôn chú ý vấn đề vệ sinh, thức ăn cho bé, người lớn tuổi và người nhiều bệnh nền.
- Chủng ngừa: Trẻ nhỏ có thể chủng ngừa virus Rota và để giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm dạ dày ruột. Trẻ lớn hơn 2 tuổi có thể được uống ngừa vaccine Tả (Vibrio cholorea), đặc biệt ở mùa dịch.
Trên đây là những thông tin về bệnh lý viêm dạ dày ruột. Hi vọng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về bệnh lý này. Từ đó, có những phương pháp phòng ngừa và hướng xử trí phù hợp khi mắc bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gastroenteritis: First aid https://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-gastroenteritis/basics/art-20056595
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Viral gastroenteritis (stomach flu)https://medlineplus.gov/ency/article/000252.htm
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Acute gastroenteritis: evidence-based management of pediatric patientshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29369591/
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Gastroenteritis Diet: Foods to Eat and Avoidhttps://www.doctorshealthpress.com/food-and-nutrition-articles/gastroenteritis-diet-plan/
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Acute Gastroenteritishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7119329/
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
Viral gastroenteritis (stomach flu)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/viral-gastroenteritis/symptoms-causes/syc-20378847
Ngày tham khảo: 05/09/2022
- Nelson Essentials of Pediatrics (2013). Acute and Chronic Diarrhea. Elsevier Saunders, 471-473 pp.
-
Acute Infectious Diarrheahttps://link.springer.com/chapter/10.1007/5584_2018_320
Ngày tham khảo: 05/09/2022
-
The BRAT Diethttps://www.webmd.com/children/brat-diet
Ngày tham khảo: 05/09/2022