Hormone testosterone và những thông tin bạn cần biết
Nội dung bài viết
Testosterone là hormone không thể thiếu trong mỗi chúng ta. Tuy nhiên, dư thừa hay thiếu hụt testosterone đều là vấn đề không tốt. Trong bài viết này, Bác sĩ Hà Thị Ngọc Bích sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại hormone này, cũng như mách bạn những dấu hiệu bất thường và những cách để cân bằng nội tiết tố giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn.
Testosterone là gì?
Testosterone, công thức hoá học là 17-beta-hydroxy-4-androstene-3-one, có bản chất là steroid thuộc nhóm androgen. Testosterone là hormone đóng vai trò quan trọng không chỉ về chức năng sinh dục, sinh sản mà còn trong chuyển hoá ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể.1
Quá trình hình thành testosterone
Mặc dù được cho là hormone đại diện cho phái mạnh, nhưng testoterone có mặt trong cơ thể của cả hai giới. Nó chủ yếu được tiết ra bởi tinh hoàn của người nam. Ngoài ra hormone này cũng được sản xuất một lượng nhỏ từ buồng trứng người nữ, và từ tuyến thượng thận ở cả 2 giới.
Sự sản sinh của testosterone có mặt từ rất sớm, từ tuần thứ 6 – 7 của thai kì, góp phần vào sự biệt hoá giới tính cho thai nhi.
Quá trình sản xuất testosterone được chi phối bởi hệ trục hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn. Khi vùng hạ đồi tiết hormone hướng sinh dục GnRH, chất này kích thích tuyến yên tiết Luteinizing hormone (LH). Sau đó hormone LH theo đường máu đến cơ quan đích là tinh hoàn. Tại đây kích thích các tế bào Leydig ở khoảng kẽ sản xuất testosterone. Quá trình này được điều hoà bởi cơ chế điều hoà ngược (negative feedback) giúp giữ nồng độ testosterone của cơ thể nằm trong ngưỡng bình thường.
Trong cơ thể của chúng ta, testosterone tồn tại ở hai dạng:
- Dạng gắn kết với protein là chủ yếu (58% liên kết lỏng lẻo với albumin; và 40% gắn chặt với globulin liên kết hormon giới tính, gọi tắt là SHBG).
- Dạng tự do không gắn kết chỉ chiếm 2%. Tuy nhiên testosterone tự do là thành phần duy nhất có hoạt tính sinh học. Tức là chúng dễ dàng liên kết với các thụ thể của mình để thực hiện các chức năng sinh lý.
Dạng liên kết với albumin vì là liên kết lỏng lẻo dễ bị cắt đứt và chuyển thành testosterone tự do, nên cũng được xem là “có khả năng hoạt động”. Trong khi đó, dạng gắn kết chặt với protein SHBG thì rất ít hoạt tính sinh học. Vì thế bất kì nguyên nhân nào làm tăng SHBG, cũng như tăng sự gắn kết này, sẽ gây ra thiếu hụt testosterone tự do.2
Vai trò của testosterone
Testosterone là hormone quan trọng đối với cơ thể hai giới. Vai trò của nó bao gồm:3 4
Vai trò đối với nam giới
Testosterone có vai trò trong hầu hết hoạt động và chức năng của cơ thể. Đặc biệt là chức năng sinh dục của nam giới. Các tác động của nó bao gồm:
Hệ sinh dục
- Thúc đẩy sự phát triển của các bộ phận sinh dục nam như: tinh hoàn, bìu, dương vật,…
- Quy định các đặc tính sinh dục thứ phát ở nam giới khi đến tuổi dậy thì như: khàn giọng, kích thích mọc râu, lông phát triển, cơ bắp phát triển và hình thành ham muốn tình dục với người khác giới.
- Tham gia vào quá trình tạo tinh trùng ở nam.
Hệ thần kinh
Testosterone đóng vai trò trong các hành vi ở nam giới, bao gồm: sự hung hăng, thống trị, khơi dậy khả năng cạnh tranh và lòng tự trọng.
Hệ thống cơ xương
Hormone này giúp tăng cường sự phát triển hệ thống cơ xương, kích thích phát triển các bắp cơ, tạo sức mạnh cho người nam.
Hệ tim mạch
Hormone testosterone giúp điều chỉnh các thành phần lipid máu. Từ đó hạn chế hình thành mảng xơ vữa, giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Một số vai trò khác
- Kích thích sản sinh tế bào máu từ tuỷ xương.
- Ức chế sự sản xuất các tế bào mỡ thông qua cơ chế ức chế leptin (một loại hormone sản sinh tế bào mỡ). Từ đó giúp cơ thể nam giới thon gọn.
Vai trò đối với nữ giới
Nếu chúng ta nghĩ testosterone chỉ quan trọng ở nam giới thì ắt hẳn đã bỏ sót. Ở nữ giới, hormone này là một trong số các nội tiết tố androgen có tác dụng quan trọng đối với chức năng buồng trứng, sự phát triển của xương và hành vi tình dục ở người nữ. Sự cân bằng giữa testosterone và estrogen là yếu tố quan trọng để buồng trứng hoạt động bình thường.
Mất cân bằng testosterone gây ảnh hưởng gì đến cơ thể?
Nồng độ testosterone bắt đầu tăng cao trong tuổi dậy thì, đạt đỉnh điểm trong những năm cuối tuổi thanh thiếu niên, và chững lại sau đó. Nam giới sau 30 tuổi thì mức testosterone bắt đầu giảm nhẹ hàng năm.4 5
Nồng độ testosterone trong máu bình thường thay đổi và khác nhau theo độ tuổi và giới tính. Theo dữ liệu từ khảo sát National Health and Nutrition Examination Survey (NHANES) 2011 – 2012, được thực hiện bởi The Centers for Disease Control and Prevention (CDC), ngưỡng bình thường của testosterone được trình bày ở bảng sau:6
Tuổi | Giới nam (ng/dl) | Giới nữ (ng/dl) |
Chưa dậy thì (7 – 10 tuổi) | 1.80 – 5.68 | 2.69 – 10.29 |
Dậy thì (13 – 17 tuổi) | 208.08 – 496.58 | 16.72 – 31.55 |
Trưởng thành (19 tuổi) | 265 – 923 | 15 – 70 |
Bất kỳ tình trạng nào khiến nồng độ hormone dư thừa, hay thấp hơn ngưỡng bình thường theo giới và tuổi, đều ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ. Vì thế, đây là vấn đề nên được quan tâm.
Tình trạng dư thừa testosterone
Ở nam giới3 4
Tình trạng nồng độ testosterone quá cao trong máu không phải là vấn đề thường gặp ở nam giới. Một số biểu hiện lâm sàng của tình trạng dư thừa hormone này bao gồm:
- Mụn trứng cá.
- Xu hướng gia tăng các hành vi hung hăng, thích các trò chơi mạo hiểm, mang tính rủi ro.
- Tăng ham muốn tình dục.
- Tăng sử dụng đồ uống có cồn, hay hút thuốc lá nhiều hơn.
- Tăng sự thèm ăn, dẫn đến dễ tăng cân và tăng lượng mỡ trong cơ thể.
- Rậm lông.
- Đau đầu.
- Tăng huyết áp.
- Phù do giữ nước.
- Phì đại tuyến tiền liệt, có thể gây tiểu khó.
- Giảm số lượng tinh trùng .
Nguyên nhân gây dư thừa testosterone:
- Tình trạng dư thừa hormone này trong máu thường gặp ở những bệnh nhân sử dụng hormone sinh dục dạng tổng hợp. Ví dụ: các vận động viên thể thao và những người tập thể hình đôi khi sử dụng loại thuốc này để cải thiện khối lượng, sức mạnh cơ bắp, cũng như hiệu suất tập luyện.
- Ngoài ra, các nguyên nhân khác như u tuyến thượng thận hay u tinh hoàn thì ít gặp hơn.
Ở nữ giới3 4
Nguyên nhân thường gặp của tình trạng này có thể là do hội chứng buồng trứng đa nang, gọi tắt là PCOS. Ngoài ra một số nguyên nhân khác như u tiết androgen, hay tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (CAH) thì hiếm gặp hơn.7
Phụ nữ có lượng testosterone trong máu cao, còn gọi là tình trạng cường androgen, có những biểu hiện lâm sàng như:
- Rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt không đều, thiểu kinh, vô kinh).
- Giảm khả năng sinh sản (vô sinh).
- Rậm lông.
- Hói đầu kiểu nam.
- Tăng cân…
Thiếu hụt testosterone
Testosterone thấp ở nam giới (còn gọi là suy sinh dục nam) là tình trạng mà tinh hoàn không sản xuất đủ testosterone.
Như đã đề cập ở trên thì nồng độ testosterone có xu hướng giảm dần từ sau 30 tuổi. Trên thực tế giảm 0.4 – 2% mỗi năm. Sự sụt giảm này tương đối chậm hơn so với sự sụt giảm estrogen ở người nữ. Sự suy giảm sinh lý này được cho là do sự suy giảm tính hiệu từ hạ đồi – tuyến yên, và sự tăng lên của protein SHBG. Từ đó làm tăng sự gắn kết và làm giảm lượng testosterone tự do, cũng chính là dạng hoạt động chủ yếu. Hơn 1/3 nam giới trên 45 tuổi có mức testosterone thấp hơn ngưỡng bình thường.4 5
Triệu chứng8
Triệu chứng lâm sàng của sự thiếu hụt testosterone phụ thuộc vào độ tuổi khởi phát bệnh, mức độ thiếu hụt và diễn tiến bệnh trong thời gian bao lâu.
Khởi phát ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên chưa dậy thì, thì có thể gây dậy thì muộn ở nam. Biểu hiện như:
- Cơ quan sinh dục nhỏ.
- Hệ thống lông thưa thớt.
- Giọng nói không trầm.
- Khối lượng cơ không phát triển nhiều ngay cả khi tập thể dục.
Khởi phát ở tuổi dậy thì, việc thiếu testosterone có thể dẫn đến:
- Suy giảm sự phát triển giới tính, tình dục.
- Giảm kích thước tinh hoàn hay phì đại tuyến vú.
Khởi phát lúc trưởng thành, nam giới có nguy cơ đối mặt với các vấn đề sau:
- Rối loạn cương dương.
- Giảm lượng tinh dịch và số lượng tinh trùng.
- Giảm ham muốn tình dục ở nam.
- Giảm năng lượng, kém tập trung, mệt mỏi, cảm giác tuột “mood”.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Giảm khối cơ và sức cơ.
- Nam giới tóc dễ gãy rụng, râu và lông thưa thớt.
- Loãng xương và giảm mật độ khoáng của xương.
- Tăng khối lượng mỡ cơ thể.
- Nữ hoá tuyến vú.
- Nóng bừng, đổ mồ hôi.
- Có thể gây thiếu máu nhẹ.
Nguyên nhân5 8 9
Bao gồm 2 nhóm nguyên nhân: nguyên phát và thứ phát.
Nguyên nhân nguyên phát: Còn được biết là nguyên nhân từ tinh hoàn – cơ quan trực tiếp sản xuất testosterone. Gồm những nguyên nhân sau:
- Hội chứng Klinefelter: đây là bệnh liên quan đến bất thường bẩm sinh của nhiễm sắc thể giới tính. Người nam có bộ nhiễm sắc thể 46, XXY, trong đó nhiễm sắc thể X dư thừa xuất hiện gây ra sự phát triển bất thường của tinh hoàn. Dẫn đến tạo ra lượng testosterone ít hơn bình thường.
- Tinh hoàn ẩn/lạc chỗ: là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm ở vị trí khác (ổ bụng, ống sinh tinh,…). Nếu tình trạng này không được phát hiện và khắc phục ở thời thơ ấu, khi trưởng thành có thể dẫn đến hoạt động sai lệch của tinh hoàn, và làm giảm sản xuất hormone sinh dục nam.
- Viêm tinh hoàn do quai bị.
- Bệnh thâm nhiễm sắt.
- Chấn thương tinh hoàn.
- Điều trị ung thư: liệu pháp hoá trị hay xạ trị trong điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn và sự sản xuất tinh trùng. Sự ảnh hưởng này có thể xảy ra tạm thời trong lúc điều trị, nhưng cũng có thể gây vô sinh vĩnh viễn.
Nguyên nhân thứ phát: Trong trường hợp này, tinh hoàn bình thường nhưng không hoạt động tốt do vấn đề ở hạ đồi – tuyến yên. Một số nguyên nhân nhóm này bao gồm:
- Hội chứng Kallman’s: sự phát triển bất thường vùng hạ đồi. Trong hội chứng này, người bệnh có thể kèm theo những biểu hiện khác như mất màu, hay mù màu xanh – đỏ.
- Bệnh lý tuyến yên: u tuyến yên, u sọ hầu, xạ trị hay phẫu thuật vùng tuyến yên.
- Bệnh lý viêm nhiễm: lao, nhiễm nấm histocytosis, sarcoidosis,…
- HIV/AIDS.
- Thuốc: một số thuốc gây ảnh hưởng việc giảm sản xuất testosterone như thuốc giảm đau opiate, corticoid,…
- Béo phì: thừa cân xảy ra ở mọi lứa tuổi đều có thể liên quan đến sự suy sinh dục.
- Xơ gan.
- Suy thận.
- Đái tháo đường không kiểm soát.
- Nghiện rượu.
- Suy dinh dưỡng.
- Lão hoá theo tuổi (còn gọi là mãn dục nam): khi đàn ông già đi, việc sản xuất testosterone sinh lý sẽ giảm dần như đã đề cập ở trên.
Phụ nữ có thiếu hụt testosterone hay không?3
Sự thiếu hụt testosterone kéo dài cũng có thể gây ra một số phiền toái ở người phụ nữ như:
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Âm đạo khô rát.
- Loãng xương và giảm mật độ xương.
Phụ nữ có thể bị thiếu hụt testosterone do các bệnh về vùng hạ đồi – tuyến yên. Nguyên nhân từ tuyến thượng thận hay việc cắt bỏ buồng trứng. Ngoài ra, sử dụng estrogen ngoại sinh làm tăng globulin gắn kết hormon sinh dục (SHBG). Điều này làm giảm lượng testosterone dạng tự do trong cơ thể.
Xét nghiệm testosterone
Để biết được tình trạng testosterone trong cơ thể, các bác sĩ phải cho bệnh nhân lấy máu định lượng nồng độ testosterone. Mẫu máu này cần được lấy vào buổi sáng, khoảng 7 – 10 giờ vì đây là thời điểm mức độ testestoterone cao nhất trong ngày.
Trước khi lấy xét nghiệm cần ngưng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Một số bác sĩ sẽ yêu cầu nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên một số bác sĩ khác có thể không yêu cầu. Việc nhịn ăn thì dường như không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả xét nghiệm testosterone.
Kết quả xét nghiệm nên được phân tích và đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa, và phối hợp với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
Nếu nồng độ testosterone bất thường so với ngưỡng bình thường theo giới và tuổi (dư thừa hay thiếu hụt), bệnh nhân sẽ được chỉ định thêm các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân như LH, FSH,…10
Điều trị mất cân bằng testosterone ở nam giới
Dư thừa hormone testosterone
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng dư thừa:11
- Ngưng các thuốc hay chế phẩm làm tăng nồng độ testosterone máu: testosterone dạng tổng hợp,…
- Nếu nguyên nhân là do khối u hay ung thư làm tăng tiết testosteorone: khi đó bệnh nhân cần phải phẫu thuật, hay áp dụng một biện pháp điều trị hỗ trợ khác như hoá trị hay xạ trị.
- Ngoài ra, việc thay đổi lối sống, giảm cân nếu thừa cân cũng là một trong những biện pháp hữu ích làm giảm các triệu chứng do tình trạng thừa hormone này gây ra.
Thiếu hụt testosterone (suy sinh dục)9
Suy sinh dục nam thường được điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone, nhằm giúp đưa mức testosterone trong máu về ngưỡng bình thường. Từ đó giúp bệnh nhân cải thiện những triệu chứng khó chịu mà thiếu hụt testosterone gây ra. Bên cạnh bổ sung hormone, thì việc tìm và điều trị nguyên nhân là rất cần thiết.
Đối với nam giới thiếu hụt hormone có nguyên nhân là do lão hoá (mãn dục nam), thì lợi ích của việc thay thế hormone ít có bằng chứng rõ ràng.
Hiện nay có nhiều dạng chế phẩm testosterone tổng hợp như dạng viên uống, dạng tiêm, dạng gel, miếng dán, dạng gôm, xịt mũi, hay dạng viên nang cấy dưới da,… Các dạng chế phẩm mà bệnh nhân có thể lựa chọn tuỳ thuộc vào chỉ định bác sĩ, sự thuận tiện, và khả năng kinh tế của người bệnh.
Viên uống
Hiện nay viên uống không được các nhà lâm sàng lựa chọn để điều trị suy sinh dục nam vì tác dụng phụ trên gan và hiệu quả không ổn định. Tuy nhiên, FDA đã chấp nhận cho testosterone undecanoate (jatenzo) được phép lưu hành. Điều này là do loại thuốc này hấp thu và chuyển hoá bởi hệ thống bạch huyết. Do đó hạn chế các tác dụng phụ trên gan so với các testosterone dạng uống khác.
Dạng gel
Thoa mỗi ngày vào da trên cánh tay hoặc vai (androGel, testim, vogelxo), hoặc thoa lên đùi ở mặt trước và mặt trong (fortesta).
Một số lưu ý khi sử dụng dạng này là:
- Bệnh nhân phải hạn chế tắm sau khi thoa vài giờ.
- Phải che chắn vùng được thoa cẩn thận.
- Tránh tiếp xúc da vì dạng thuốc này có thể chuyển sang người khác nếu tiếp xúc, khi gel chưa khô hoàn toàn.
- Tác dụng phụ bao gồm kích ứng da.
Dạng tiêm
Testosterone undecanoate (Nebido 1000mg) tiêm bắp mỗi 12 tuần.
Testosterone cypionate và testosterone enathate tiêm dưới da sâu mỗi 1 – 2 tuần, tuỳ liều và hàm lượng thuốc.
Miếng dán
Androderm dán vào đùi hoặc thân mình mỗi đêm. Tác dụng phụ có thể gây kích ứng da.
Dạng gôm
Sản phẩm này bệnh nhân phải dùng 3 lần mỗi ngày, gắn dính vào nướu. Từ đó cho phép testosterone có trong sản phẩm được hấp thu vào máu. Tác dụng phụ là gây kích ứng nướu.
Dạng xịt mũi
Gel testosterone (natesto) có thể được sử dụng bằng cách xịt vào mũi. Lựa chọn này giúp giảm nguy cơ chuyển thuốc sang người khác khi tiếp xúc da.
Mỗi lần sử dụng, bệnh nhân phải xịt 2 nhát vào mỗi lỗ mũi, việc này lặp lại 3 lần mỗi ngày.
Viên nang cấy dưới da
Các viên nang chứa testosterone (testopel) được cấy vào mô dưới da mỗi 3 – 6 tháng.
Lưu ý khi sử dụng liệu pháp thay thế testosterone5
Ngoài tác dụng phụ tại chỗ của các dạng testosterone khác nhau, thì khi sử dụng lâu dài, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những vấn đề sau:
- Đa hồng cầu.
- Mụn trứng cá.
- Nữ hoá tuyến vú.
- Phì đại tuyến tiền liệt.
- Rối loạn giấc ngủ,…
Vì thế, việc theo dõi sau điều trị rất quan trọng sau khi bắt đầu điều trị thay thế hormone. Bác sĩ sẽ kiểm tra tuyến tiền liệt và công thức máu của bệnh nhân trước khi bắt đầu điều trị; và định kỳ 3, 6, 12 tháng trong vòng 1 năm đầu và mỗi năm sau đó.
Ai không nên sử dụng liệu pháp thay thế testosterone?5
- Ung thư tuyến tiền liệt.
- Phì đại tuyến tiền liệt có triệu chứng khó đi tiểu, bí tiểu.
- PSA (Protastic Specific Antigen) > 4 ng/ml. PSA là xét nghiệm định lượng kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt tăng cao. Giúp gợi ý bất thường ở tuyến tiền liệt như ung thư, viêm nhiễm,…
- Ung thư vú.
- Đa hồng cầu..
- Suy tim sung huyết nặng
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ chưa được điều trị.
Phòng ngừa mất cân bằng nội tiết tố nam
Hiện nay, không có cách nào được biết có tác dụng ngăn ngừa việc giảm sút testsosterone gây ra bởi các tình trạng như: bất thường di truyền, bệnh lý tuyến yên hay tổn thương tinh hoàn.5
Tuy nhiên, thực hiện một lối sống lành mạnh có thể giúp cơ thể chúng ta giữ mức testosterone trong ngưỡng bình thường theo tuổi và giới, bao gồm:12
- Chế độ dinh dưỡng: Thực hiện cchế độ ăn đầy đủ các nhóm chất. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo bão hoà. Thay vào đó, tăng cường bổ sung vi chất như kẽm, omega-3, vitamin, có thể hỗ trợ trong quá trình sản xuất tinh trùng, cũng như bài tiết hormone sinh dục.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Quản lý cân nặng, hạn chế thừa cân, và tránh lạm dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress.
- Cân bằng giấc ngủ.
Trên đây là những thông tin về testosterone. Đây là một trong những loại hormone có vai trò quan trọng đối với cơ thể của cả hai giới. Việc thiếu hụt hay dư thừa testosterone có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất, và tinh thần người bệnh. Vì thế, khi có những biểu hiện nghi ngờ hoặc cơ thể cảm thấy “không khoẻ”, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và phát hiện sớm những bất thường nếu có.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Testosteronehttps://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/Testosterone
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
Physiology, Testosteronehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK526128/
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
Testosterone — What It Does And Doesn't Dohttps://www.health.harvard.edu/medications/testosterone--what-it-does-and-doesnt-do
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
Why do we need testosterone?https://www.medicalnewstoday.com/articles/276013
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
Low Testosterone (Male Hypogonadism)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15603-low-testosterone-male-hypogonadism
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
Blood metal levels and serum testosterone concentrations in male and female children and adolescents: NHANES 2011–2012https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6837506/
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
What causes high testosterone in women?https://www.medicalnewstoday.com/articles/321292#causes
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
What you need to know about male hypogonadismhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/307634
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
Male hypogonadismhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/male-hypogonadism/symptoms-causes/syc-20354881
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
Testosterone testhttps://www.testing.com/tests/testosterone/
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
What are the signs of high testosterone?https://www.medicalnewstoday.com/articles/signs-of-high-testosterone#treatment
Ngày tham khảo: 19/08/2022
-
How do you boost testosterone naturally?https://www.medicalnewstoday.com/articles/322508
Ngày tham khảo: 19/08/2022