YouMed

Thiếu hụt estrogen có thể gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Điều trị như thế nào?

ThS. BS. Nguyễn Đinh Tuấn
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Đinh Tuấn
Chuyên khoa: Nội khoa, Nội tiết

Estrogen thấp là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, thiếu estrogen ở độ tuổi trẻ hơn có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh có thể biểu hiện các triệu chứng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đinh Tuấn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về nguyên nhân, chẩn đoán, cũng như cách điều trị tình trạng thiếu hụt estrogen. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Tổng quan về tình trạng thiếu estrogen

Estrogen là một loại hormone được sản xuất chủ yếu tại buồng trứng bắt đầu từ độ tuổi dậy thì. Nội tiết tố này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển các cơ quan sinh dục cũng như giúp duy trì hệ thống sinh sản. Bên cạnh đó, nó cũng là chìa khóa trong việc kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Vì vậy, sự suy giảm estrogen có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng việc thay đổi nồng độ estrogen trong cơ thể không phải lúc nào cũng là biểu hiện bệnh lý cần phải được can thiệp điều trị. Hãy cùng bác sĩ xem xét các nguyên nhân gây ra hiện tượng giảm estrogen mà chúng ta có thể gặp phải.1

Nguyên nhân khiến mức estrogen thấp

Nồng độ estrogen thay đổi vì nhiều lý do khác nhau. Bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng hoặc làm tổn thương đến buồng trứng, đều có thể làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.2

Đặc biệt, tuổi tác là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất của việc có estrogen thấp. Phụ nữ càng lớn tuổi thì mức độ estrogen cảm giảm đi theo sinh lý. Nhất là ở thời kỳ mãn kinh. Trên thực tế, nồng độ estrogen bắt đầu giảm vài năm trước khi mãn kinh (giai đoạn này còn được gọi là tiền mãn kinh).2

Bất kỳ tình trạng hay bệnh lý nào liên quan đến buồng trứng (ovary) đều có thể gây giảm nồng độ estrogen
Bất kỳ tình trạng hay bệnh lý nào liên quan đến buồng trứng (ovary) đều có thể gây giảm nồng độ estrogen

Mức độ estrogen cũng có thể giảm vì một số lý do khác, bao gồm:2

  • Tập thể thao quá mức: Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy việc tập luyện quá mức có thể gây giảm nồng độ estrogen lưu hành trong máu.3
  • Suy buồng trứng sớm: Buồng trứng là “nhà máy” giúp tổng hợp estrogen. Do đó, suy buồng trứng sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt estrogen trong cơ thể. Bệnh lý này có thể do bất thường về di truyền, độc tố hoặc bệnh tự miễn.
  • Suy tuyến yên: FSH và LH được tiết từ tuyến yên giúp điều hòa quá trình sinh tổng hợp estrogen. Bệnh lý suy tuyến yên có thể làm giảm tiết FSH. Và qua đó gián tiếp làm giảm nồng độ estrogen.
  • Hóa trị liệu: Các thuốc dùng trong điều trị ung thư có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tổng hợp estrogen của buồng trứng.
  • Bệnh lý tuyến giáp.
  • Các tình trạng bẩm sinh, chẳng hạn như hội chứng Turner
  • Tiền sử gia đình có vấn đề về nội tiết tố.

Thiếu estrogen gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Nồng độ estrogen thấp không chỉ ảnh hưởng trên hệ thống sinh dục, mà còn biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau. Các triệu chứng của estrogen thấp mà người bệnh có thể gặp bao gồm:2

Kinh nguyệt không đều

Estrogen là một trong những hormone chính thúc đẩy chu kỳ kinh nguyệt ở người phụ nữ. Tình trạng không đủ nội tiết tố này trong máu có thể dẫn đến trễ kinh hoặc kinh nguyệt không đều.

Nữ giới có thể gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều nếu bị thiếu hụt estrogen kéo dài
Nữ giới có thể gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều nếu bị thiếu hụt estrogen kéo dài

Vô sinh

Nồng độ estrogen thấp có thể ngăn cản quá trình rụng trứng và gây khó khăn cho việc mang thai. Từ đó dẫn đến vô sinh.

Giảm mật độ xương

Estrogen giúp giữ cho xương ở trạng thái khỏe mạnh. Khi mức độ estrogen giảm, mất xương có thể xảy ra. Điển hình là phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao bị loãng xươnggãy xương.

Giao hợp đau

Estrogen có ảnh hưởng đến việc bôi trơn âm đạo. Tình trạng khô âm đạo sẽ dẫn đến tăng cảm giác đau khi quan hệ tình dục.

Cơn bốc hỏa

Triệu chứng cơn bốc hỏa này thường xuyên xảy ra trong thời kỳ mãn kinh do sự thiếu hụt estrogen.

Trầm cảm

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Estrogen có thể giúp não bộ cải thiện tâm trạng thông qua việc làm tăng serotonin. Thiếu hụt estrogen có thể gây ra sự suy giảm serotonin, góp phần gây ra thay đổi cảm xúc hoặc dẫn đến trầm cảm.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Việc thiếu hụt estrogen có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều này xảy ra có thể là do sự mỏng đi của các mô trong niệu đạo khi giảm nồng độ estrogen.

Ảnh hưởng đến cân nặng

Các nội tiết tố bao gồm cả estrogen đóng một vai trò trong việc quản lý cân nặng, và quyết định xem cơ thể tích trữ được bao nhiêu chất béo. Phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có thể bị tăng cân, do nồng độ estrogen thấp trong máu.

Ở giai đoạn mãn kinh, có sự thay đổi vị trí dự trữ chất béo trong cơ thể người phụ nữ. Các vùng cơ thể mà nữ giới lưu trữ chất béo cũng có thể thay đổi trong thời kỳ mãn kinh. Thông thường, phụ nữ tích trữ mỡ ở hông và đùi. Nhưng điều đó sẽ thay đổi khi lượng estrogen giảm xuống ở tuổi trung niên và có liên quan đến sự gia tăng mỡ ở bụng.4

Mặc dù tăng cân là một biểu hiện điển hình khi lượng estrogen thấp, nhưng nó không phải là tất yếu. Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp phụ nữ giảm nguy cơ tăng cân.

Điều trị thiếu estrogen tại nhà được không?

Thiếu hụt estrogen có thể được bù đắp thông qua các biện pháp không dùng thuốc tại nhà. Tuy nhiên, việc tìm ra nguyên nhân nào gây giảm nồng độ estrogen là yếu tố tiên quyết trong việc điều trị và giải quyết triệt để tình trạng này. Việc này yêu cầu sự thăm khám của các bác sĩ và các xét nghiệm hỗ trợ. Do đó, phần tiếp theo của bài viết sẽ giúp bạn nhận biết các dấu hiệu cần đi khám, nhằm phát hiện sớm tình trạng thiếu estrogen.

Việc thăm khám sẽ giúp bác sĩ có cơ sở xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp
Việc thăm khám sẽ giúp bác sĩ có cơ sở xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi gặp các dấu hiệu sau đây, người bệnh nên tìm đến các bác sĩ để được tư vấn và thăm khám:1

  • Rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh.
  • Đau đầu trong quá trình có kinh.
  • Giảm ham muốn tình dục và đau rát nhiều khi giao hợp.
  • Âm đạo bị khô lâu ngày.
  • Da khô.
  • Xương yếu hoặc giòn.
  • Khó tập trung.
  • Dễ nóng giận.
  • Hay vã mồ hôi vào ban đêm.
  • Cảm thấy mệt mỏi và khó ngủ.
  • Tăng cân, đặc biệt là ở bụng.

Chẩn đoán thiếu hụt estrogen

Chẩn đoán estrogen thấp thường bắt đầu bằng việc hỏi tiền sử bệnh và xem xét các triệu chứng, các dấu hiệu như đã trình bày ở phần trên của bài viết. Tuy nhiên, một số triệu chứng này cũng có thể xảy ra do các bệnh lý khác.

Để chẩn đoán xác định, các bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone. Có ba loại estrogen mà cơ thể bạn tạo ra. Xét nghiệm estrogen có thể đo được cả ba loại: estrone (E1), estradiol (E2) và estriol (E3).1 Trong đó, estradiol thường xuyên được sử dụng trên thực tế lâm sàng. Sau đây là giá trị bình thường của estradiol khi được xét nghiệm:5

  • Ở phụ nữ tiền mãn kinh: 30 – 400 pg/mL.
  • Ở phụ nữ sau mãn kinh: 0 – 30 pg/mL.
  • Ở nam giới: 10 – 50 pg/mL.

Bạn cũng cần thực hiện các xét nghiệm bổ sung, tùy theo chỉ định của bác sĩ để loại trừ các tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Xét nghiệm Estradiol thường được áp dụng trong chẩn đoán tình trạng thiếu hụt estrogen
Xét nghiệm Estradiol thường được áp dụng trong chẩn đoán tình trạng thiếu hụt estrogen

Điều trị thiếu hụt estrogen

Không phải tất cả phụ nữ đều cần điều trị khi nồng độ estrogen thấp. Tuy nhiên, việc điều trị nên được cân nhắc nếu các triệu chứng của tình trạng này gây khó chịu và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. 

Điều trị cơ bản bao gồm điều trị theo từng nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt estrogen (như phẫu thuật cắt bỏ u gây suy tuyến, bổ sung hormone tuyến giáp trong bệnh lý suy giáp…) và điều trị triệu chứng. Trong phạm vi bài viết, bác sĩ sẽ trình bày chủ yếu về cách điều trị triệu chứng chung và điều trị ở phụ nữ mãn kinh.

Liệu pháp thay thế hormone (HRT)6 7

Tổng quan về liệu pháp thay thế hormone

Liệu pháp thay thế hormone là các loại thuốc có chứa nội tiết tố nữ. Bác sĩ dùng thuốc này để thay thế estrogen mà cơ thể bạn ngừng tạo ra trong thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp hormone thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh phổ biến. Bao gồm bốc hỏa và khó chịu ở âm đạo.

HRT cũng đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa mất xương và giảm gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh.

Tuy nhiên, có những rủi ro liên quan đến việc sử dụng liệu pháp hormone. Những rủi ro này phụ thuộc vào loại liệu pháp, liều lượng, thời gian dùng thuốc và tình trạng sức khỏe của chính người bệnh.

Để có kết quả tốt nhất, liệu pháp này nên được điều chỉnh cho phù hợp với từng người; và đánh giá lại thường xuyên để đảm bảo lợi ích điều trị nhiều hơn rủi ro. Có nhiều loại HRT khác nhau. Đa số các bác sĩ thường đề xuất một liệu pháp hormone kết hợp có chứa estrogen và progesterone.

HRT là một phương pháp điều trị thường được áp dụng để làm giảm các triệu chứng mãn kinh
HRT là một phương pháp điều trị thường được áp dụng để làm giảm các triệu chứng mãn kinh

Các dạng estrogen được sử dụng

Có hai dạng estrogen thường được sử dụng:

  • Estrogen có tác dụng toàn thân: Thuốc dạng này thường chứa nồng độ estrogen cao. Trên thị trường có nhiều loại khác nhau để người dùng lựa chọn như dạng viên uống, vòng, dán ngoài da, hoặc dạng kem. Nó có thể được sử dụng để điều trị cho hầu hết các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh.
  • Các chế phẩm estrogen đặt âm đạo liều thấp: Có dạng kem, viên nén hoặc dạng vòng. Các chế phẩm này thường chỉ được sử dụng để điều trị các triệu chứng âm đạo và tiết niệu của thời kỳ mãn kinh.

Nếu bạn chưa cắt bỏ tử cung, bác sĩ thường sẽ kê toa estrogen cùng với progesterone hoặc progestin (thuốc giống progesterone). Điều này là do nếu chỉ dùng riêng estrogen, khi không được cân bằng bởi progesterone, có thể kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung. Từ đó làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Nếu bạn đã cắt bỏ tử cung, bạn có thể không cần dùng progestin.

Các tác dụng phụ của liệu pháp thay thế hormone

Trong thử nghiệm lâm sàng lớn nhất cho đến nay, liệu pháp thay thế hormone bao gồm một viên thuốc estrogen-progestin, có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý sau:

Các nghiên cứu tiếp theo đã gợi ý rằng những rủi ro này khác nhau tùy thuộc vào:

  • Tuổi tác: Phụ nữ bắt đầu HRT ở tuổi 60 trở lên, hoặc hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu mãn kinh, có nguy cơ mắc các tình trạng trên cao hơn. Nhưng nếu liệu pháp này được bắt đầu trước 60 tuổi hoặc trong vòng 10 năm sau khi mãn kinh, lợi ích dường như lớn hơn nguy cơ.
  • Loại liệu pháp hormone: Các tác dụng phụ của liệu pháp hormone sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc sử dụng estrogen đơn lẻ hay với progestin, vào liều lượng và loại estrogen.
  • Tiền sử bệnh lý: Nguy cơ ung thư, bệnh tim, đột quỵ, cục máu đông, bệnh gan và loãng xương là những yếu tố quan trọng để xác định liệu HRT có phù hợp với bệnh nhân hay không.

Những đối tượng được hưởng lợi khi điều trị HRT

Bởi vì các tác dụng phụ không mong muốn ở trên, bạn cần chắc chắn rằng việc dùng thuốc có lợi nhiều hơn so với các rủi ro của chúng. Sau đây là một số trường hợp cho thấy những đối tượng phụ nữ nên được chỉ định dùng thuốc:

  • Có các cơn bốc hỏa từ trung bình đến nặng: Liệu pháp estrogen toàn thân vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để giảm các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm trong thời kỳ mãn kinh.
  • Cần ngăn ngừa tình trạng mất xương hoặc gãy xương: Các bác sĩ thường khuyên dùng các loại thuốc gọi là bisphosphonates để điều trị loãng xương. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen có thể hữu ích nếu bạn không thể dung nạp, hoặc không được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị khác.
  • Trải qua thời kỳ mãn kinh sớm hoặc bị thiếu hụt estrogen: Trong trường hợp bạn đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng trước 45 tuổi, ngừng có kinh trước 45 tuổi (mãn kinh sớm), hoặc mất chức năng bình thường của buồng trứng trước 40 tuổi (suy buồng trứng nguyên phát). HRT có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe. Bao gồm loãng xương, bệnh tim, đột quỵ, sa sút trí tuệ và trầm cảm.

Làm thế nào để giảm thiểu các tác dụng phụ khi điều trị HRT?

  • Tìm sản phẩm phù hợp: Nếu bạn chỉ gặp các triệu chứng âm đạo liên quan đến thời kỳ mãn kinh; estrogen trong kem bôi âm đạo liều thấp, viên nén hoặc vòng thường là lựa chọn tốt hơn thuốc uống hoặc miếng dán ngoài da.
  • Dùng thuốc ở liều tối thiểu: Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn nhất cần thiết để điều trị các triệu chứng của bạn. Trừ khi bạn dưới 45 tuổi, bạn cần có đủ lượng estrogen để bảo vệ sức khỏe khỏi những tác động lâu dài của sự thiếu hụt estrogen. Hoặc nếu bạn có các triệu chứng mãn kinh kéo dài làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể đề nghị thời gian điều trị lâu dài hơn.
  • Theo dõi thường xuyên: Hãy đi khám bác sĩ thường xuyên để đảm bảo rằng, lợi ích của liệu pháp hormone vẫn lớn hơn nguy cơ trong suốt giai đoạn điều trị.
  • Thực hiện các lối sống lành mạnh: Bao gồm các hoạt động thể chất, chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, quản lý căng thẳng và kiểm soát các tình trạng sức khỏe mãn tính (như cholesterol cao hoặc tăng huyết áp).

Liệu pháp estrogen đơn trị liệu2

Liệu pháp đơn trị liệu estrogen là việc chỉ sử dụng thuốc chứa một nồng độ estrogen nhất định, và không kết hợp với các thuốc khác (ví dụ như progesterone).

Biện pháp này thường được sử dụng ở các phụ nữ đã bị cắt bỏ buồng trứng. Bên cạnh đó, nó còn được sử dụng để điều trị triệu chứng ở thời kỳ mãn kinh tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Một số biện pháp khắc phục thiếu estrogen tại nhà

Không có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh các biện pháp tự nhiên có thể làm gia tăng lượng estrogen. Tuy nhiên, một vài thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể hữu ích:

Duy trì cân nặng hợp lý

Thiếu cân quá mức có thể làm giảm lượng estrogen. Do đó việc duy trì cân nặng một cách khoa học có thể hữu ích trong việc kiểm soát nồng độ estrogen trong máu.2

Tập thể dục vừa phải

Tập luyện quá nhiều cũng có thể gây ra sự suy giảm sản xuất estrogen. Vì vậy cắt giảm khối lượng các bài tập thể dục quá nặng có thể giúp gia tăng lượng estrogen trong cơ thể.2

Bổ sung các loại thực phẩm chứa phytoestrogen

Phytoestrogen là gì?8

Phytoestrogen trong thực vật là một chất có cấu tạo gần giống với cấu trúc hóa học của estrogen. Chúng có tác động tương tự lên các cơ quan như là estrogen.

Tuy nhiên, mỗi loại phytoestrogen có sự khác nhau đôi chút về cách hoạt động. Phytoestrogen có cấu trúc hóa học tương tự với cấu trúc hóa học của estrogen, và có thể bắt chước các hoạt động nội tiết tố của nó. Tuy nhiên, không phải tất cả các phytoestrogen đều hoạt động theo cách giống nhau.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, chỉ một số loại phytoestrogens có tác dụng tương tự và làm tăng estrogen trong máu. Trong khi đó, một số khác lại làm giảm nồng độ estrogen.9

Trong khi một số nhà nghiên cứu đã đưa ra lo ngại rằng việc tiêu thụ nhiều phytoestrogen có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố; hầu hết các bằng chứng đều cho thấy chúng có những tác động tích cực đến sức khỏe.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã liên kết việc tiêu thụ phytoestrogen với việc làm giảm mức cholesterol, cải thiện các triệu chứng mãn kinh. Bên cạnh đó còn giúp giảm nguy cơ loãng xương và một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư vú.9 10 11

Thực phẩm có chứa phytoestrogen

Một số loại thực phẩm giúp cung cấp phytoestrogen như đậu nành, hạt lanh, hạt mè, quả việt quất, quả dâu tây8

Đậu nành là một trong những loại thực phẩm chứa phytoestrogen được nghiên cứu nhiều nhất. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng isoflavone và phytoestrogen trong đậu nành có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh do lượng estrogen suy giảm.12

Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu mâu thuẫn về lợi ích của đậu nành trong việc tăng mức độ estrogen. Vì vậy, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn trước khi đưa ra khẳng định chính xác.2

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, việc tăng lượng đậu nành nhập vào cơ thể có thể không thích hợp cho tất cả phụ nữ. Vì thế, trước khi bổ sung thêm đậu nành, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.2

Bổ sung lượng đậu nành phù hợp với từng thể trạng có thể giúp cải thiện thiếu hụt estrogen
Bổ sung lượng đậu nành phù hợp với từng thể trạng có thể giúp cải thiện thiếu hụt estrogen

Xem thêm: Thừa estrogen (estrogen cao): Nguyên nhân và cách điều trị

Trên đây là những thông tin về tình trạng thiếu estrogen. Mức độ estrogen thấp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Vì vậy, bất kỳ ai gặp phải các biểu hiện của estrogen thấp nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

Câu hỏi thường gặp

Bổ sung estrogen bằng cách nào?

Chúng ta có thể bổ sung estrogen thông qua thức ăn và thuốc.

Có những thực phẩm nào giúp bổ sung estrogen?

Một số thực phẩm có thể giúp bổ sung estrogen thực vật như: đậu nành, hạt lanh, hạt mè, quả việt quất, quả dâu tây, trái cây sấy…8

Bổ sung estrogen có hại hay không?

Việc bổ sung estrogen một cách vừa phải qua thức ăn thường không gây hại. 

Bổ sung estrogen bằng các loại thuốc sẽ có tác dụng phụ nhất định, vì vậy cần được bác sĩ tư vấn và kê toa.

Có thể sử dụng thuốc estrogen để bổ sung hay không?

Có thể sử dụng thuốc estrogen để bổ sung cho tình trạng thiếu hụt estrogen trong cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Low Estrogenhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22354-low-estrogen

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  2. What happens when estrogen levels are low?https://www.medicalnewstoday.com/articles/321064

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  3. Regular exercise lowers estrogenshttps://www.fredhutch.org/en/news/center-news/2004/05/excercise.html

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  4. Understanding weight gain at menopausehttps://www.tandfonline.com/doi/full/10.3109/13697137.2012.707385

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  5. Estradiol (Blood)https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=167&ContentID=estradiol

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  6. Hormone therapy: Is it right for you? Printhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menopause/in-depth/hormone-therapy/art-20046372

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  7. What Are the Symptoms of Low Estrogen in Women and How Are They Treated?https://www.healthline.com/health/womens-health/low-estrogen-symptoms

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  8. 11 Foods High in Phytoestrogenshttps://www.healthline.com/nutrition/foods-with-estrogen

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  9. The pros and cons of phytoestrogenshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3074428/

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  10. Phytoestrogens and prevention of breast cancer: The contentious debatehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4129534/

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  11. Preventive effects of phytoestrogens against postmenopausal osteoporosis as compared to the available therapeutic choices: An overviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3276006/

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

  12. Benefits of soy isoflavone therapeutic regimen on menopausal symptomshttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0029784401017446

    Ngày tham khảo: 30/07/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người