Viêm ruột (IBD): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh ruột viêm – (Inflammatory bowel disease – IBD) – còn được gọi bệnh viêm ruột hay viêm ruột mạn tính. Đây là bệnh lý mạn tính, bệnh nhân cần “điều trị suốt đời” bao gồm giai đoạn bùng phát, nhiều đợt lui bệnh. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Triệu chứng như thế nào? Cách điều trị ra sao? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Mạnh Tiến tìm hiểu về viêm ruột (IBD) qua bài viết sau nhé!
Bệnh viêm ruột (IBD) là gì?
Viêm ruột mạn tính (IBD) là nhóm bệnh gây viêm mạn tính (đau bụng và phù nề) một đoạn ruột. IBD bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Cả hai đều ảnh hưởng đến ống tiêu hóa.1
Bệnh khởi phát ở nhiều độ tuổi trên cơ địa bất thường về gene, hoặc sau khi tiếp xúc một kháng nguyên bất kì (thức ăn/vi khuẩn). Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh hiện chưa rõ. Việc điều trị giúp ngăn bệnh tiến triển, giảm biến chứng.
Bệnh ruột viêm bao gồm những thể nào?
Bệnh bao gồm hai thể bệnh chính viêm loét đại tràng (UC – Ulcerative Colitis) và bệnh Crohn (CD – Crohn’s disease). Mặc dù đều do tình trạng viêm loét mạn tính ống tiêu hoá với bệnh cảnh đau bụng và đi tiêu ra máu; cả hai bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi dậy thì, trước 30 tuổi, hoặc có thể ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, hai thể bệnh trên có đặc điểm tổn thương khác nhau, biểu hiện lâm sàng khác biệt, diễn tiến tiên lượng khác biệt.
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng bao gồm các tổn thương chỉ khu trú ở đại trực tràng bao gồm các thể:1 2 3 4
- Viêm loét trực tràng: viêm ở trong trực tràng, đây là dạng tổn thương nhẹ nhất.
- Viêm đại tràng toàn bộ: viêm nặng lan rộng toàn bộ đại tràng.
- Viêm đại tràng chậu hông – trực tràng: tổn thương khu trú từ đại tràng chậu hông đến trực tràng.
Bệnh Crohn1 2 3 4
Bệnh Crohn thường ảnh hưởng đến bất kì phần nào của ống tiêu hoá. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất trong phần cuối của hồi tràng, trực tràng. Một số trường hợp, tổn thương loét ở dạ dày, tá tràng. Các đoạn viêm loét xen kẽ với các đoạn lành và phân bố thành mảng trong khi viêm loét đại trực tràng có biểu hiện liên tục xuyên suốt từ trực tràng đến các đoạn đại tràng phía trên.
Bệnh Crohn gây tổn thương tất cả các lớp của thành ruột, có thể xâm nhập hết bề dày thành ruột, nên có nguy hẹp, thủng ống tiêu hoá trong khi viêm loét đại tràng chỉ bị tổn thương ở trên bề mặt của đại tràng (niêm mạc) nên ít có nguy cơ hẹp, tắc hơn.
Bệnh Crohn thường gây rò vào các cơ quan lân cận: bàng quang, tử cung, hậu môn; trong khi viêm loét đại tràng không có nguy cơ rò. Mặt khác, viêm loét đại tràng thường đi tiêu máu hơn bệnh Crohn.
Phân biệt viêm ruột (IBD) và một số bệnh lý khác
Cần lưu ý có nhiều nguyên nhân gây viêm đại tràng khác, bác sĩ cần phân biệt như viêm đại tràng do nhiễm trùng, do kí sinh trùng, do độc chất. Tại Việt Nam, viêm đại tràng nhiễm trùng vẫn là nguyên nhân hàng đầu cần được loại trừ. Mặt khác, một bệnh lý phổ biến hơn cũng thường nhầm lẫn với bệnh ruột viêm là hội chứng ruột kích thích (IBS). Chẳng hạn, người bệnh cũng có thay đổi thói quen đi tiêu, đau vùng bụng. Các triệu chứng xuất hiện kéo dài, từng đợt ổn định rồi tái phát. Tuy nhiên, IBD không phải là IBS vì:5
- IBD là tình trạng nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến một số biến chứng như suy mòn, tổn thương ruột. IBD xảy ra do một hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến tình trạng viêm loét mạn tính ống tiêu hoá. Điều trị nền tảng IBD là sử dụng thuốc kháng viêm.
- IBS là một rối loạn tiêu hoá chức năng. IBS thường phát triển do rối loạn điều hoà thần kinh ruột, bất thường nhu động ruột mà không tổn thương thực thể của đường ống tiêu hoá.
- IBS không gây viêm hoặc tổn thương lòng ruột như IBD. Vì vậy, hình ảnh học thường không ghi nhận bất thường và không gây tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. IBS hiếm khi cần nhập viện và phẫu thuật.
- Người bệnh vẫn có thể mắc đồng thời IBD và IBS. IBD có thể triệu chứng IBS nặng nề hơn, tuy nhiên không có bằng nào ghi nhận IBS làm tăng nguy cơ mắc IBD.
Nguyên nhân gây viêm ruột
Hiện tại, cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm ruột vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. Ba yếu tố nguy cơ quan trọng bao gồm: di truyền, bất thường của hệ miễn dịch, yếu tố môi trường tiếp xúc.1 6 7
Nguy cơ mắc IBD có thể chịu ảnh hưởng một số yếu tố như:
- Các yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến nguy cơ dễ mắc bệnh của người bệnh. Một số gen như NOD2, ATG16L1, IL23R, IRGM ảnh hưởng chức năng miễn dịch. Có hơn 200 biến đổi gen gây nguy cơ bệnh Crohn.8 9
- Tuổi: Bệnh thường gặp trước tuổi 30, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, một số trường hợp bệnh khởi phát muộn hơn lúc đã 50 – 60 tuổi.10
- Chủng tộc: Thường gặp ở người da trắng hơn, tuy nhiên bệnh có thể gặp ở bất kì chủ tộc nào.10
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng liên quan đến bệnh Crohn.6 10
- Việc tiếp xúc với một số vi khuẩn, siêu vi, thuốc (thuốc kháng viêm NSAIDs, thuốc ngừa thai, kháng sinh, thuốc trị mụn isotretinoids), chế độ ăn uống (ăn nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn).7 10
Triệu chứng của bệnh viêm ruột
Biểu hiện của bệnh IBD rất đa dạng thay đổi tuỳ theo loại, vị trí bị loét, mức độ nghiêm trọng, cũng như các bệnh lý đi kèm. Diễn tiến bệnh có thể thầm lặng, ổn định và nặng nề bùng phát về tần suất, cường độ và thời gian. Các triệu chứng này bao gồm:1 2
- Đi tiêu ra máu.
- Tiêu chảy kéo dài.
- Đau quặn bụng.
- Đầy hơi, chướng bụng.
- Chán ăn, sụt cân không chủ ý.
Ngoài ra, viêm ruột (IBD) có thể gây:1 2
- Sốt.
- Đau khớp.
- Đau ngứa mắt.
- Nôn, buồn nôn.
- Phát ban da, loét miệng.
- Thay đổi thị lực.
- Mệt mỏi.
IBD còn có mối liên hệ mật thiết với các bệnh tự miễn khác. Các bệnh đã được ghi nhận có mối liên quan đến IBD bao gồm: viêm màng bồ đào tự miễn, viêm đường mật xơ hoá nguyên phát, viêm gan tự miễn, viêm cột sống dính khớp, hội chứng Sweet,… Các bệnh lý này nếu mắc kèm có thể gây biểu hiện ngoài đường tiêu hoá của IBD như:6
- Phát ban da, loét miệng.
- Thay đổi thị lực.
- Đau khớp.
- Đau ngứa mắt.
- Vàng da.
Bệnh viêm ruột có những biến chứng nào?
Một số biến chứng của IBD bao gồm:10
- Tắc ruột: thường gặp trong nhóm bệnh Crohn. Bệnh Crohn ảnh hưởng độ dày của thành ruột. Theo thời gian, đoạn ruột viêm dày, hẹp lòng làm thức ăn không di chuyển qua được, gây tắc ruột. Người bệnh cần được phẫu thuật khẩn cấp để loại bỏ đoạn ruột gây hẹp.
- Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy, đau bụng, cảm giác cồn cào khiến người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc ăn uống. Người bệnh dễ bị thiếu máu, thiếu sắt, vitamin B12.
- Ung thư đại trực tràng: bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Người bệnh được yêu cầu nội soi kiểm tra định kì để tầm soát phát hiện ung thư sớm. Thời gian nội soi kiểm tra định kỳ thường sau khoảng 8-10 năm bệnh được chẩn đoán.
- Rò hậu môn: các lỗ rò ăn sâu hết bề mặt của thành ruột, tạo ra các lỗ rò ra da, thông với một tạng khác. Các lỗ rò gần hoặc ở quanh vùng hậu môn là loại thường gặp nhất. Các lỗ rò có thể gặp giữa các quai ruột, vào bàng quang hay âm đạo, hay có thể mở ra da, gây ra đường rò liên tục các thứ có trong ruột. Trong một số trường hợp, rò bị bội nhiễm và tạo ổ áp xe có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị.
- Các ổ loét: bệnh Crohn có thể đưa đến các ổ loét ở bất kỳ đâu trong đường tiêu hóa, kể cả miệng và hậu môn, và trong đường sinh dục (tầng sinh môn).
- Phình đại tràng nhiễm độc: Viêm loét đại tràng có thể viêm đoạn đại tràng lớn, phù nề.
- Thủng đại tràng: trong bệnh cảnh phình đại tràng nhiễm độc có thể tạo một lỗ thủng dẫn đến bệnh cảnh nặng nề. Người bệnh cần được phẫu thuật khẩn cấp.
- Tổn thương ở mắt, da và khớp: Viêm màng bồ đào, phát ban da, đau khớp có thể cùng xuất hiện khi triệu chứng tiêu hoá nặng hơn.
- Tác dụng phụ của thuốc: Ở người bệnh điều trị IBD kéo dài, có thể xuất hiện các biến cố bất lợi khi dùng thuốc hoặc lạm dụng thuốc đặc biệt là corticosteroid. Người bệnh có thể đối đầu nguy cơ nhiễm khuẩn cao, một số u nhỏ sẽ phát triển nhanh nếu có, nguy cơ loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường.
- Viêm đường mật xơ hoá nguyên phát: bệnh không thường gặp, đi kèm với IBD. Đây là bệnh lý gây viêm các đường dẫn mật, dẫn đến sẹo chít hẹp đường mật. Về lâu dài có thể gây tắc mật, tổn thương gan, xơ gan ứ mật.
- Huyết khối: IBD đi liền nguy cơ tăng đông, huyết khối gây tắc mạch.
- Mất nước nặng: tiêu chảy nặng lượng lớn có thể dẫn đến mất nước.
Chẩn đoán viêm ruột (IBD) như thế nào?
Việc chẩn đoán chính xác IBD cần có sự phối hợp nhiều chuyên khoa như nội tiêu hoá, ngoại tiêu hoá, nội soi, chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ giải phẫu bệnh. Để làm rõ chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cho bệnh nhân bao gồm:1 2 10
Xét nghiệm | Ý nghĩa |
Soi phân, cấy phân | Người bệnh được lấy mẫu để tầm soát loại trừ các nguyên nhân nhiễm khuẩn khác như: vi trùng, lao, kí sinh trùng cũng có thể gây viêm loét đại tràng. |
Xét nghiệm calprotectin11 | Đánh giá mức độ viêm thông qua đo nồng độ của calprotectin – một protein được giải phẫu bởi các tế bào ruột khi viêm của người bệnh IBD. |
Xét nghiệm máu |
|
Nội soi |
|
Hình ảnh học |
|
Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột
Hiện tại vẫn chưa có cách chữa lành cho IBD. Mục tiêu chính của điều trị cho người bệnh là giảm các triệu chứng, duy trì hay thuyên giảm tình trạng, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng, xuất hiện biến chứng.6 10
Điều trị không dùng thuốc
Thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp nếu không được điều chỉnh có thể làm nặng lên triệu chứng IBD. Việc thay đổi lối sống tích cực, điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp kiểm soát triệu chứng, giảm tần suất các đợt bùng phát và thậm chí là thuyên giảm tình trạng bệnh.
Người bệnh cần thay đổi và xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh như:1 2 10
Lưu ý trong chế độ ăn uống
Một số biện pháp điều chỉnh trong chế độ ăn có thể giúp bệnh nhân bao gồm:
- Hầu hết những người bị IBD không cần hạn chế về chế độ ăn uống và nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, trừ khi được tư vấn khác bởi chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ lâm sàng IBD của họ.
- Theo dõi các triệu chứng sau khi ăn các thức ăn hằng ngày.
- Tránh sử dụng các chế phẩm sữa.
- Tránh và hạn chế các thực phẩm cay, caffeine, rượu, chất có cồn.
- Nếu ruột bị chít hẹp nên ăn lỏng, hạn chế ăn nhiều chất xơ.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Điều này có nghĩa là bao gồm các loại thực phẩm từ một trong năm nhóm thực phẩm mỗi ngày, để đảm bảo bạn có đủ chất dinh dưỡng, như: rau, bao gồm các loại và màu sắc khác nhau, và các loại đậu; trái cây; thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, đậu phụ, các loại hạt; sữa, sữa chua, uống nhiều nước.
Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp mọi người duy trì dinh dưỡng đầy đủ. Rất có thể, người bệnh sẽ có những khoảng thời gian phải trải qua một đợt bùng phát IBD của mình. Trong thời gian bùng phát, người ta thường thấy giảm cân do bớt thèm ăn và tăng nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là khi mắc bệnh Crohn và bị viêm loét đại tràng nặng.
Ngoài ra, người bệnh cần tránh lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc ngừa thai, NSAIDs khi chưa tham vấn ý kiến bác sĩ.
Quản lý stress
Tình trạng căng thẳng có thể giúp giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát. Các biện pháp giúp kiểm soát căng thẳng như:
- Tập luyện thể thao.
- Thiền.
- Tập thở.
- Tham giác các hoạt động ngoài trời.
Các hoạt động hỗ trợ tinh thần như thường xuyên động viên, quan tâm rất quan trọng đối với bệnh nhân bị viêm ruột, đặc biệt là bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng.
Ngưng sử dụng thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ để phát triển tình trạng và có thể làm các triệu chứng nặng hơn. Vì vậy, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc lá.
Điều trị dùng thuốc
Người bệnh sẽ được kê toa sử dụng một số thuốc để chống lại quá trình viêm. Những thuốc này có thể uống hoặc truyền tĩnh mạch. Các thuốc bao gồm:1 2 4 10
- Thuốc kháng viêm: thường gặp là aminosalicylates (bao gồm sulfasalazine, mesalamine hoặc balsalazide) có thể uống hoặc đặt hậu môn tuỳ trường hợp. Thuốc là chế phẩm đầu tay giúp chống lại các triệu chứng với tác kháng viêm, duy trì và giảm mức độ bệnh của IBD.
- Corticoid: là thuốc kháng viêm có tác dụng mạnh, nhanh, thường được sử dụng trong đợt bùng phát.
- Các thuốc ức chế miễn dịch: tác động đến hệ thống miễn dịch quá phát của cơ thể, từ đó giúp giảm viêm. Tuy nhiên, liệu pháp cần thời gian để đạt hiệu quả tối đa. Ngoài ra, thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở người bệnh.4
- Các thuốc sinh học: thường được lựa chọn khi bệnh nặng, ưu tiên ở người trẻ giúp ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng từ rất sớm. Các thuốc tác động đến các thụ thể để giảm viêm trong cơ thể.
Các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị viêm ruột (IBD) và chỉ định bao gồm:1 2 4 10
Nhóm thuốc |
Một số tên thuốc phổ biến |
Chỉ định |
Aminosalicylate | Axit 5-aminosalicylic (5-ASA) | UC (và một số CD): để đem lại sự thuyên giảm (điều trị bệnh đang hoạt động) và duy trì sự thuyên giảm. Có sẵn trong các chế phẩm khác nhau bao gồm dạng viên, hạt, chất thụt rửa, bọt thụt rửa và thuốc đạn, tùy thuộc vào vị trí bệnh. |
Corticosteroid |
|
UC và CD: để đem lại sự thuyên giảm trong những trường hợp 5-ASA thất bại. Có sẵn trong các chế phẩm khác nhau tùy thuộc vào vị trí bệnh.
Không được dùng trong lúc lui bệnh – thời kỳ các triệu chứng của bệnh thuyên giảm một cách nhanh chóng hoặc từ từ. |
Thuốc ức chế miễn dịch |
|
UC và CD: để duy trì sự thuyên giảm ở những người trước đây được điều trị căn bệnh đang hoạt động với corticosteroid. |
Thuốc sinh học | Thuốc ức chế TNF-alpha
Chất ức Integrin
Chất ức chế IL-12/23
|
Được sử dụng trong điều trị duy trì giúp bệnh thuyên giảm, đặc biệt khi thất bại với các liệu pháp thông thường. |
Người bệnh có thể được kê được một số thuốc hỗ trợ khác như:1 2 4 10
- Thuốc kháng sinh: được chỉ định khi có bằng chứng nhiễm trùng. Tại Việt Nam, tình trạng nhiễm trùng rất thường gặp. Nhiễm trùng và kí sinh trùng có thể làm biểu hiện IBD không điển hình và nặng lên bệnh nền tảng.
- Thuốc kháng tiêu chảy: làm giảm triệu chứng tiêu chảy.
- Chất kết dính muối mật: có thể làm giảm tiêu chảy do việc tích tụ muối mật trong đại tràng của bạn.
- Thuốc giảm đau: paracetamol đôi khi được sử dụng để giảm cơn đau nhẹ.
- Khi bệnh bùng phát cấp tính, các thuốc giảm đau khác như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) nên tránh sử dụng, vì chúng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các đợt bùng phát của IBD. Việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện như codein và morphin nên giảm thiểu, vì sử dụng lâu ngày có thể liên quan đến nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là táo bón và lệ thuộc vật chất.
- Truyền sắt tĩnh mạch: trong trường hợp thiếu máu, thiếu sắt mức độ nặng.
- Bổ sung dịch, dinh dưỡng tĩnh mạch, vitamin, khoáng chất.
Phẫu thuật
Theo ước tính, cứ 5 người sẽ có 1 người bị viêm loét đại tràng có triệu chứng nặng và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc và cần can thiệp phẫu thuật. Tương tự, hơn 60-75% bệnh nhân bệnh Crohn cần phẫu thuật.6Trong một số trường hợp có biến chứng (rò, thủng đường ống tiêu hoá), người bệnh sẽ được hội chẩn ngoại khoa để can thiệp phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân Crohn, phẫu thuật giúp loại bỏ đoạn ruột tổn thương và nối hai đoạn ruột lành với nhau. Sau phẫu thuật, phần ruột còn lại sẽ đảm nhiệm chức năng của phần đã cắt bỏ. Khoảng 6 trong 10 bệnh nhân Crohn đã phẫu thuật sẽ cần phẫu thuật lại trong 10 năm sau đó.1
Chủng ngừa12
Bệnh nhân IBD khi được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Ngay sau khi được chẩn đoán IBD, trước khi người bệnh bắt đầu điều trị ức chế miễn dịch, bác sĩ lâm sàng sẽ tư vấn nên tiêm phòng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chúng bao gồm viêm gan siêu vi B, C, uốn ván, bạch hầu, ho gà, vaccin cúm, vaccin phế cầu.
Nếu đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (corticosteroid, điều hoà miễn dịch, thuốc sinh học), cần cung cấp thông tin, thời gian sử dụng để được tư vấn tiêm vaccine phù hợp.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm ruột?
Thực sự không có cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn có thể giúp kiểm soát triệu chứng. Chúng ta có thể:1 2
- Ăn nhiều bữa nhỏ, dễ tiêu.
- Sử dụng các phương pháp giảm bớt căng thẳng như thiền, tai chi, nghe nhạc, đi bộ.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Chọn thực phẩm phù hợp, không làm khởi phát viêm ruột (IBD).
- Ngưng hút thuốc lá.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm ruột (IBD). Đây là một bệnh mạn tính, cần điều trị liên tục và suốt đời. Nếu tuân thủ điều trị tốt, người bệnh sẽ không vào đợt bùng phát, kéo dài thời gian lui bệnh và sinh hoạt như người bình thường.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Inflammatory Bowel Disease (Overview)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15587-inflammatory-bowel-disease-overview
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Understanding the Symptoms of Inflammatory Bowel Disease (IBD)https://www.healthline.com/health/inflammatory-bowel-disease#treatment
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
What is inflammatory bowel disease (IBD)?https://www.cdc.gov/ibd/what-is-IBD.htm
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Inflammatory bowel disease (IBD)https://patient.gastro.org/inflammatory-bowel-disease-ibd/
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
IBS vs IBDhttps://www.crohnscolitisfoundation.org/what-is-ibd/ibs-vs-ibd
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Inflammatory bowel diseasehttps://www.nhs.uk/conditions/inflammatory-bowel-disease/
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Influence of Environmental Factors in the Development and Outcomes of Inflammatory Bowel Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6469265/
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
GENETICS AND PATHOGENESIS OF INFLAMMATORY BOWEL DISEASEhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4961083/
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Crohn diseasehttps://medlineplus.gov/genetics/condition/crohn-disease/#references
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Inflammatory bowel disease (IBD)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/inflammatory-bowel-disease/symptoms-causes/syc-20353315
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Calprotectin as a diagnostic tool for inflammatory bowel diseaseshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5038578/
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Vaccinating Patients With Inflammatory Bowel Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5114511/
Ngày tham khảo: 27/09/2022