Viêm da cơ địa kiêng ăn gì? Câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Viêm da cơ địa hay tiếng anh còn có tên gọi là Atopic dermatitis là một bệnh phổ biến. Chính vì vậy, hiện nay có khá nhiều người đã và đang mắc phải bệnh viêm da cơ địa. Từ đó, các bệnh nhân có thắc mắc trong việc không biết khi bị viêm cơ địa kiêng ăn gì? Và nên ăn những loại thực phẩm như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết dưới đây!
Viêm da cơ địa kiêng ăn gì?
Viêm da cơ địa là bệnh lý mạn tính tiến triển theo từng đợt. Đặc điểm bệnh hay bắt đầu ở các em bé với các tổn thương da như ngứa hoặc chàm da. Yếu tố môi trường và thức ăn là những tác nhân có thể gây ra dị ứng, hoặc làm trầm trọng hơn các biểu hiện lâm sàng. Do đó, nếu dừng ăn một món ăn gây dị ứng thì triệu chứng sẽ giảm rõ rệt.1
Một số trường hợp khi bạn đang bị viêm da cơ địa, nguyên nhân không phải do thức ăn. Nhưng khi bạn ăn phải các thức ăn gây dị ứng, phản ứng dị ứng sẽ diễn ra trầm trọng hơn nữa. Rất nhanh có thể chỉ trong vài phút hoặc chậm là vài giờ. Trên da người bệnh sẽ nổi mẩn đỏ, ngứa hoặc sưng phù. Trường hợp nguy hiểm sẽ gây ra sốc phản vệ và ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, một chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp người bệnh ít bị khởi phát các đợt dị ứng da và có sức khoẻ tốt hơn. Tình trạng dị ứng sẽ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Do đó chỉ nên kiêng ăn khi đã xác định rõ tác nhân gây ra dị ứng.1 2
Bị viêm da cơ địa kiêng gì trong chế độ ăn uống?
Một số loại thực phẩm sau đây được xếp vào danh sách đồ ăn dễ gây dị ứng hoặc kích thích dị ứng da:
1. Các loại thịt đỏ
Thịt đỏ được đánh giá là có nguy cơ dẫn đến viêm da cơ địa. Các loại thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt dê, nai, cừu,… Việc sử dụng các loại thịt này có liên quan đến việc giảm lượng vi khuẩn Bifidobacteria và axit béo chuỗi ngắn (SCFA). SCFA có thể thúc đẩy bài tiết chất nhầy, bảo vệ và duy trì hàng rào niêm mạc ruột và môi trường trong ruột.3
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến tình trạng viêm da.4
Nghiên cứu khác cho thấy khi bị viêm da cơ địa sẽ đi kèm thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột và các chất chuyển hóa của nó. Trong đó có sự suy giảm Bifidobacterium, Akkermania muciniphila và Ruminococcus gnavus, đồng thời giảm SCFA trong phân.5
Có thể thấy, giữa hệ vi sinh vật đường ruột và da có mối quan hệ hai chiều. Từ sự liên quan này mà ta có một khái niệm được gọi là “trục ruột – da”.
2. Sữa bò và các sản phẩm từ sữa
Sữa bò luôn là một trong những chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em. Đối với những bé đã dị ứng với sữa bò thì các sản phẩm làm từ sữa bò cũng không nên dùng. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị dị ứng với đạm trong sữa bò. Xét về góc độ hệ miễn dịch thì viêm da cơ địa là bệnh lý phức tạp có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng khác nhau. Ở trẻ em đã bị viêm da cơ địa khả năng xuất hiện dị ứng, mẩn đỏ khi uống sữa bò sẽ cao hơn trẻ bình thường.6 7
3. Đậu nành và đậu phộng
Đậu nành hoặc sữa đậu nành thường sẽ được sử dụng thay thế cho sữa bò ở những người dị ứng sữa bò. Một số báo cáo về dị ứng viêm da xảy ra đa phần là ở trẻ em. Đối với người lớn chưa có đầy đủ thông tin để đánh giá. Do đó cần cẩn thận khi sử dụng đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành như sữa đậu, bột đậu nành.8
Đậu phộng là tác nhân điển hình gây dị ứng ở những người có bệnh viêm da cơ địa. Hầu như các bệnh nhân mắc viêm da cơ địa sẽ có phản ứng tăng kháng thể IgE khi sử dụng thức ăn có đậu phộng. Và thậm chí khi dị ứng đậu phộng có thể dẫn đến những biến chứng như sốc phản vệ, tử vong. Do đó, đối với người viêm da cơ địa, chỉ nên ăn khi đã được bác sĩ xác định rằng đậu phộng không gây dị ứng cho bạn bằng các phương pháp thử.9
4. Các loại hải sản
Hải sản được xem là loại thực phẩm dễ gây dị ứng và khởi phát dị ứng. Đặc biệt là các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, ốc,… Ngoài các phản ứng dị ứng da còn có thể gây nôn, tiêu chảy, lên cơn hen, sốc phản vệ.
Nguyên nhân thực sự gây ra dị ứng ở hải sản chưa thật sự đầy đủ. Nhưng có vài lý do sau: do vi khuẩn sống trên vỏ của hải sản bao gồm Vibrio, Listeria, Salmonella hoặc do các protein lạ có trong hải sản.10 Có trường hợp bệnh nhân trước nay vẫn ăn được hải sản, nhưng bỗng một ngày vừa ăn vào lại bị dị ứng da. Ngay lúc đó phải tìm đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.
5. Thực phẩm chứa gluten hoặc lúa mì
Gluten cũng được xem là tác nhân gây ảnh hưởng đến bệnh nhân bị chàm da. Đầu tiên, bạn cần biết các tình trạng sức khỏe liên quan đến gluten có thể bao gồm: bệnh Celiac (không dung nạp gluten), dị ứng lúa mì và nhạy cảm với gluten (không Celiac). Cả ba tình trạng này đều có thể gây ra các vấn đề về da như bệnh chàm.11 Các sản phẩm chứa gluten bao gồm bánh mì, lúa mì, ngũ cốc tổng hợp…
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều phản ứng với thực phẩm này. Nhiều người đã áp dụng chế độ ăn không gluten để giảm triệu chứng. Và biện pháp này chỉ phù hợp với những trường hợp bị nặng và dai dẳng; bên cạnh đó phải có bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Sau khi bác sĩ đã loại trừ các nguy cơ khác thì mới có thể áp dụng. Điều này là do chế độ ăn không gluten cũng không phải là chế độ ăn tốt.12 13
6. Thực phẩm có hàm lượng niken
Đồ ăn chứa lượng niken cao bao gồm: một số loại ngũ cốc và bột yến mạch, socola, các loại động vật có vỏ như nghêu, sò, thịt đóng hộp, trà đen, các loại đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành. Niken được xem là chất gây kích hoạt dị ứng ở người viêm da. Do đó, nếu bạn đã bị viêm da cơ địa. Bạn cần hạn chế ăn chúng để tránh các phản ứng dị ứng.2
7. Đồ uống có cồn gây dị ứng da
Các nghiên cứu hiện nay chưa nói lên việc uống rượu bia có thể gây trầm trọng viêm da cơ địa. Tuy nhiên, với một số đối tượng dị ứng với rượu bia, sau khi dùng có thể bị nổi mề đay, ngứa, nổi đốm đỏ. Vì vậy cần lưu ý khi sử dụng.
Có nghiên cứu cho thấy, khi phụ nữ mang thai sử dụng đồ uống có cồn thì con sinh ra có khả năng bị viêm da cơ địa rất cao. Do đó, mẹ chú ý trong quá trình mang thai không sử dụng bia rượu vì sẽ gây nhiều tác động xấu đến thai nhi.14
8. Thực phẩm chứa nhiều đường
Đường được xem là nhân tố gây ra nhiều phản ứng viêm trong cơ thể. Do đó, có những quan điểm cho rằng đường sẽ làm trầm trọng các phản ứng viêm của da. Đối với những người nhạy cảm khi ăn đồ nhiều đường sẽ bị lên mụn. Tuy nhiên, có quan điểm khác cho rằng không có mối quan hệ nào giữa việc ăn nhiều đường và người bị viêm da cơ địa. Vì vậy, tuỳ thể trạng mỗi người mức độ phản ứng sẽ khác nhau.15
9. Đồ ăn cay nóng, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ
Thức ăn nhanh, hay đồ ăn nhiều dầu mỡ và cay nóng là những món ăn kích thích vị giác. Tuy nhiên, chúng chứa nhiều dầu mỡ và gia vị, cũng như chất phụ gia hay chất bảo quản. Do đó, những món ăn này sẽ gây suy giảm chức năng đào thải của gan. Đồng thời gây ảnh hưởng tới cơ quan dạ dày, làm cơ thể tích độc tố và phát ra ngoài bề mặt da.16
10. Đồ ăn hay đồ uống đóng hộp
Thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích,… thường có thành phần dinh dưỡng phức tạp hơn thực phẩm tự nhiên. Ngoài ra còn có các sản phẩm đồ ăn đóng hộp còn chứa niken một nhân tố dị ứng. Hầu hết chúng đều chứa nhiều natri, nitrit, chất phụ gia và chất bảo quản. Một số người sẽ nhạy cảm với các thành phần có trong hộp thức ăn gây dị ứng da.3
Viêm da cơ địa nên kiêng gì trong sinh hoạt hằng ngày?
1. Trang sức có chứa niken
Bên cạnh việc nên tránh ăn đồ ăn chứa niken. Đối với người đã bị viêm da cơ địa thì không nên sử dụng các đồ trang sức có chứa niken.
Bởi vì niken có các đặc điểm như bền, không bị oxy hoá, đẹp sáng bóng mà giá thành lại rẻ hơn nhiều so với vàng, bạc. Nên nó thường được dùng làm trang sức, phụ kiện đeo hoặc mang cùng với quần áo. Tuy vậy, không nên đeo dây chuyền, vòng tay, nhẫn không rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu khi đã có lịch sử viêm da. Vì khả năng cao tại vị trí đeo sẽ bị mẩn đỏ, ngứa, nổi mụn nước.2
2. Tránh tiếp xúc lâu với ánh mặt trời
Người có bệnh chàm thì hàng rào bảo vệ da sẽ yếu hơn. Vì vậy, nên tránh tiếp xúc nhiều và quá lâu với ánh nắng mặt trời. Da sẽ bị kích ứng, mẩn đỏ gây ngứa rát khó chịu. Các vị trí mẩn đỏ ở người bị viêm da cơ địa thường ở khuỷu tay, nơi bị thắt chặt với quần áo. Do đó cần tránh mặc quần áo bó sát khi vận động hoặc khi trời nắng nóng.
3. Lựa chọn chất liệu quần áo phù hợp cho người viêm da
Đối với người bị viêm da cơ địa, việc chú ý đến chất liệu quần áo cũng rất quan trọng. Nên sử dụng vải cotton có độ thấm hút mồ hôi và nhanh thông thoáng. Để da không bị bí bách khó chịu và cảm thấy thoải mái. Ngoài ra, bạn có thể chọn những loại vải mỏng nhẹ, không thô ráp tránh chà xát gây tổn thương da. Hiện nay các loại tơ tổng hợp đã có tính kháng khuẩn, chống viêm, hút ẩm có thể dùng cho da dị ứng.17
Khi giặt đồ cũng cần chọn loại nước giặt, xả không có chất gây kích ứng da. Áp dụng giặt cho quần áo, khăn lau, ga trải giường. Nếu có em bé thì phải giặt cả thú bông, đồ chơi của bé tương tự như giặt đồ.
4. Các lưu ý khi tắm với người bị viêm da
Người bị viêm da cơ địa lưu ý không nên tắm nước quá nóng và không gãi lên các vết thương trên da. Lựa chọn các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm phù hợp với làn da nhạy cảm.
Không dùng cồn hoặc các chất có độ tẩy mạnh vì rất dễ gây kích ứng da. Dưỡng ẩm da trước và sau khi đi tắm hoặc đi bơi là điều rất cần thiết với người bị chàm, tương tự với tắm hồ bơi và tắm biển. Tuy nhiên cần xem xét khi tắm biển vì nắng và muối sẽ làm da bạn khô và dễ nổi chàm hơn.18
Viêm da cơ địa nên ăn gì?
1. Các loại trái cây và rau củ giàu vitamin và chất xơ
Chế độ ăn nhiều chất xơ là lựa chọn rất tốt không chỉ người bị viêm da mà còn cho tất cả mọi người. Trong rau củ quả có nhiều carotenoid, flavonoid, vitamin và các khoáng chất,… giúp chống oxy hóa và các cytokine gây viêm như TNF-alpha và protein phản ứng viêm. Do đó, việc ăn rau sẽ giúp cải thiệu các triệu chứng của người bị viêm da cơ địa.19
Trong các loại trái cây, rau củ chứa nhiều vitamin sau:
- Vitamin A có trong cà chua, đu đủ, cà rốt,… giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch.
- Vitamin B có trong rau xà lách, rau xanh có vai trò giúp các tổn thương mau lành lại.
- Vitamin C nhiều trong ổi, ớt chuông, cam,… là các chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các phản ứng dị ứng.
- Vitamin E có trong quả bơ, kiwi, rau bina,… giúp cho làn da chắc khỏe, bảo vệ làn da khỏi các tác nhân gây bệnh.
2. Thực phẩm chứa probiotics hỗ trợ viêm da cơ địa
Các sản phẩm chứa men vi sinh như sữa chua hay đồ uống chứa men giúp hỗ trợ cải thiện đường ruột. Từ đó cải thiện khả năng hấp thu thức ăn. Đồng thời cải thiện hệ miễn dịch, từ đó cải thiện triệu chứng của viêm da cơ địa.19
3. Thực phẩm giàu omega 3
Omega 3 là axit béo có khả năng chống viêm, chống oxy hoá và cải thiện tình trạng của bệnh viêm da. Ngoài ra, axit béo omega 3 còn khả năng bảo vệ da bạn khỏi tia UV khi tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời. Các thực phẩm giàu omega 3 chủ yếu đến từ các loài cá biển: cá hồi, cá thu, cá ngừ,… Trong trường hợp bạn bị dị ứng khi ăn các loại cá biển. Người bệnh có thể chuyển sang bổ omega 3 qua viên uống thực phẩm chức năng.20
4. Thực phẩm chứa kẽm hỗ trợ viêm da cơ địa
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong hàng rào bảo vệ da và hệ miễn dịch. Vì vậy, việc bổ sung kẽm qua đồ ăn rất cần thiết để cải thiện bệnh viêm da cơ địa. Các thức ăn chứa nhiều kẽm như thịt gà, lòng đỏ trứng gà, cua, hàu,… Trong trường hợp dị ứng với hải sản chứa kẽm, người bệnh có thể thay thế bằng món ăn khác phù hợp hơn. Ngoài ra, bạn có thể thăm khám bác sĩ để bổ sung kẽm qua đường uống hoặc thực phẩm chức năng.21
Người bệnh cần lưu ý gì khi thực hiện các chế độ ăn uống?
Trước khi xác nhận một loại thức ăn bạn nghi ngờ là gây dị ứng da. Bạn nên thăm khám bác sĩ da liễu làm các bài kiểm tra kháng nguyên trên da. Ngoài ra các bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi để hỗ trợ xác định tác nhân gây dị ứng. Từ đó sẽ có kế hoạch ăn uống phù hợp trong một thời gian. Đồng thời tuỳ vào mức độ dị ứng bác sĩ sẽ có toa thuốc cho bạn sử dụng.
Bạn nên lựa chọn ăn các thực phẩm mà bạn đã từng ăn qua và không bị dị ứng da. Bạn hãy giữ tâm lý thoải mái và không nên quá lo lắng. Nhiều bệnh nhân quá lo sợ khởi phát dị ứng. Dẫn đến việc tự ý kiêng hết tất cả các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng. Lúc này người bệnh sẽ bị thiếu chất và dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc: Viêm da cơ địa kiêng ăn gì và nên ăn gì? Bệnh nhân có thể bị khởi phát viêm da cơ địa do thức ăn. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích, giúp cho việc lập kế hoạch ăn uống khoa học cho người bị viêm da.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễuhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/10/huong-dan-chan-doan-dieu-tri-cac-benh-da-lieu.pdf#page=115
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Diet and Dermatitis: Food Triggershttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3970830/
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Processed Food and Atopic Dermatitis: A Pooled Analysis of Three Cross-Sectional Studies in Chinese Adultshttps://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fnut.2021.754663/full
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Antibiotics-Induced Dysbiosis of Intestinal Microbiota Aggravates Atopic Dermatitis in Mice by Altered Short-Chain Fatty Acidshttps://e-aair.org/DOIx.php?id=10.4168/aair.2020.12.1.137
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Recent developments and highlights in mechanisms of allergic diseases: Microbiomehttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/all.13634
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
The Role of Cow Milk Allergy in Increasing the Severity of Atopic Dermatitishttps://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1081/IMM-120027686?journalCode=iimm20
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Influence of Atopic Dermatitis on Cow’s Milk Allergy in Childrenhttps://www.mdpi.com/1648-9144/55/8/460
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Soy Allergy in patients suffering from atopic dermatitishttps://www.e-ijd.org/article.asp?issn=0019-5154;year=2013;volume=58;issue=4;spage=325;epage=325;aulast=Jarmila
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Atopic dermatitis increases the effect of exposure to peanut antigen in dust on peanut sensitization and likely peanut allergyhttps://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S0091674914014766
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Shellfish Allergyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448089/
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Gluten Associated Medical Problemshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538505/
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Dietary shortcomings in children on a gluten-free diethttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1365-277X.2010.01060.x
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
The Gluten-Free Diet: A Nutritional Risk Factor for Adolescents with Celiac Disease?https://journals.lww.com/jpgn/Fulltext/1998/11000/The_Gluten_Free_Diet__A_Nutritional_Risk_Factor.4.aspx
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Atopic dermatitis and alcohol use – a meta-analysis and systematic reviewhttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jdv.14814
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Sugar is Not an Aggravating Factor in Atopic Dermatitishttps://www.medicaljournals.se/acta/content/abstract/10.1080/00015550152572930
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
A Review of Advancement on Influencing Factors of Acne: An Emphasis on Environment Characteristicshttps://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpubh.2020.00450/full
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Fabric Selection in Atopic Dermatitis: An Evidence-Based Reviewhttps://link.springer.com/article/10.1007/s40257-020-00516-0
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Eczema and Bathinghttps://nationaleczema.org/eczema/treatment/bathing/
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Dietary modifications in atopic dermatitis: patient-reported outcomeshttps://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/09546634.2016.1278071
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Omega 3 Fatty Acid and Skin Diseaseshttps://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fimmu.2020.623052/full
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Zinc and atopic dermatitis: a systematic review and meta-analysishttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jdv.15524
Ngày tham khảo: 09/03/2023