Dấu hiệu ung thư phổi ở nữ giới và nguyên nhân gây bệnh
Nội dung bài viết
Ung thư phổi là bệnh lý ung thư nguy hiểm và là nỗi ám ảnh đối với người bệnh. Ung thư phổi không phải chỉ xuất hiện ở nam giới. Tỉ lệ ung thư phổi ở nữ giới cũng đang gia tăng hằng ngày. Vậy ung thư phổi ở nữ giới có những dấu hiệu nhận biết nào hay quá trình chẩn đoán và điều trị có khác với ung thư phổi ở nam giới. Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy dưới đây sẽ tìm hiểu về những vấn đề trên.
Tổng quan về bệnh ung thư phổi
Định nghĩa
Ung thư phổi (lung cancer) hay còn gọi là ung thư phế quản. Là một bệnh lý ác tính của hệ thống phế quản – phổi. Khi các tế bào biểu mô phân chia mất kiểm soát, tăng sinh quá mức sẽ hình thành ung thư.
Số liệu thống kê1
Theo số liệu mới nhất, thống kê Globocan năm 2020 (Thống kê ung thư trên toàn thế giới) của WHO (Tổ chức y tế thế giới), trên thế giới có 2 206 771 trường hợp mắc ung thư phổi. Trong đó có hơn 1,4 triệu nam giới (chiếm 65%) và hơn 770 ngàn phụ nữ (chiếm 35%).
Ung thư phổi có tỉ lệ cao ở cả hai giới, đứng thứ hai chỉ sau ung thư vú. Và là ung thư có tỉ lệ tử vong cao nhất trong tất cả loại ung thư (chiếm 18%).
Phân loại
Ung thư phổi chia thành 2 nhóm lớn là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ:2
1. Ung thư phổi tế bào nhỏ
Chiếm 10 – 15%, phát triển và di căn nhanh hơn ung thư phổi không tế bào nhỏ. Khoảng 70% bệnh nhân mắc loại ung thư phổi này đã có di căn tại thời điểm chẩn đoán. Ung thư phổi tế bào nhỏ đáp ứng khá tốt với hóa trị và xạ trị, nhưng dễ tái phát.
2. Ung thư phổi không tế bào nhỏ
Chiếm 80 – 85% các loại ung thư phổi. Gồm 3 loại chính: ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào gai, ung thư tế bào lớn. Các loại này xuất phát từ tế bào khác nhau nhưng phương thức điều trị và tiên lượng tương tự nhau. Nhìn chung, ung thư phổi không tế bào nhỏ có tiên lượng tốt hơn ung thư phổi tế bào nhỏ.
Nguyên nhân gây ung thư phổi ở nữ giới
Những nguyên nhân sau đây có thể gây ung thư phổi ở nữ giới:
1. Hút thuốc lá
Trong thuốc lá có hơn 7000 chất hóa học độc hại khác nhau. Và đã có ít nhất 70 chất được biết đến là nguyên nhân gây ung thư phổi.3
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ số 1 và quan trọng nhất của ung thư phổi. Tại Mỹ, hút thuốc lá liên quan đến 80 – 90% những cái chết do ung thư phổi. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi hoặc tử vong do ung thư phổi cao gấp 15 đến 30 lần so với những người không hút thuốc lá. Thậm chí nếu chỉ hút thuốc lá vài điếu mỗi ngày hay thỉnh thoảng mới hút cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi lên gấp nhiều lần.3
Người bỏ thuốc lá sẽ có nguy cơ ung thư phổi thấp hơn người tiếp tục hút. Ngừng hút thuốc lá ở bất kì thời điểm nào hay bất kì độ tuổi nào đều có thể giảm nguy cơ ung thư phổi.3
Đối với nữ giới, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ số một của ung thư phổi chính là hút thuốc lá. Một thực trạng báo động là số lượng phụ nữ hút thuốc lá đang tăng lên. Đặc biệt là phụ nữ trẻ ở các quốc gia phát triển. Hiện nay ghi nhận khoảng 47% nam giới và hơn 12% nữ giới (từ 15 tuổi trở lên) trên toàn thế giới đang hút thuốc lá.
Tuy nhiên, hút thuốc lá gây ung thư phổi ở nữ giới không những do hút thuốc lá trực tiếp mà còn do tình trạng hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá từ những người xung quanh).3 4
2. Chất sinh ung thư do nghề nghiệp
Làm việc trong môi trường không an toàn, liên tục tiếp xúc chất hóa học độc hại cũng là yếu tố nguy cơ của. Một số chất hóa học gây ung thư phổi đã được ghi nhận bao gồm:3
- Khí phóng xạ randon.
- Khí randon: khí ga tự nhiên sinh ra từ quá trình phân hủy uranium trong lòng đất. Nó không mùi, không màu, không vị nên chỉ nhận biết bằng thiết bị kiểm tra.3 5
- Chất amiang, abestos: ngành công nghiệp dệt vải, kéo sợi, bêtông, ximăng, khai thác mỏ đá,… 6
- Các loại hydrocacbon vòng thơm: ngành công nghiệp sản xuất chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm, khí thải công nghiệp,…
- Kim loại nặng (nickel, chrome,…): công nghiệp thuộc da, khai khoáng, hóa chất, điện tử, tái chế kim loại…
Các chất hóa học độc hại trên đều có thể gây ung thư phổi nhưng tỉ lệ không cao. Tuy nhiên nếu liên tục tiếp xúc với chất hóa học này mà đồng thời hút thuốc lá thì nguy cơ ung thư phổi sẽ tăng gấp nhiều lần.
Dấu hiệu ung thư phổi ở nữ giới
Triệu chứng ung thư phổi ở phụ nữ nhìn chung tương tự như nam giới. Tuy nhiên phụ nữ và nam giới thường mắc những loại ung thư phổi khác nhau nên cũng có biểu hiện khác nhau.7
Dấu hiệu chung
Trong đó những triệu chứng giống nhau ở cả nam và nữ khi mắc ung thư phổi bao gồm:7 8
- Khó thở.
- Khàn tiếng.
- Ho kéo dài không đáp ứng điều trị hay khò khè.
- Ho ra máu.
- Đau ngực.
- Nuốt khó.
- Sụt cân không chủ đích (sụt cân không rõ lý do).
- Mệt mỏi.
- Viêm phổi hay viêm phế quản tái phát nhiều lần.
Nếu ung thư phổi di căn tới các cơ quan khác sẽ có thêm các triệu chứng như:
- Đau xương (đau lưng hay hông) khi ung thư di căn xương.
- Triệu chứng thần kinh (đau đầu, yếu liệt hay tê chân tay, chóng mặt, mất thăng bằng hay hôn mê) khi ung thư di căn não.
- Vàng da hay vàng mắt khi ung thư phổi di căn gan.
- Xuất hiện rõ hạch cổ hay hạch trên xương đòn.
Ung thư phổi ở nam giới thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí chính trong phổi nên các triệu chứng về ho và khó thở sẽ thường gặp hơn.7
Dấu hiệu ở nữ giới
Ung thư phổi ở phụ nữ thường xảy ra ở các phần khác của phổi hơn đường dẫn khí chính nên thay vì gặp các triệu chứng về khó thở hay ho thì phụ nữ thường mệt mỏi, đau lưng hay đau vai hơn.7
1. Đau lưng
Thường do tổn thương ở màng phổi hay cơ và xương xung quanh. Theo thống kê của Viện ung thư học Dana – Farber (tại Massachusetts, Hoa Kỳ), khoảng 25 % bị đau lưng. Trên thực tế đau lưng có thể là triệu chứng đầu tiên khi mắc ung thư phổi. Đau lưng là triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi khi đi kèm thêm các triệu chứng gợi ý khác. Ví dụ như ho kéo dài không đáp ứng điều trị, khó thở, sụt cân không chủ đích,…9
2. Đau vai
Là triệu chứng khá nhiều người mắc phải, thường do viêm cơ, viêm khớp hay chấn thương. Tuy nhiên đau vai cũng có thể xuất hiện trong ung thư phổi từ giai đoạn sớm đến giai đoạn trễ.
Đau vai có thể gặp trong u Pancoast – Tobias (một dạng ung thư phổi khá hiếm gặp, u đỉnh phổi xâm lấn vào thành ngực và đám rối thần kinh cánh tay), ung thư phổi di căn, ung thư phổi – màng phổi. Đau vai trong ung thư phổi thường đau vào lúc nghỉ, ban đêm, không liên quan đến vận động hay chấn thương. Đau thường lan xuống tay hay bàn tay, kèm cảm giác tê bì.10 11
Những hội chứng thường gặp ở cả nam và nữ
Ngoài ra ung thư phổi cũng có thể xuất hiện một số hội chứng đặc hiệu nhưng tỉ lệ thấp.7
1. Hội chứng Horner
Hội chứng Horner gây triệu chứng ở mặt do làm gián đoạn đường dẫn truyền thần kinh từ não đến mặt và mắt bao gồm:
- Co đồng tử.
- Sụp mi mắt.
- Giảm tiết mồ hôi ở một bên mặt.
2. Hội chứng Pancoast
Một dạng ung thư phổi hiếm gặp, u đỉnh phổi xâm lấn thành ngực và đám rối thần kinh cánh tay. Triệu chứng: đau vai, đau cánh tay, tê bì bàn tay ngón tay. Bệnh diễn tiến có thể có hội chứng Horner.
3. Hội chứng tĩnh mạch chủ trên
Xảy ra khi ung thư di căn hạch trung thất chèn ép gây tắc nghẽn hay hẹp tĩnh mạch chủ trên (tĩnh mạch dẫn máu từ vùng đầu cổ, ngực về tim). Triệu chứng thường gặp gồm: phù mặt, cánh tay, cổ, phần trên cơ thể; ho; khó thở.
4. Hội chứng cận ung
Hội chứng hiếm gặp, tập hợp các triệu chứng khi hệ miễn dịch chống lại sự phát triển của ung thư ở một cơ quan nào đó mới xuất hiện trong cơ thể. Triệu chứng bao gồm: mệt mỏi, yếu cơ, chuột rút,…
Chẩn đoán ung thư phổi ở nữ giới
Sau đây là những phương pháp được chỉ định để chẩn đoán ung thư ở nữ giới:12 13 14
Việc chẩn đoán và điều trị ung thư phổi ở nữ giới nhìn chung tương tự nam giới. Quan trọng trong chẩn đoán một bệnh lý ung thư là phải chẩn đoán được cơ quan mang bệnh và bản chất mô học của bướu (giải phẫu bệnh).
Để chẩn đoán ung thư phổi đầu tiên cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng gợi ý như triệu chứng tại phổi (ung thư giai đoạn sớm) hay triệu chứng tại cơ quan di căn (ung thư giai đoạn trễ) hoặc chỉ tình cờ người bệnh đi khám sức khỏe và phát hiện ung thư phổi. Lúc này, bác sĩ sẽ đề nghị thêm các cận lâm sàng. Bao gồm hình ảnh học, xét nghiệm máu và một số xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán xác định ung thư phổi.
1. Hình ảnh học
- X quang ngực thẳng: là cận lâm sàng cơ bản nhất để đánh giá tổng quát về phổi, lồng ngực.
- CT ngực có hay không có cản quang: đây là phương tiện quan trọng, then chốt để khảo sát vị trí bướu, kích thước bướu, xâm lấn vào các cấu trúc trong lồng ngực. Đánh giá tình trạng di căn hạch (vị trí và kích thước hạch), tình trạng các vùng nhu mô phổi còn lại.
- PET/CT: Trong một số trường hợp đặc biệt cần chụp thêm PET/CT để đánh giá kĩ hơn. Ví dụ xác định hạch trung thất có di căn hay không, xác định cơ quan nghi ngờ di căn… Đây là phương tiện hình ảnh nâng cao, đắt tiền nên không được chỉ định rộng rãi.
- Xạ hình xương: khi nghi ngờ di căn xương.
- MRI não: khi nghi ngờ di căn não.
2. Chất chỉ điểm sinh học của bướu
Xét nghiệm máu để tìm ra các marker ung thư giúp phân biệt u phổi là nguyên phát hay di căn từ nơi khác đến phổi:
- SCC.
- CEA.
- Cyfra 21-1.
- NSE.
- Nghi ngờ ung thư cơ quan khác di căn phổi: CA 125 (ung thư buồng trứng), CA 15-3 (ung thư vú), PSA (ung thư tuyến tiền liệt), CA 19-9 (ung thư đường tiêu hóa),…
3. Chẩn đoán giải phẫu bệnh
Sau khi xác định cơ quan mang bướu, cần biết bản chất mô học của bướu trước khi điều trị. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm sinh thiết bướu một cách hiệu quả và an toàn để có giải phẫu bệnh của ung thư. Vì giải phẫu bệnh chính là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung thư.
- Nội soi khí – phế quản sinh thiết: Cân nhắc cho các bướu nằm ở vùng trung tâm, đường thở chính, gần rốn phổi. Tiến hành chải rửa và sinh thiết bướu.
- Chọc hút chẩn đoán tế bào hoặc sinh thiết bướu, hạch trung thất dưới hướng dẫn siêu âm qua nội soi (EBUS: endoscopic bronchial ultrasound; EUS: endoscopic ultrasound)
- Sinh thiết xuyên thành: Cân nhắc cho các bướu nằm ở ngoại vi, sát thành ngực có thể được sinh thiết bằng kim (chọc hút bằng kim nhỏ FNA hay sinh thiết lõi kim Core-biopsy) dưới sự hướng dẫn của siêu âm hoặc CT Scan.
- Nội soi lồng ngực hoặc trung thất (VATS: video-assisted thoracoscopy; VAM: video-assisted mediastinoscopy) để sinh thiết bướu trực tiếp.
- Khi không thể sinh thiết được nữa mới tiến hành phẫu thuật mở để cắt u hay sinh thiết bướu.
Sau khi đã có chẩn đoán xác định ung thư phổi, bướu. Tiếp theo là chẩn đoán giai đoạn để có kế hoạch điều trị ban đầu. Giai đoạn ung thư phổi thường được phân loại bằng hệ thống TNM do Hội Nghiên cứu Ung thư Phổi Thế giới (The International Association for the Study of Lung Cancer (IASLC) xây dựng:
Các phương pháp điều trị
Điều trị ung thư phổi dựa trên nguyên tắc là điều trị cá thể hóa trên từng người bệnh. Không áp dụng một mô thức cứng nhắc cho tất cả bệnh nhân. Mỗi người bệnh được lên phác đồ điều trị phù hợp sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan. Việc này bảo đảm phương thức điều trị là hiệu quả và phù hợp nhất. Các yếu tố được cân nhắc bao gồm:12 13 14
- Bệnh lý ung thư: Chẩn đoán ban đầu, tình trạng di căn hạch, di căn xa khi chẩn đoán; giải phẫu bệnh của ung thư, sinh học phân tử, diễn tiến đáp ứng sau mỗi đợt điều trị.
- Bệnh lý nền: các bệnh lý mãn tính ảnh hưởng tới điều trị như bệnh lý tim mạch (Suy tim, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim,…), bệnh phổi (COPD, hen suyễn,…), thể trạng người bệnh, tuổi, nguyện vọng điều trị của người bệnh, tiên lượng sống còn.
- Yếu tố khác: Điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất nơi khám chữa bệnh…
Điều trị ung thư phổi chia hai nhóm chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đối với mỗi nhóm thì phương thức điều trị được xác định dựa vào giai đoạn bệnh.
Với giai đoạn khu trú (giai đoạn I, II, IIIA): phẫu thuật và xạ trị là phương pháp điều trị mang tính triệt căn. Giai đoạn tiến triển (tái phát di căn) (giai đoạn IIIB, IIIC, IV): điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống còn. Bao gồm hóa xạ trị, thuốc liệu pháp miễn dịch, thuốc nhắm trúng đích (các loại thuốc mới đang được tích cực nghiên cứu và áp dụng).
Phương pháp phẫu thuật
Đối với ung thư phổi có thể phẫu thuật thì cắt thùy phổi là điều trị căn bản nhất. Tùy theo kích thước khối u, vị trí u, loại giải phẫu bệnh trước mổ là carcinom tế bào gai, carcinom tế bào tuyến, chức năng hô hấp người bệnh,… mà phẫu thuật viên sẽ cân nhắc cắt thùy phổi, cắt phân thùy phổi hay cắt hình chêm kèm theo nạo hạch. Các phương pháp phẫu thuật nội soi (video-assisted thoracoscopic surgery (VATS)) hiện nay đang được tiến hành ngày càng nhiều và đem lại nhiều kết quả khả quan.
1. Ưu điểm của phẫu thuật
- Lấy trọn sang thương ung thư phổi ra khỏi vùng mô phổi lành xung quanh, tăng khả năng đáp ứng tốt với điều trị, giảm tái phát, tăng sống còn.
- Tiến hành sinh thiết để có giải phẫu bệnh trong trường hợp không thể lấy mô bệnh phẩm bằng các phương pháp khác.
2. Nhược điểm của phẫu thuật
- Có thể xảy ra biến chứng: chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, suy hô hấp,…
- Có thể gây tổn thương cấu trúc lân cận: mạch máu lớn (nguy cơ shock, mất máu, tử vong), thần kinh, mạch bạch huyết,..
- Người bệnh bị đau sau mổ và phải theo dõi hậu phẫu trong bệnh viện lâu hơn.
Lưu ý
- Phẫu thuật cắt ung thư phổi là phẫu thuật lớn, phức tạp, nhiều nguy cơ. Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trước và sau khi phẫu thuật về ăn uống, vệ sinh vết mổ, cách tập vận động,… để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Phẫu thuật cắt ung thư phổi là một trong các phương thức điều trị. Nếu người bệnh có chỉ định xạ trị hay hóa trị thì phải tiếp tục điều trị, không được bỏ giữa chừng.
Phương pháp hóa trị
Có thể chỉ định hóa trị tân hỗ trợ (hóa trị trước phẫu thuật) hoặc hóa trị hỗ trợ (hóa trị sau khi đã phẫu thuật) cho giai đoạn còn khả năng phẫu thuật. Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển tại chỗ, phẫu thuật không còn hiệu quả. Hóa trị kết hợp với xạ trị sẽ được cân nhắc áp dụng. Phác đồ hóa trị hiện này chủ yếu dựa trên Cisplatin hoặc Carboplatin nếu không dung nạp Cisplatin.
Ưu điểm của hóa trị
- Cơ chế thuốc tác động toàn thân nên có thể tác động tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Trong khi phẫu thuật và xạ trị chỉ là điều trị tại chỗ.
- Có thể áp dụng cho nhiều giai đoạn và đem lại hiệu quả cao:
- Hóa trị tân hỗ trợ: hóa trị trước để giảm kích thước khối u và giảm tình trạng di căn hạch. Tạo điều kiện cho phẫu thuật thuận lợi và an toàn hơn.
- Hóa trị hỗ trợ: tiêu diệt tế bào ung thư vi thể mà phẫu thuật không thể lấy hết được.
- Hóa xạ trị đồng thời: Kết hợp xạ trị nhằm tăng hiệu quả xạ trị, giảm tái phát, tăng đáp ứng u.
- Hóa trị giảm nhẹ: khi ung thư phổi đã di căn, nhằm kéo dài thời gian sống. Điều trị lúc này không còn là điều trị triệt để nữa.
Nhược điểm của hóa trị
Phương pháp này gặp nhiều biến chứng cấp tính và mãn tính lên cơ thể: 15 16
- Cấp tính: thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, nôn ói, tiêu chảy, độc tố thần kinh, độc tố thận (suy thận cấp – có thể hồi phục), rối loạn nước điện giải, rụng tóc, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, sốt,…
- Mãn tính: độc tố thận (suy thận mạn), độc tính gan, độc tính thần kinh,…
Lưu ý
Trong quá trình hóa trị nếu gặp các tác dụng phụ như trên hãy báo lại cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá và nếu cần sẽ điều chỉnh liều hoặc thêm thuốc để giảm triệu chứng. Biến chứng cấp tính chỉ là tạm thời và thường giảm dần hoặc hết khi điều trị kết thúc.
Phương pháp xạ trị
Xạ trị được chỉ định trong một số trường hợp sau: Giai đoạn sớm nhưng bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ cho phẫu thuật (tuổi cao, bệnh nền nhiều gây mê không an toàn,…) hoặc không đồng ý phẫu thuật có thể cân nhắc xạ trị trước; giai đoạn tiến triển tại chỗ xạ trị phối hợp với hóa trị được cân nhắc chỉ định.
Ưu điểm của xạ trị
- Tiêu diệt được tế bào ung thư mà phẫu thuật không thể can thiệp tới do vị trí khó khăn.
- Tránh được biến chứng trong phẫu thuật (chảy máu, tổn thương các cấu trúc quan trọng như mạch máu, thần kinh,…) hay hóa trị (độc tính thần kinh, độc tính thận, nôn ói, rụng tóc,…).
Nhược điểm của xạ trị
- Gây tổn thương mô lành xung quanh nếu nằm trong vùng chiếu xạ. Những vùng mô này sẽ xơ hóa, thiếu máu, hoại tử, mất chức năng,…
- Một vùng cơ quan chỉ có khả năng nhận một lượng tia xạ nhất định trong một khoảng thời gian. Nên u tái phát, tiến triển nhanh mà trước đó đã xạ trị thì không thể tiếp tục xạ. Trường hợp này phẫu thuật và hóa trị có thể tiếp tục cân nhắc áp dụng.
Lưu ý
Phải báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có thai hoặc nghi ngờ có thai, những hội chứng rối loạn tâm thần như sợ không gian kín, trầm cảm hoặc khi gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
Các phương pháp mới
- Liệu pháp nhắm trúng đích: Hướng tới tác động lên thụ thể EGFR (Gefitinib, Osimertinib, Erlotinib, Afatinib). Hoặc gen ALK (crizotinib, ceritinib hoặc alectinib).
- Liệu pháp miễn dịch ung thư (Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch): Pembrolizumab, Nivolizumab, Atezolizumab,…
Ưu điểm của các phương pháp mới
Các thuốc này kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Khác với thuốc hóa trị (chất độc tiêu diệt tất cả tế bào phân chia nhanh trong cơ thể bao gồm tế bào ung thư). Chính vì vậy, nhóm thuốc này ít tác dụng phụ hơn và dễ kiểm soát hơn. Hơn nữa chúng có thể tác dụng khi ở giai đoạn trễ, hóa và xạ trị không còn hiệu quả.
Nhược điểm của các phương pháp mới
Giá thành cao và hiệu quả vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Lưu ý
Nên trao đổi cụ thể với bác sĩ để hiểu rõ về chi phí, tiên lượng sống còn, thời gian điều trị trước khi bắt đầu tiến hành điều trị với các phương thức này.
Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm với tỉ lệ mắc và tử vong ngày càng gia tăng. Nhìn chung chẩn đoán và điều trị ung thư phổi ở nam và nữ giới là tương tự nhau. Tuy nhiên dấu hiệu ung thư phổi ở nữ giới và ở nam giới có điểm khác nhau như đã trình bày ở bài viết trên. Thuốc lá là yếu tố quan trọng nhất gây ung thư phổi. Dù hút thuốc trực tiếp hay chỉ ngửi khói thuốc. Chính vì vậy bỏ thuốc lá bất kể thời điểm nào đều giảm nguy cơ bị ung thư phổi.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Globocan 2020https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/900-world-fact-sheets.pdf
-
What Is Lung Cancer?https://www.cancer.org/cancer/lung-cancer/about/what-is.html
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
What are the risk factors of lung cancer?https://www.cdc.gov/cancer/lung/basic_info/risk_factors.htm
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Aage Haugen, Women who smoke: are women more susceptible to tobacco-induced lung cancer?, Carcinogenesis, Volume 23, Issue 2, February 2002, Pages 227–229https://academic.oup.com/carcin/article/23/2/227/2390156
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Health risk of radon?https://www.epa.gov/radon/health-risk-radon#:~:text=Radon%20is%20the%20number%20one,people%20who%20have%20never%20smoked
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Bệnh bụi phổi amianghttps://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/benh-bui-phoi-amia-1?
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Understanding Lung Cancer Symptoms in Women https://www.healthline.com/health/lung-cancer-symptoms-in-women
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Signs and Symptoms of Lung Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/lung-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-symptoms.html
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
What Causes Lung Pain in the Back?https://www.healthline.com/health/lung-pain-in-back
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Pancoast-Tobias syndrome: A unique presentation of lung cancerhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7935245/
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Is Shoulder Pain a Symptom of Lung Cancer?https://www.healthline.com/health/lung-cancer-shoulder-pain
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Quyết định số 4825/QĐ-BYT ngày 06/08/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ".https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-4825-QD-BYT-2018-tai-lieu-chuyen-mon-Huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-ung-thu-phoi-390107.aspx
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Dingemans, A.-M.C. et al (2021). “Small-cell lung cancer: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up”. Annals of Oncology, Volume 32, Issue 7, 839 – 853https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33864941/
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Postmus, P.E. et al (2017). “Early and locally advanced non-small-cell lung cancer (NSCLC): ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up”. Annals of Oncology, Volume 28, iv1 - iv21https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28881918/
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Astolfi L.et al (2013). “Correlation of adverse effects of cisplatin administration in patients fected by solid tumours: a retrospective evaluation”. Oncol Rep. 29(4):1285-92. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23404427/
Ngày tham khảo: 07/10/2022
-
Rajeswaran A. et al. (2008). “Efficacy and side effects of cisplatin- and carboplatin-based doublet chemotherapeutic regimens versus non-platinum-based doublet chemotherapeutic regimens as first line treatment of metastatic non-small cell lung carcinoma: a systematic review of randomized controlled trials”. Lung Cancer. 59(1):1-11. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17720276/
Ngày tham khảo: 07/10/2022