YouMed

Tìm hiểu về hệ nội tiết của cơ thể: Chức năng và các bệnh lý liên quan

ThS. BS. Nguyễn Đinh Tuấn
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Đinh Tuấn
Chuyên khoa: Nội khoa, Nội tiết

Nội tiết là một hệ thống lớn và vô cùng quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Nó ảnh hưởng đến gần như tất cả mọi hoạt động trao đổi chất, và góp phần không nhỏ trong việc duy trì trạng thái khỏe mạnh của cơ thể. Vậy hệ nội tiết là gì? Vai trò cụ thể của chúng như thế nào? Có những bệnh lý nào liên quan đến hệ nội tiết. Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đinh Tuấn tìm câu trả lời qua bài viết ngay sau đây.

Hệ nội tiết là gì?

Hệ thống nội tiết là một mạng lưới các tuyến trong cơ thể – nơi tạo ra những nội tiết tố (hormone) giúp các tế bào “giao tiếp” với nhau. Chúng chịu trách nhiệm về hầu hết mọi tế bào, cơ quan và chức năng trong cơ thể.

Nếu hệ nội tiết bị rối loạn hoặc có sự mất cân bằng của các hormone, bạn có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trong tuổi dậy thì, mang thai hoặc kiểm soát cân nặng…1

Vai trò của hệ nội tiết đối với cơ thể

Các tuyến cấu thành hệ nội tiết phân bố ở khắp mọi nơi trong cơ thể, và tạo ra các hormone như là một công cụ để thực hiện chức năng của mình.

Hormone giúp điều phối các chức năng khác nhau trong cơ thể, bằng cách di chuyển trong máu đến da, cơ, và các cơ quan khác.2 Những tín hiệu này cho cơ thể bạn biết phải làm gì và làm khi nào.

Một số chức năng chính của hệ thống nội tiết bao gồm:2 3

  • Quá trình trao đổi chất.
  • Sự tăng trưởng
  • Khả năng sinh sản.
  • Sức khỏe tình dục.
  • Nhịp tim.
  • Huyết áp.
  • Thân nhiệt.
  • Sự thèm ăn.
  • Chu trình thức – ngủ.

Hệ nội tiết bao gồm những gì?

Các cơ quan/các tuyến nội tiết

Các tuyến chính của hệ thống nội tiết bao gồm:2 3

1. Vùng hạ đồi

Vùng hạ đồi là một tuyến nhỏ ở não sử dụng thông tin từ hệ thống thần kinh để xác định thời điểm cần sản xuất hormone cho các tuyến khác (chủ yếu là tuyến yên). Vùng dưới đồi kiểm soát nhiều quá trình trong cơ thể, bao gồm: cảm xúc, cảm giác thèm ăn, chu kỳ thức – ngủ, nhiệt độ cơ thể và chức năng tình dục.

2. Tuyến yên

Tuyến yên có hình hạt đậu nằm ở đáy não. Đây là nơi sản xuất các nội tiết tố để điều hòa hoạt động những tuyến trong hệ thống “hạ đồi – tuyến yên – tuyến nội tiết đích”. Tuyến này có hai thùy: thùy trước và thùy sau.4

Thùy trước tự sản xuất ra các hormone của riêng nó, giúp tạo sữa ở các bà mẹ, điều hòa quá trình tăng trưởng và sinh dục…

Trong khi đó, thùy sau tiết các hormone tạo ra ở vùng hạ đồi để kiểm soát huyết áp, duy trì cân bằng nước và tham gia vào quá trình chuyển dạ của phụ nữ.

Tuyến yên (Pituitary gland) sản sinh ra nhiều hormone có vai trò quan trọng đối với nhiều cơ quan trong cơ thể
Tuyến yên (Pituitary gland) sản sinh ra nhiều hormone có vai trò quan trọng đối với nhiều cơ quan trong cơ thể

3. Tuyến tùng

Đây là một tuyến được tìm thấy ở vùng não giữa, và có vai trò điều hòa chu trình thức – ngủ.

4. Tuyến giáp

Hormone giáp (T3, T4) được tiết ra từ tuyến này, có vai trò kiểm soát sự phát triển và trao đổi chất của bạn. Tuyến giáp nằm ở vùng trước cổ và có thể sờ thấy khi to lên trong các tình trạng bệnh lý.

5. Tuyến cận giáp

Bao gồm bốn tuyến nhỏ nằm ở ngay phía sau tuyến giáp của bạn. Qua việc kiểm soát mức độ canxi và phốt pho trong cơ thể, chúng giúp xương khỏe mạnh và cứng cáp.

6. Tuyến ức

Tuyến ức tạo ra các tế bào bạch cầu và rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch của trẻ em. Tuyến này nằm ở vùng ngực nhưng sẽ bắt đầu teo lại sau khi trẻ dậy thì.

Vị trí, và kích thước thay đổi của tuyến ức ở em bé (Newborn) và người lớn (Adult)
Vị trí, và kích thước thay đổi của tuyến ức ở em bé (Newborn) và người lớn (Adult)

7. Tuyến thượng thận

Mỗi tuyến thượng thận có thể được tìm thấy ở cực trên mỗi quả thận. Các tuyến này sản xuất các nội tiết tố dùng để điều chỉnh nhịp tim, huyết áp, và giúp cơ thể phản ứng với căng thẳng.

8. Tuyến tụy

Tuyến tụy là một cơ quan khá đặc biệt ở bụng vì có cả chức năng nội tiết và ngoại tiết.1 Về nội tiết, tuyến tiết ra các hormone để duy trì lượng đường trong máu ổn định. Phần còn lại của tụy tiết ra các enzym tiêu hóa để phân hủy thức ăn.

9. Buồng trứng

Phụ nữ có hai buồng trứng ở phần bụng dưới. Hai buồng trứng này tiết các hormone giúp điều hòa phát triển ngực ở tuổi dậy thì, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và quá trình mang thai.

10. Tinh hoàn

Tinh hoàn là nơi tạo ra tinh trùng ở cơ thể người đàn ông. Để làm được điều này, nhiệt độ của tinh hoàn cần phải thấp hơn so với bên trong cơ thể. Và đây cũng là lý do tại sao chúng buộc phải nằm bên ngoài cơ thể.5 Ngoài ra, hai tinh hoàn còn tiết ra testosterone giúp phát triển lông và bộ phận sinh dục trẻ vị thành niên.

Các hormone của hệ thống nội tiết

Có rất nhiều nội tiết tố được tạo ra bởi các tuyến của hệ thống nội tiết. Sau đây là các hormone chính đóng vai trò quan trọng trong hệ nội tiết:3 6

Hormone Nơi tiết ra Chức năng
Adrenalin Thượng thận Điều hòa nhịp tim, huyết áp, và phản ứng với căng thẳng.
Aldosterone Thượng thận Đảm bảo sự cân bằng muối và nước trong cơ thể.
Cortisol Thượng thận Đáp ứng với căng thẳng.
DHEA-S Thượng thận Hỗ trợ phát triển lông trên cơ thể ở tuổi dậy thì.
Estrogen Buồng trứng, tinh hoàn7 Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, duy trì thai kỳ, phát triển các đặc điểm giới tính ở nữ và nam.
Progesterone Buồng trứng Giúp cơ thể chuẩn bị cho việc mang thai nếu trứng được thụ tinh.
Testosterone Tinh hoàn, buồng trứng, thượng thận3 Duy trì ham muốn tình dục, phát triển các đặc điểm giới tính nam và một phần ở nữ.
T3, T4 Tuyến giáp Điều hòa sự trao đổi chất.
PTH Tuyến cận giáp Duy trì ổn định lượng canxi trong xương và máu.
Glucagon Tụy Tăng đường huyết.
Insulin Tụy Hạ đường huyết.
Melatonin Tuyến tùng Điều hòa chu trình thức – ngủ.
GH Tuyến yên Giúp phát triển thể chất.
Prolactin Tuyến yên Kích thích tuyến sữa ở bà mẹ.
ACTH Tuyến yên Điều hòa tuyến thượng thận tiết Cortisone.
TSH Tuyến yên Điều hòa tuyến giáp tiết T3, T4.
LH Tuyến yên Điều hòa tiết estrogen và testosterone cũng như quá trình rụng trứng.
FSH Tuyến yên Điều hòa quá trình tạo trứng và tinh trùng.
ADH Tuyến yên Duy trì ổn định huyết áp và lượng nước trong cơ thể.
Oxytocin Tuyến yên Kích thích các cơn co tử cung trong quá trình chuyển dạ, và sự co bóp của các mô vú để hỗ trợ tiết sữa sau khi sinh con.8
GHRH Vùng hạ đồi Điều hòa tuyến yên tiết GH.9
GnRH Vùng hạ đồi Điều hòa tuyến yên tiết FSH và LH.
CRH Vùng hạ đồi Điều hòa tuyến yên tiết ACTH.
TRH Vùng hạ đồi Điều hòa tuyến yên tiết TSH.

Các bệnh lý liên quan hệ nội tiết

Các hormone thể hiện nhiều vai trò trong việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Do đó khi hệ thống nội tiết rối loạn, những bệnh lý sẽ bắt đầu xuất hiện. Sau đây là các bệnh lý nội tiết thường gặp:2 3

Bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh lý đặc trưng bởi sự thiếu hụt insulin từ tuyến tụy một cách tương đối hoặc tuyệt đối. Dẫn đến không thể kiểm soát lượng đường trong máu.

Người bệnh có thể biểu hiện một số triệu chứng như:

  • Mệt mỏi.
  • Tăng cảm giác đói hoặc khát.
  • Uống nhiều.
  • Tiểu nhiều.
  • Sụt cân.

Việc điều trị đái tháo đường bao gồm:

  • Theo dõi thường xuyên lượng đường trong máu.
  • Tiêm insulin hoặc sử dụng một số loại thuốc uống khác.
  • Thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên và có một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.
Đái tháo đường là một trong những căn bệnh thuộc hệ nội tiết phổ biến nhất hiện nay
Đái tháo đường là một trong những căn bệnh thuộc hệ nội tiết phổ biến nhất hiện nay

Cường giáp

Cường giáp được định nghĩa là tình trạng sản xuất quá mức hormone giáp trong cơ thể.

Một số biểu hiện thường gặp của cường giáp bao gồm:

Điều trị cường giáp: Các lựa chọn bao gồm thuốc, iod phóng xạ hoặc phẫu thuật.

Suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone giáp cần thiết.

Triệu chứng suy giáp thường đối lập với cường giáp, bao gồm:

Điều trị suy giáp bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp, và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing xảy ra do nồng độ hormone cortisol cao quá mức trong máu.

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng Cushing bao gồm:

  • Tăng cân.
  • Tích tụ mỡ ở mặt, bụng hoặc vai.
  • Vết rạn da, đặc biệt là trên cánh tay, đùi và bụng.
  • Chậm lành vết thương.
  • Da mỏng, dễ bị bầm tím.
  • Kinh nguyệt không đều.
  • Vô sinh.

Việc điều trị hội chứng Cushing tùy thuộc vào nguyên nhân, bao gồm: thuốc, xạ trị hoặc phẫu thuật.

Các vết rạn da ở người bệnh mắc hội chứng Cushing
Các vết rạn da ở người bệnh mắc hội chứng Cushing

Suy sinh dục ở nam giới

Suy sinh dục nam là hậu quả của sự rối loạn trong sản xuất testosterone ở tinh hoàn. Ngoài việc gây vô sinh ở nam giới hoặc rối loạn cương dương, người bệnh cũng có thể gặp các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung, giảm ham muốn tình dục và thay đổi sức mạnh cơ bắp.

Xem thêm: Giảm ham muốn nam giới: Đâu là nguyên nhân thường gặp?

Việc điều trị bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng testosterone ngoại sinh.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Sự mất cân bằng nội tiết tố khiến phụ nữ mắc PCOS có kinh nguyệt không đều, dễ nổi mụn, và tăng cân. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa và vô sinh ở phụ nữ.

Các biểu hiện của hội chứng buồng trứng đa nang bao gồm:

  • Nổi mụn.
  • Rụng tóc.
  • Rậm lông.
  • Đau vùng chậu.
  • Hiếm muộn.
  • Thừa cân.
  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Mệt mỏi.
  • Nồng độ testosterone cao.

Việc điều trị bao gồm thay đổi lối sống (chủ yếu là giảm cân) và dùng thuốc như: thuốc ngừa thai, hoặc metformin.

Loãng xương

Khi buồng trứng của phụ nữ không sản xuất đủ estrogen, xương trở nên giòn và yếu. Mặc dù phổ biến hơn ở nữ giới, đàn ông đôi khi bị loãng xương khi nồng độ testosterone xuống quá thấp. Những người có tuyến cận giáp hoạt động quá mức (cường cận giáp) cũng có thể bị loãng xương.

Một số triệu chứng thường gặp là gãy xương và chấn thương liên quan đến ngã nhẹ, nhấc bổng hay thậm chí là ho. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu.

Điều trị loãng xương tập trung vào việc làm chậm hoặc ngừng quá trình mất xương. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục và dùng thuốc là ba trong số những phương pháp điều trị phổ biến nhất.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có các dấu hiệu sau đây, người bệnh nên liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán kịp thời:2

Người bệnh nên đến gặp bác sĩ thăm khám khi gặp phải những triệu chứng bất thường của cơ thể
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ thăm khám khi gặp phải những triệu chứng bất thường của cơ thể

Làm thế nào để có một hệ nội tiết khỏe mạnh?

Một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện để cải thiện hệ nội tiết của bản thân bao gồm:2

  • Tập luyện thể dục, rèn luyện thể lực thường xuyên.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ.
  • Trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ thực phẩm bổ sung, hoặc điều trị bằng thảo dược.
  • Gặp bác sĩ khi có các biểu hiện bất thường của cơ thể. Bên cạnh đó chú ý tới tiền sử bệnh lý của các thành viên trong gia đình.

Việc thăm khám kịp thời sẽ giúp bác sĩ có cơ sở xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Trên đây là những thông tin về hệ nội tiết nói chung, cũng như các tuyến nội tiết và chức năng của các loại hormone trong cơ thể. Rối loạn những nội tiết tố này có thể gây các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của bạn. Vì vậy, bất kỳ ai gặp phải các biểu hiện bất thường của hệ thống nội tiết, nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. The Endocrine System and Glands of the Human Bodyhttps://www.webmd.com/diabetes/endocrine-system-facts

    Ngày tham khảo: 30/08/2022

  2. Endocrine Systemhttps://my.clevelandclinic.org/health/articles/21201-endocrine-system

    Ngày tham khảo: 30/08/2022

  3. Endocrine System Overviewhttps://www.healthline.com/health/the-endocrine-system

    Ngày tham khảo: 30/08/2022

  4. What is the Endocrine System?https://www.epa.gov/endocrine-disruption/what-endocrine-system

    Ngày tham khảo: 30/08/2022

  5. Overview of the Male Anatomyhttps://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=85&contentid=P00710

    Ngày tham khảo: 30/08/2022

  6. Gardner D. Greenspan's Basic & clinical endocrinology. 10th ed: McGraw Hill Lange; 2011.

  7. Hess RA. Estrogen in the adult male reproductive tract: a review. Reproductive biology and endocrinology : RB&E. 2003;1:52.

  8. Oxytocinhttps://my.clevelandclinic.org/health/articles/22618-oxytocin

    Ngày tham khảo: 30/08/2022

  9. Sherwood NM, Adams BA. Pituitary Adenylate Cyclase-Activating Polypeptide (PACAP)/Glucagon Superfamily. In: Martini L, editor. Encyclopedia of Endocrine Diseases. New York: Elsevier; 2004. p. 629-35.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người